Ngày càng nhiều rào cản
Thời điểm tháng 5 năm ngoái, phía Trung Quốc chính thức phát đi thông tin về việc siết chặt quy định nhập khẩu với trái cây Việt Nam. Muốn xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, nước này yêu cầu sản phẩm phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói để có thể truy xuất nguồn gốc.
Chỉ có 9 loại trái cây của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Trong khi đó, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đang bị nước này siết chặt, thậm chí nhiều mặt hàng nông thủy sản Việt còn bị "cấm cửa".
Hồi giữa tháng 8/2019, ông Lê Phương - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, còn cho biết, phía Hải quan Trung Quốc dịp này còn áp dụng máy soi kiểm tra các xe chở nông sản của Việt Nam nên tốc độ thông quan chậm, khiến hàng trăm xe container chở thanh long (loại quả được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc) ùn tắc tại của khẩu khi mặt hàng này bước vào chính vụ thua hoạch.
|
Hàng ngàn tấn cá, mực ở các địa phương bị ùn ứ, không xuất khẩu được vì Trung Quốc thay đổi quy định nhập khẩu. |
Không chỉ các mặt hàng nông sản, mới đây, Công văn số UBND tỉnh Quảng Ninh gửi các ngành chức năng và các địa phương cũng thông báo về một số thay đổi trong chính sách biên mậu của Trung Quốc đối với việc nhập khẩu mặt hàng thủy sản.
Cụ thể, năm 2018 chính quyền thị xã Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) khởi động mô hình logistics blockchain xuyên khu vực, xuyên quốc gia đối với hàng thủy sản. Theo đó, cơ quan chức năng của Trung Quốc đã ban hành hàng loạt quy định mới về quản lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; quy cách, nội dung thông tin sản phẩm trên tem nhãn; quy cách đóng gói hàng hóa, kiểm dịch; kiểm định chất lượng sản phẩm.
Nông sản của Việt Nam chưa được chấp nhận kiểm dịch tại Trung Quốc sẽ không được giao dịch biên mậu, cụ thể là các sản phẩm thủy hải sản (sứa, cá biển,... ), nguyên liệu từ bột xương, rong biển và dược liệu.
Đáng chú ý, với các sản phẩm thủy, hải sản nhập khẩu vào Trung Quốc, bao bì đóng gói in ấn phải chắc chắn (không bao gồm sản phẩm ướp đá). Trong phần nhãn sản phẩm phải ghi đầy đủ tên thương mại và khoa học, quy cách, ngày sản xuất, số lô, điều kiện bảo quản, phương thức sản xuất, vùng sản xuất, tên và mã số doanh nghiệp chế biến sản xuất phải ghi rõ đích đến là nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Mới đây nhất, Tổng cục Hải quan Trung Quốc lại tiếp tục ra Thông báo số 70/2019 về quy định quản lý, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu của Trung Quốc, thời gian bắt đầu áp dụng từ ngày 1/10/2019.
Hàng hóa ùn tắc, chất đầy kho
Việc Trung Quốc áp dụng các quy định mới trong nhập khẩu chính ngạch và siết chặt tiểu ngạch khiến nhiều mặt hàng nông thủy sản trở tay không kịp, lâm cảnh ùn ứ.
Theo Bộ NN-PTNT, do chưa đáp ứng được yêu cầu về thủ tục, quy cách bao gói, nhãn mác,... nhiều lô hàng thủy sản Việt Nam đã bị trả lại, ách tắc từ đầu 8/2019 đến nay tại khu vực cửa khẩu Móng Cái. Trong đó, tôm Khánh Hòa ùn tắc trên 129 tấn; mực, cá từ Vũng Tàu trên 34 tấn; cá chỉ vàng Tiền Giang gần 60 tấn; tép khô Phan Thiết 14 tấn,...
|
Dự báo Trung Quốc còn có những yêu cầu khắt khe trong việc nhập khẩu hàng hóa. |
Cũng vì Trung Quốc thay đổi quy định về nhập khẩu nên giữa năm nay, có tới hàng 1.000 tấn mực khô của ngư dân bị tồn kho, không xuất khẩu được. Để giải quyết tình trạng này, đầu tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã kêu cứu với Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT và VASEP, đề nghị hỗ trợ tiêu thụ gần hàng ngàn tấn mực khô tồn đọng thông qua đàm phán với phía Trung Quốc.
Cùng thời điểm, do không có giấy chứng nhận nguồn gốc cá và giấy chứng nhận an toàn thực phẩm mà Trung Quốc yêu cầu nên hàng ngàn tấn cá nục sấy khô của ngư dân và các chủ lò sấy tại thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) tồn kho, giá giảm mạnh.
Ở Khánh Hoà, cuối tháng 7 vừa qua, người nuôi tôm hùm cũng như ngồi trên đống lửa vì giá giảm kỷ lục do Trung Quốc không mua. Giá tôm hùm xanh vì thế chỉ còn 400.000-550.000 đồng/kg, tức giảm 50.000-100.000 đồng/kg; tôm hùm bông giảm còn 1-1,1 triệu đồng/kg (loại 1), giảm 500.000-600.000 đồng/kg so với tháng trước.
Với giá này, người nuôi trên địa bàn thu hoạch thua lỗ nặng, ít nhất hàng trăm triệu, còn nhiều lên đến tiền tỷ.
Cùng cảnh ngộ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường này đang có chiều hướng giảm mạnh khi bị Trung Quốc dựng rào cản “cửa chính”, siết chặt buôn bán đường biên mậu.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường tiêu thụ hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam, trong tháng 7 giảm tới 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ khi đạt 144,2 triệu USD. Tính lũy kế 7 tháng năm 2019, xuất khẩu sang thị trường này ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, thị trường Trung Quốc đã có sự thay đổi, không còn dễ tính như trước, các tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu ngày càng được nâng cao. Theo đó, nông thủy sản của Việt Nam nếu không đáp ứng được yêu cầu sẽ không thể xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), các loại quả xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đa phần đều không bị ảnh hưởng. Song, nhiều loại trái cây chưa xuất khẩu được chính ngạch thì đang gặp khó khăn.
Thời gian tới, khả năng cao Trung Quốc sẽ dần nâng yêu cầu lên kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, thậm chí sang kiểm tra thực tế. Nếu làm không đúng như yêu cầu, tiêu chuẩn thì phía Trung Quốc cho sẽ cho dừng lại các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đạt. Điều này, phía Cục Bảo vệ thực vật đã cảnh báo tất cả các tỉnh, đừng nghĩ cấp xong là xong, ông Dương nhận định.
Theo Tâm An/Vietnamnet