Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, tòa lâu đài tráng lệ trên đỉnh núi Tam Đảo là một phần trong dự án khu du lịch Tam Đảo của Công ty CP đầu tư Lạc Hồng (gọi tắt là Công ty Lạc Hồng), với tên gọi khách sạn lâu đài Tam Đảo, được đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.
Theo VietnamFinance, trước đây, khu đất này là dinh nghỉ hè của toàn quyền Đông Dương. Từ năm 1931, tòa dinh thự này đã mọc lên, nhưng năm 1947 thì bị phá. Năm 1992, một doanh nghiệp có tên Thành An mua lại khu này và đến năm 2010 Công ty Lạc Hồng đã chính thức mua lại.
|
Tòa lâu đài tráng lệ trên đỉnh núi Tam Đảo được đầu tư 400 tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận là của đại gia Lê Xuân Trường. |
Theo giới thiệu, tổng diện tích khách sạn lâu đài Tam Đảo là khoảng 3.000m2, gồm 9 phòng Vip. Khách sạn được thiết kế theo phong cách châu Âu, có kiến trúc pha trộn giữa phong cách Neo - Gothic và Phục Hưng, lấy cảm hứng từ lâu đài Peles (Rumania) và Schloss Neuschwanstein ở Bavaria (Đức), với những bức tường viền gỗ sẫm màu và mái nhọn lợp đá Ardoise.
Phía ngoài khách sạn được thiết kế sang trọng như một biệt thự nước ngoài với những bức tường gỗ sẫm màu, mái nhọn được lợp đá Ardoise và tháp cao vút ẩn hiện trong màn sương mù. Bên trong là những tượng chiến binh La mã, các thần Hy Lạp như thần Venus, Cupid, Mars,...Tất cả được làm từ đá cẩm thạch nguyên khối với tạo hình kinh điển.
Ông Lê Xuân Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lạc Hồng nói với truyền thông về dự án khách sạn lâu đài Tam Đảo rằng: “Toàn bộ khu đất khách sạn đã có sổ đỏ vĩnh viễn, chúng tôi đã đầu tư 400 tỷ đồng vào dự án này, hiện các đơn vị thi công đang rốt ráo hoàn thiện và dự kiến khoảng 1 năm nữa sẽ đưa khách sạn vào hoạt động”.
Thế nhưng, dư luận khá ngỡ ngàng khi ông Phan Tuệ Minh - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định với truyền thông về những khu đất tại Tam Đảo rằng: Không có chuyện cấp sổ đỏ vĩnh viễn, nếu là đất ở, đất công trình công cộng thì chỉ được cấp sổ đỏ lâu dài.
“Đất được giao lâu dài là đất ở, đất công trình công cộng. Còn các loại đất khác có thời hạn hết. Bây giờ không mở hồ sơ ra tôi cũng không khẳng định được đó là đất gì. Tôi sẽ tra vào hồ sơ để xem đất khách sạn là đất loại nào”, - VietnamFinance dẫn lời ông Minh nói.
|
Phía ngoài khách sạn "khủng" được thiết kế sang trọng như một biệt thự nước ngoài. |
Theo Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc, thời hạn sử dụng đất có thể là không quá 50 năm, không quá 70 năm và lâu dài. Nếu nguồn gốc đất là lâu dài thì mới được cấp sổ đỏ lâu dài theo điều 127 chứ không có sổ đỏ vĩnh viễn. Việc xây dựng khách sạn “khủng” trên Tam Đảo phải có đánh giá tác động môi trường. Trước khi xây dựng, chủ đầu tư phải đánh giá tác động môi trường. Hơn nữa, việc xây dựng công trình lớn như vậy phải xin cấp phép xây dựng.
Trước đó, thông tin Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở của Công ty Lạc Hồng trong năm 2019 cũng đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Cụ thể, các dự án của Công ty Lạc Hồng rơi tầm ngắm Thanh tra Bộ Xây dựng gồm: Tổ hợp chung cư cao cấp N01 T5 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội); Chung cư phục vụ cán bộ viên chức quận Tây Hồ và các cơ quan của thành phố (quận Tây Hồ, Hà Nội); Khu nghỉ dưỡng Kim Bôi (Hòa Bình); Chung cư Quảng Ninh (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh); Khu ẩm thực tại trung tâm thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc); Khu tổ hợp dịch vụ cao cấp (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc); Khu nhà ở dịch vụ hai bên đường trục chính khu trung tâm lễ hội Tây Thiên (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc); Khu đô thị mới chùa Hà Tiên giai đoạn 2 (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Với dự án của Công ty Lạc Hồng lọt tầm ngắm Thanh tra ở Vĩnh Phúc bao gồm: Khu ẩm thực tại trung tâm thị trấn Tam Đảo; Khu tổ hợp dịch vụ cao cấp; Khu nhà ở dịch vụ hai bên đường trục chính khu trung tâm lễ hội Tây Thiên; Khu đô thị mới chùa Hà Tiên giai đoạn 2.
Theo An Ninh Tiền Tệ, điểm chung của các dự án vướng bê bối tại Vĩnh Phúc của Công ty Lạc Hồng là đều thi công trước, xin cấp giấy phép sau.
Khánh Hoài