Trung Quốc bao mua, nông nghiệp có thêm mặt hàng tỷ USD sau 10 tháng

Google News

Hết tháng 10 năm nay, ngành nông nghiệp có thêm mặt hàng xuất khẩu thu về 1 tỷ USD. Theo đó, Trung Quốc là khách hàng lớn, mua hơn 90,4% sắn và sản phẩm sắn của nước ta.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2023, nước ta xuất khẩu gần 2,4 triệu tấn sắn và sản phẩm sắn, thu về gần 1,03 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu mặt hàng này giảm 6,4% về lượng và giảm 8,8% về giá trị.
Tính đến hết tháng 10 năm nay, sắn và sản phẩm sắn là 1 trong 9 mặt hàng (thủy sản, rau quả, cao su, hạt điều, cà phê, gạo, lâm sản, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu) lọt vào “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” của ngành nông nghiệp.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất. Trong 10 tháng qua, Trung Quốc chi 929,6 triệu USD để mua gần 2,2 triệu tấn sắn và sản phẩm sắn, chiếm 90,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này của Việt Nam.
Trung Quoc bao mua, nong nghiep co them mat hang ty USD sau 10 thang
 
Trong số các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc, sắn và sản phẩm sắn xếp thứ 5 về giá trị, đứng sau rau quả, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 545-560 USD/tấn, tại cảng TP.HCM. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn ở mức 4.300-4.500 CNY/tấn (khoảng 320 USD/tấn). Giá xuất khẩu sắt lát sang thị trường Trung Quốc khoảng 285 USD/tấn, giao tại cảng Quy Nhơn.
Từ giữa tháng 10/2023, một số nhà máy sản xuất tinh bột sắn phía Bắc đã bắt đầu sản xuất trở lại, lượng cung tinh bột sắn tăng. Song, giao dịch mua hàng từ phía khách hàng Trung Quốc có xu hướng chậm lại để gây áp lực giảm giá do nguồn cung hàng vụ mới của Việt Nam có nhiều hơn.
Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu sắn củ tươi vẫn trong tình trạng thiếu hụt và giá thậm chí còn tăng tại khu vực phía Bắc.
Theo Tâm An/Vietnamnet