Ngày 8/4 tới đây, Uber chính thức “về chung một nhà” với Grab. Toàn bộ mảng kinh doanh tại Đông Nam Á của doanh nghiệp này sẽ được nhập vào Grab.
|
Uber và Grab "về chung một nhà' khiến nhiều tài xế lo lắng. Ảnh: Hoài Thanh. |
Trước thông tin này, không chỉ các tài xế Uber lo ngại về hướng đi tiếp theo mà ngay cả tài xế Grab và khách hàng vốn đã quen với việc sử dụng dịch vụ của Uber cũng "lao đao".
Lo giá tăng, giảm khuyến mãi
Chị Thủy Nguyễn (31 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM) ban đầu sử dụng dịch vụ của Grab, nhưng sau một thời gian, chị chuyển sang dùng Uber. Với chị, cảm giác chủ quan của bản thân về dịch vụ và thái độ của Uber tốt hơn nhiều so với Grab.
“Cá nhân tôi thấy tài xế Uber chuyên nghiệp, thái độ lịch sự hơn, nên khi sáp nhập lại, không có đối thủ cạnh tranh thì tôi không kỳ vọng Grab sẽ cải thiện chất lượng phục vụ", chị Thủy nói.
Cùng nỗi lo như chị Thủy, anh Khải Trần cho rằng Uber mang lại cho bản thân anh những trải nghiệm tốt hơn. Chi phí Uber cũng thường thấp hơn Grab vài nghìn đồng khi di chuyển cùng một đoạn đường.
Do vậy, việc 2 hãng sáp nhập lại khiến anh Khải tiếc nuối: "Họ sáp nhập sẽ mất tính cạnh tranh, điều khiến tôi lo ngại là mức giá. Khi còn là đối thủ thì liên tục đưa ra khuyến mãi để thu hút khách hàng. Giờ họ 'độc quyền' thì muốn sao cũng được".
Vốn là khách hàng sử dụng song song cả hai dịch vụ, ban đầu thấy của Grab và Uber đều như nhau. Tuy nhiên, sau một thời gian, Thanh Thư (23 tuổi, ngụ TP.HCM) nhận thấy Uber có nhiều ưu điểm hơn so với hãng cạnh tranh.
“Tôi thích đi Uber hơn, thấy chất lượng Uber tốt, tài xế vui tính. Nên tôi thấy tiếc vì phải xóa app Uber và nếu cần thì phải chuyển qua Grab hay xe ôm truyền thống. Với Grab, tôi có những trải nghiệm không vui cho lắm", Thư chia sẻ.
Tới đâu hay tới đó
Nếu như những tài xế Uber lo lắng về hướng đi tiếp theo của mình thì những tài xế Grab trăn trở về tỷ lệ chiết khấu có thể sẽ bị “ép”.
Hiện tại, tài xế Grab phải chịu mức chiết khấu 25%, cộng thêm 3,6% tiền thuế là 28,6% trên tổng doanh thu. So với Uber, mức chiết khấu này cao hơn. Chị Trần Thị Thanh Nga (36 tuổi, tài xế Grab) lo khi sáp nhập thì mức chiết khấu này còn tăng hơn nữa.
“Lúc có công ty cạnh tranh với nhau thì chiết khấu mình sẽ thấp, nhưng khi họ sáp nhập thì tôi sợ phần trăm sẽ tăng lên. Cuối cùng thì thiệt thòi cũng chỉ ở người tài xế như chúng tôi và khách hàng thôi. Chứ doanh nghiệp, không có người này chạy thì người khác chạy chứ họ đâu có lo lắng gì", chị Nga băn khoăn.
Trong khi đó, tài xế Grab bắt đầu băn khoăn. "Mới nghe tin có mấy hôm nay mà đã có nhiều tài xề Uber chuyển qua Grab rồi. Cùng kiếm cơm nên tôi hiểu cho các đồng nghiệp Uber, nhưng tôi lo sẽ kiếm khách khó hơn trước”, anh Thành Vinh (tài xế Grab khu vực quận 1) tâm tư.
Tuy nhiên, nhiều tài xế Grab không quá lo lắng vì họ cho rằng dù lượng tài xế đông lên, lượng khách hàng từ Uber sẽ kéo qua, vì thế mà tăng, không ảnh hưởng nhiều đến "miếng cơm manh áo".
“Tới đâu hay tới đó, nếu vẫn đủ kiếm cơm nuôi gia đình thì chạy, không đủ thì mình tìm công việc khác. Chứ giờ nói lo lắng thì cũng không biết sao mà lo”, anh Hữu Hà (40 tuổi, tài xế Grab với thâm niên hơn 1 năm) chia sẻ.
Bỏ mặc
Dáng người nhỏ, mái tóc pha sương, ngồi trên chiếc wave đã cũ, ông Hứa Tiên Tài (50 tuổi, lái Uber 2 năm) cầm điện thoại, mở "khoe" hồ sơ tài xế của mình.
Ông Tài không giấu được niềm vui khi từng con số thể hiện cuốc xe đã chạy, sao được khách chấm, lời khen của khách,... cứ hiện lên rõ mồn một. Với ông, gần 2 năm làm tài xế Uber là khoảng thời gian nhiều kỷ niệm. Ông bảo đã chạy được gần 2.500 cuốc xe, nhận được vô số lời khen của khách hàng.
Vậy nên khi hay tin Uber về chung nhà với Grab, ông không khỏi bất ngờ, buồn và tiếc nuối khi chỉ còn hơn một tuần nữa là không được mặc đồng phục quen thuộc.
"Tôi buồn lắm, Uber đang hoạt động tốt mà. Càng buồn, càng giận vì sao họ bỏ mình mà không báo sớm cho anh em tài xế biết, họ lại âm thầm làm vậy?! Mấy ngày nay Uber gần như đã bỏ mặc, app bị lỗi, làm cuốc xe có khi chưa tới nơi đã báo tiền không đủ, chẳng nhẽ tôi bỏ khách giữa đường?”, ông Tài bức xúc.
Ông chia sẻ mấy hôm nay thu nhập của ông và nhiều tài xế Uber khác sụt giảm hẳn. Thời gian trước, trung bình mỗi ngày được vài ba trăm nghìn thì 3 ngày qua chỉ dao động 50.000-60.000 đồng.
Tuy nhiên, ông cũng "mặc kệ". “Tôi không lo ngại gì, người ta sống được thì mình sống được. Giờ có muốn tính cũng không tính được nên thôi, tới đâu hay tới đó. Từng này tuổi rồi cũng chỉ mong được tiếp tục chạy xe để kiếm tiền nuôi gia đình", người tài xế 50 tuổi hy vọng.
Theo Hoài Thanh - Nguyễn Diễm/ Zinh