Cách gần nhất đưa vải thiều đến thế giới
Câu chuyện quả vải được mùa mất giá, thậm chí sản xuất ra không bán được từng là nỗi khổ dai dẳng không chỉ của người dân mà còn là của các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang - xứ sở vải ngon nhất cả nước.
Chính vì thế, thay vì chờ đợi thương nhân, doanh nghiệp đến thu mua vải một cái thụ động, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã tận dụng nhiều kênh phân phối bán lẻ, nhiều quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp dịch vụ chất lượng cao trong nước để tiêu thụ loại quả đặc sản này. Và ý tưởng cậy nhờ VNA để “quảng bá” vải thiều đến với người tiêu dùng không chỉ ở Việt Nam đã hình thành.
|
Nông dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) ăn nên làm ra với quả vải. Ảnh trái: Quả vải trong suất ăn phục vụ hành khách của VNA. ảnh T.Q |
Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ về quyết tâm này: Dễ hiểu thôi, VNA đang khai thác 90 đường bay tới 20 điểm nội địa và 29 điểm đến quốc tế với tổng cộng hơn 400 chuyến bay mỗi ngày. Nếu đưa quả vải lên các chuyến bay của VNA, cũng là cách đưa quả vải đến gần nhất đến với thế giới.
Ông Thái nhớ lại: Nghĩ là làm, trong chiến lược xúc tiến thương mại, chúng tôi đặt mục tiêu bằng mọi cách phải đưa quả vải lên máy bay VNA, phục vụ trong các bữa ăn của hành khách. Và rất mừng là khi đặt vấn đề với lãnh đạo VNA, họ đồng ý ngay lập tức. Đơn giản vì VNA cũng đang có chủ trương đưa nông sản Việt Nam lên từng chuyến bay của họ để quảng bá nông sản đặc sản của đất nước.
Nhiều người đã rất ngạc nhiên vì trên những chuyến bay của VNA vào tháng 5 và 6.2018, trong mỗi suất ăn phục vụ khách đã xuất hiện 5 quả vải thiều. Nhưng thực ra năm 2016, tỉnh Bắc Giang đã cùng VNA đưa 30 tấn lên máy bay. Năm 2017 cũng thế. Nhưng cả 2 năm đó là hợp đồng… không thu tiền, Bắc Giang đưa vải lên máy bay chủ yếu để chào hàng, giới thiệu sản phẩm.
Chính thức đến 2018, thấy quả vải là sản vật không thể thiếu trong các bữa ăn của khách hàng, VNA đã cử nhân viên về vùng vải đặt mua 30 tấn tại các HTX trồng vải sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP.
Nhưng để quả vải chính thức lên được độ cao 10.000m và đi khắp nơi không phải là câu chuyện đơn giản. Vải thiều được hái từ sáng sớm. Ngay khi ngắt khỏi cây trong vòng 1 giờ, quả vải được nhúng vào nước lạnh 2-4 độ C trong vòng 2 phút.
Sau khi làm lạnh và sơ chế (bỏ cành, loại bỏ quả sâu), quả vải sẽ được phân loại và đóng ngay vào thùng xốp có đá giữ lạnh, rồi vận chuyển đến Công ty Suất ăn hàng không Nội Bài. Tại đây, vải thiều sẽ được tiến hành lọc loại 1 lần nữa, rồi ngâm khử trùng và giữ lạnh, sau đó cấp lên chuyến bay.
Hoa quả vượt… dầu thô
Ông Lê Hồng Hà - Phó Tổng giám đốc VNA cho biết, hãng rất vui mừng khi hợp tác thành công với tỉnh Bắc Giang để đưa đặc sản vải thiều lên các chuyến bay của mình. Phản hồi từ khách trong và ngoài nước về chất lượng, hương vị đặc biệt của món tráng miệng mới này là rất tốt.
“Các hương vị ẩm thực truyền thống sẽ là một cầu nối văn hóa đưa các sản phẩm, dịch vụ của hãng hàng không mang biểu tượng hoa sen vươn mình ra thế giới” - ông Lê Hồng Hà chia sẻ.
Theo ông Hà, ngoài vải, trên chuyến bay của VNA đã có thêm nhãn, và tới đây là xoài cát Hòa Lộc, hồng không hạt… VNA luôn chú trọng hỗ trợ, quảng bá các loại nông sản của Việt Nam.
Riêng quả vải, ngoài việc quảng bá trên các chuyến bay, hãng còn vận chuyển hàng ngàn tấn từ Hà Nội vào Bình Dương thực hiện chiếu xạ để xuất khẩu.
Theo ông Dương Văn Thái, nhờ có mặt trên chuyến bay của VNA, hiện quả vải thiều Bắc Giang đã có mặt tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… Đặc biệt, quả vải đã hiện diện tại những thị trường “khó tính” nhất thế giới như Nhật Bản, Mỹ, EU, Úc…
“Từ bước đệm này, tỉnh sẽ đổi mới nhiều hơn trong công tác xúc tiến thương mại đối với cây vải và tham vọng sẽ đưa quả vải đến thêm nhiều nước khác trên thế giới”- ông Thái nói.
Tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ 3 (do Báo NTNN tổ chức), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ: Việc đưa quả vải lên độ cao 10.000m là câu chuyện không hề đơn giản, và nhờ những nỗ lực như vậy nên doanh thu của vải thiều năm 2018 đã đạt kỷ lục 6.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 3.700 tỷ đồng thu trực tiếp từ quả vải, còn lại là các dịch vụ khác. Quả vải đã góp phần vào mặt hàng trái cây đạt kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục: xấp xỉ 4 tỷ USD, chính thức soán ngôi dầu thô.
Từ thành công của của vải, từ câu chuyện đưa quả vải lên máy bay đi khắp nơi, chúng ta có thể hy vọng tình trạng “được mùa mất giá” sẽ không còn, và xa hơn nữa, các loại nông sản đặc sản của Việt Nam sẽ ngày càng bay xa, hiện diện trên các bàn tiệc ở năm châu.
Theo Hải Kha/Dân Việt