Thời gian qua, dư luận không khỏi xôn xao trước những lùm xùm xảy ra tại Công ty CP đầu tư Lạc Hồng (gọi tắt là Công ty Lạc Hồng).
Đáng chú ý nhất là sự việc Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở của Công ty CP đầu tư Lạc Hồng (gọi tắt Công ty Lạc Hồng) trong năm 2019.
Trong số các dự án của Công ty Lạc Hồng rơi “tầm ngắm” thanh tra thì ở Vĩnh Phúc có: Khu ẩm thực tại trung tâm thị trấn Tam Đảo; Khu tổ hợp dịch vụ cao cấp; Khu nhà ở dịch vụ hai bên đường trục chính khu trung tâm lễ hội Tây Thiên; Khu đô thị mới chùa Hà Tiên giai đoạn 2.
Điểm chung của các dự án vướng bê bối tại Vĩnh Phúc của Công ty Lạc Hồng là đều thi công trước, xin cấp giấy phép sau.
Bị khách hàng tố vi phạm hợp đồng, ăn bớt thang máy
Theo tìm hiểu của PV, trước đó, Công ty Lạc Hồng từng bị khách hàng tố vi phạm hợp đồng tại dự án Tổ hợp nhà ở chung cư cao tầng Lạc Hồng Lotus - , khu Ngoại giao đoàn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.
Dự án được khởi công vào tháng 7/2015, thiết kế 3 tầng hầm, 35 tầng nổi (không bao gồm tầng dịch vụ kỹ thuật), tổng diện tích sàn xây dựng 49.400m2, diện tích căn hộ là 295 căn.
Theo hợp đồng mua bán (HĐMB) ký kết giữa chủ đầu tư và khách hàng có nêu, thời gian bàn giao căn hộ dự án vào tháng 3/2018. Việc bàn giao này có thể sớm hơn hoặc muộn hơn so với thời gian trên không được muộn quá 90 ngày (tức không muộn quá tháng 6/2018). Tuy nhiên, phải đến tháng 9/2018, khách hàng mới nhận được thông báo về việc bàn giao căn hộ.
Ngoài ra, nhiều khách hàng còn phản ánh chủ đầu tư là Công ty Lạc Hồng đã vi phạm HĐMB.
|
Công ty CP đầu tư Lạc Hồng bị khách hàng tố vi phạm hợp đồng, ăn bớt thang máy tại dự án Tổ hợp nhà ở chung cư cao tầng Lạc Hồng Lotus - N01T5, khu Ngoại giao đoàn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. (Ảnh: Pháp luật Việt Nam). |
Cụ thể về thông phản ánh này được báo điện tử VTC News cho hay, tại phụ lục 1 mục 8 hạng mục thang máy trong HĐMB ghi rõ: Gói hoàn thiện đầy đủ 5 thang khách, 1 thang hàng Mitsubishi. Nội thất thang máy được trang bị, thiết kế hiện đại, theo tiêu chuẩn dành cho cao ốc, khách sạn cao cấp. Bản vẽ thiết kế mặt bằng điển hình tầng 6 đến 32 được các cơ quan chức năng đã phê duyệt mỗi tầng có đủ 5 thang khách và 1 thang hàng.
Tuy nhiên, khi khách hàng tới dự án chuẩn bị nhận bàn giao căn hộ, hạng mục thang máy lại không như hợp đồng đã ký kết.
Tại dự án, từ tầng 6 - 23, cứ 3 tầng mới có 1 tầng có đủ 6 cửa ra thang máy, những tầng còn lại chỉ có 4 cửa, các căn hộ từ tầng 23 - 35 chỉ có 3 (2 cửa ra thang khách và 1 cửa ra thang hàng).
Thời điểm xảy ra sự việc, thang máy tầng 1 có 6 cửa thang máy đều hoạt động. Thế nhưng khi lên đến tầng 6 thì khu vực sảnh thang máy chỉ có 4 cửa thang (đánh số 1,2,3,4), còn lại cửa thang số 5,6 đã xây bê tông bịt kín.
Hay tại tầng 17 có đủ 6 cửa thang máy, nhưng chỉ có 4 cửa thang có phím bấm hoạt động (đánh số 1,2,3; thang 4 là thang hàng) các cửa thang (đánh số 5,6) có cửa thang nhưng không có phím bấm.
Tương tự, lên tầng 21 cũng có đủ 6 cửa thang và phím bấm, nhưng các cửa thang máy không hoạt động đồng thời mà chia làm 2 cụm (cụm cửa thang 1,2,3 hoặc cụm cửa thang 4,5,6). Đến tầng 30, chỉ có 3 cửa thang (đánh số 4,5,6) phía còn lại xây tường bịt kín…
|
Mặt bằng điển hình tầng 6-32 dự án Lạc Hồng Lotus trong hợp đồng mua bán (Phần khoanh tròn là sảnh thang máy, 6 cửa thang). (Ảnh: Vietnamnet). |
Chị Dương Thị Hoàng Yến - cư dân tầng 28 từng bị kẹt trong thang máy tòa nhà cho báo Pháp luật Việt Nam biết: "Tôi là người đã bị kẹt ở thang máy này. Tôi vào từ tầng 28, vì mất điện nên tối om. Tôi chưa từng gặp tình cảnh tương tự nên vô cùng hoảng sợ. Khi đó trong thang máy còn một người nữa. Không nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài nên chúng tôi phải tự cạy cửa để thoát thân. Khi chúng tôi ra được thì thang đang ở tầng 9. Tôi mong chru đầu tư khôi phục nguyên trạng thiết kế ban đầu".
Chủ đầu tư ghi nhận ý kiến cư dân, xong… bỏ đấy?!
Tháng 9/2018, Công ty Lạc Hồng có văn bản trả lời gửi khách hàng về vấn đề trên, nhưng cư dân đã không đồng tình. Đến tháng 10/2018, cư dân yêu cầu chủ đầu tư phải có buổi trao đổi trực tiếp.
Theo báo Vietnamnet, tại buổi trao đổi với cư dân, ông Nguyễn Duy Đôn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Lạc Hồng khẳng định: "Theo hợp đồng là 6 thang máy công ty vẫn làm đủ 6 thang máy có điều là chúng tôi thực hiện phân luồng”.
Đáp lại giải thích của lãnh đạo Công ty Lạc Hồng, cư dân không đồng tình và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng nội dung HĐMB giữa hai bên.
“Từng hợp đồng của khách hàng đều ghi rất rõ, các tầng đều có đủ 6 cửa thang. Mặt bằng điển hình thể hiện 6 cửa thang mở chứ không bịt kín thang nào. Hợp đồng đã ghi rất rõ từng tầng là bao nhiêu thang”, khách hàng bức xúc.
|
Cơ quan chức năng kiểm tra về phòng cháy chữa cháy đối với tòa nhà Lạc Hồng Lotus - N01T5 tháng 5/2019. (Ảnh: Vietnamnet). |
Trước những ý kiến của cư dân, ông Nguyễn Duy Đôn cho biết sẽ ghi nhận và báo cáo tới lãnh đạo Công ty. Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua cư dân không nhận được bất kỳ hồi âm nào từ phía chủ đầu tư.
Đến tháng 5/2019, đại diện Công an quận Bắc Từ Liêm cùng Đội PCCC và CNCH (Công an TP Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra về phòng cháy chữa cháy đối với tòa nhà Lạc Hồng Lotus - N01T5.
Đoàn kiểm tra kết luận, chủ đầu tư đã thi công thang máy không theo đúng thiết kế ban đầu mà chưa có sự thống nhất với cư dân. Giải pháp cứu hộ người bị kẹt trong thang máy bằng biện pháp cơ học không thực hiện được trong trường hợp thang máy mất điện, nguồn điện không đảm bảo.
Kết luận cũng khẳng định, thang máy chữa cháy thi công không đảm bảo thiết kế theo bản vẽ được thẩm duyệt về PCCC, cửa buồng thang máy tại các tầng từ tầng 2 đến tầng 5 bị xây tường bịt lại.
Khánh Hoài (T/H)