|
Taxi truyền thống ở Nhật Bản - Ảnh: AFP. |
Các công ty taxi trên toàn Nhật Bản đang phát triển lĩnh vực ứng dụng gọi xe trực tuyến, kiểu như Grab hay Uber, để gia tăng hiệu quả, nâng cao độ thoải mái cho khách hàng, cũng như bắt kịp xu hướng thay đổi trong thị trường toàn cầu.
Gọi taxi, không phải Uber
Hồi giữa tháng trước, nhật báo Mainichi cho biết hãng Sony và 6 công ty taxi lớn bao gồm Checker Cab Group (trụ sở ở Tokyo) đã công bố ý định hợp tác phát triển một ứng dụng gọi xe bằng điện thoại.
Dịch vụ này sẽ tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của Sony, và kỳ vọng sẽ giảm thời gian chờ đợi của hành khách cũng như thời gian tài xế tốn công đi tìm khách hàng.
Theo kế hoạch, Sony muốn tung ra ứng dụng đặt xe trên điện thoại di động vào mùa thu năm nay, với các kế hoạch xa hơn là cung cấp ứng dụng cho các công ty taxi khác trong tương lai.
Công ty Daiichi Kotsu Sangyo, trụ sở ở Kitakyushu, vùng Fukuoka, cũng bắt đầu đàm phán với những công ty Mỹ như Uber, cũng như công ty Trung Quốc Didi Chuxing về việc hợp tác phát triển một dịch vụ gọi taxi.
|
Một chiếc taxi truyền thống của Nhật Bản ở TP Osaka - Ảnh: REUTERS. |
Bản thân Uber cũng từng lên kế hoạch làm ăn ở Nhật Bản. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là chính quyền Tokyo hiện vẫn cấm các loại hình kinh doanh vận tải chia sẻ như vậy, cũng như chưa rõ khi nào sẽ bỏ lệnh cấm ấy.
Vì vậy Uber chuyển sang phát triển công nghệ gọi taxi, chứ không phải gọi xe như đã hiện diện tại Việt Nam và các quốc gia khác.
Trên thực tế, các hãng công nghệ như Uber hay ứng dụng trò chuyện LINE cũng ra mắt những ứng dụng gọi xe để đáp ứng xu hướng, dẫu quy định rất nghiêm. Nhưng tới nay Uber cũng chỉ chiếm không tới 1% số chuyến đi mỗi tháng tại Tokyo, theo hãng tin Bloomberg.
Taxi truyền thống sẽ càng mạnh
Nhật Bản là nơi taxi truyền thống vẫn còn sống khỏe. Thủ đô Tokyo là thị trường taxi lớn bậc nhất toàn cầu, với quy mô 17 tỉ USD, theo đài CNBC ngày 3-4.
Tokyo cũng được đánh giá là một trong những nơi có dịch vụ taxi tốt nhất thế giới. Họ được ca ngợi về những chiếc xe sạch sẽ, tinh tươm, tài xế lịch sự và kèm theo đó là một văn hóa không đòi tiền "boa" của khách.
Đài CNBC nhận xét rằng chất lượng cao là một trong những lý do các dịch vụ gọi xe ở Nhật không thể có đất sống.
Tuy vậy với nhu cầu về xu hướng cũng như đặc biệt là chuẩn bị cho viễn cảnh nước Nhật tràn ngập du khách dịp Thế vận hội 2020, nhiều công ty Nhật Bản đang tái quyết tâm tấn công thị trường ứng dụng điện thoại đặt xe.
|
Xe tự hành Easy Ride của Nissan - Ảnh: REUTERS. |
Ngoài Sony, công ty viễn thông lớn thứ ba ở Nhật là SoftBank hồi đầu năm 2018 cũng tiết lộ đang phối hợp với công ty Didi Chuxing của Trung Quốc để liên doanh, đặt mục tiêu phát triển một ứng dụng gọi taxi cho Nhật Bản. Dự kiến công ty liên doanh mới này sẽ thử nghiệm ở Osaka, Kyoto, Fukuoka, Tokyo và một số thành phố khác trong năm nay.
Tương tự, hãng xe Nissan cũng phối hợp với công ty trò chơi DeNA thử nghiệm công nghệ "taxi tự hành" ở thành phố Yokohama. Những chiếc Nissan Leaf không người lái của Nissan có tên gọi là Easy Ride, đã chạy khoảng 4,5 km xung quanh trụ sở của hãng. Đó được xem như một bước đi tắt đón đầu của Nissan ở cả hai lĩnh vực là vận tải hành khách và công nghệ tự hành.
Về ngắn hạn, những tiến bộ công nghệ hiện nay tại Nhật Bản cũng chỉ khiến taxi truyền thống càng mạnh hơn. Đơn giản vì như khuynh hướng hoạt động của Sony, ứng dụng mới sẽ dần được bán cho các công ty taxi lớn mạnh trong nước. Điều này đồng nghĩa ứng dụng gọi xe không dùng để kinh doanh riêng, mà nhằm hỗ trợ tài xế phục vụ khách hàng tốt hơn.
Xa hơn nữa, công nghệ chỉ đường và xe tự hành sẽ giúp giải quyết vấn đề dân số mà Nhật Bản phải đối mặt trong vài chục năm tiếp theo, với độ tuổi trung bình của tài xế là 60.
|
CEO Hisashi Taniguchi của công ty khởi nghiệp về lĩnh vực robot ZMP, chụp ảnh trên sản phẩm RoboCar của hãng này - Ảnh: REUTERS. |
Bên cạnh đó, riêng ở Tokyo, các công nghệ mới sẽ hữu ích vì rất nhiều tài xế cần được chỉ đường vì họ không phải dân sinh sống ở đây lâu năm, chưa kể các mối lo như lái xe trong đêm khuya hay điều kiện thiếu sáng…
Phát biểu tại Yokohama hồi tháng trước, ông Ogi Redzic - phó Chủ tịch phụ trách dịch vụ kết nối phương tiện giao thông và di động của Liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi, cho biết: "Chúng tôi định tới đầu những năm 2020 sẽ bắt đầu cung cấp các dịch vụ, triển khai cơ sở hạ tầng cần thiết và giúp mang lại những hứa hẹn về việc lĩnh vực xe tự hành lưu động sẽ lan rộng trên thị trường toàn cầu. Với việc ra mắt Easy Ride, đặc biệt chúng tôi thấy có nhiều giá trị mà mình có thể mang đến cho Nhật Bản".
Theo Nhật Đăng/Tuổi Trẻ