"Tập đoàn Trung Nguyên cần tập trung vào việc sớm phục hồi hoạt động sản xuất, phát triển kinh doanh, sớm ổn định công việc, đảm bảo đời sống thu nhập của hơn 5.000 người lao động cùng gia đình để góp phần ổn định an sinh xã hội", đại diện cho biết.
"Tuy nhiên, những nỗ lực nêu trên của Tập đoàn Trung Nguyên một lần nữa tiếp tục bị bà Lê Hoàng Diệp Thảo – vợ cũ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên – lợi dụng để tiếp tục có những hành vi phá hoại Tập đoàn Trung Nguyên, âm mưu ám hại cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ".
Phía Tập đoàn Trung Nguyên cũng một lần nữa khẳng định, mặc dù bà Thảo không còn là vợ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ; không còn là cổ đông của của Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên và các công ty thành viên... nhưng bà Lê Hoàng Diệp Thảo không ngừng mạo danh, mạo nhận; không ngừng vu khống, bịa đặt sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ; ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu Tập đoàn Trung Nguyên và toàn thể hơn 5.000 người lao động.
Thông cáo từ Trung Nguyên cho biết vì tình thương, trách nhiệm với 4 người con chung cùng một phần công lao đóng góp của bà Thảo mà trong suốt thời gian qua, cá nhân ông Vũ và Trung Nguyên luôn giữ sự im lặng, luôn ở tâm thế tự vệ trước những thông tin bịa đặt, vu khống, cùng hành vi phá hoại của bà Thảo trên các phương tiện truyền thông.
"Nhưng càng im lặng, càng nhẫn nhịn, càng lùi bước thì bà Lê Hoàng Diệp Thảo càng tiếp tục lấn lướt, càng gia tăng sự tấn công nguy hiểm về pháp lý liên tục và dồn dập, gây sức ép với ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên", đại diện Trung Nguyên cho biết.
Nội dung thông cáo trích dẫn và giải thích rõ 8 lý do cho rằng bà Thảo luôn dùng mọi thủ đoạn phá hoại Tập đoàn Trung Nguyên và hủy hoại cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Đầu tiên, phía Trung Nguyên cho rằng, bà Thảo cướp đoạt 12 con dấu và 23 Giấy đăng ký kinh doanh của tất cả công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, làm cho toàn bộ hoạt động của Trung Nguyên bị tê liệt hoàn toàn; chiếm giữ trái phép nhà máy cà phê tại Bắc Giang để tự ý sản xuất, kinh doanh, đồng thời giả mạo chữ ký của ông Vũ để chuyển nhượng toàn bộ 7,5 triệu cổ phần của Công ty Trung Nguyen Singapore PTE.LTD sang cho cá nhân bà Thảo làm chủ sở hữu vưới giá 1 đô la Singapore.
Thông cáo cũng đề cập đến việc bà Thảo có ít nhất 3 lần yêu cầu tòa án các cấp và các cơ quan chức năng có thẩm quyền công nhận việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ mất năng lực hành vi dân sự, mất hoàn toàn khả năng điều hành Trung Nguyên.
Thông cáo nêu rõ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp ly hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, với nguyện vọng xin tòa được sớm thuận tình ly hôn. Ở cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều có phán quyết chấp nhận việc thuận tình ly hôn theo nguyện vọng của nguyên đơn là bà Thảo và bị đơn là ông Vũ.
“Vì vậy việc bà Thảo tiếp tục thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông cho rằng các bản án đã ngăn cản bà Thảo thực hiện nguyện vọng đoàn tụ với gia đình, ngăn cản bà Thảo muốn hàn gắn quan hệ vợ chồng với ông Vũ là nhằm mục đích cố ý bịa đặt thông tin sai sự thật, đi ngược lại với chính nguyện vọng của nguyên đơn là bà Thảo”, tập đoàn Trung Nguyên nêu quan điểm.
Tập đoàn Trung Nguyên một lần nữa khẳng định, bà Thảo không còn là cổ đông tại tất cả các công ty thành viên thuộc tập đoàn này. "Toàn bộ số vốn sáng lập của Trung Nguyên là của ba mẹ ông Vũ bán toàn bộ gia sản có được là căn nhà đang ở và các mẫu ruộng để khởi nghiệp, lập "Hãng cà phê Trung Nguyên"... Bà Thảo vừa là người có góp công sức vào sự phát triển thương hiệu Trung Nguyên vừa là người thụ hưởng và thu vén nhiều lợi nhuận trong giai đoạn phát triển của Trung Nguyên suốt hơn 20 năm qua", thông cáo của Trung Nguyên nêu.
Với Bản án phúc thẩm số 39 tuyên ngày 5/12/2019 cùng với Quyết định thi hành án số 940 ngày 2/1/2020 và các giấy xác nhận kết quả thi hành án, đồng thời với việc Tập đoàn Trung Nguyên đã hoàn thành văn bản, thủ tục tại Sở Kế hoạch Đầu tư tại các tỉnh, thành phố gồm TP.HCM, Bình Dương, Bắc Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông để thông báo thay đổi thông tin cổ đông theo quyết định của tòa án và danh sách cổ đông mới tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên hoàn toàn không còn tên bà Thảo.
Liên quan đến vụ án "khởi tố hình sự giả mạo tài liệu ở nhà máy ở Bình Dương", phía ông Vũ cho biết chính bà Thảo là người đã giới thiệu, ủy quyền bằng văn bản cho chính nhân viên của mình để cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu có dấu vết cắt ghép, giả mạo đến các cơ quan chức năng – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương vào năm 2011.
"Mục đích của bà Thảo là cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án nhằm gây rối, tiếp tục gây khó khăn cho Tập đoàn Trung Nguyên khi biến một vụ việc dân sự thành hình sự, đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Bình Dương ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự làm giả tài liệu tại CTCP hòa tan Trung Nguyên nhằm chiếm giữ trái phép Chi nhánh CTCP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang để tiếp tục khai thác, kinh doanh trái phép sản phẩm cà phê hòa tan nhằm hưởng lợi càng lâu càng tốt", phía Trung Nguyên nhận định.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 28/04, công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án hình sự “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty cổ phần cà phê Hòa tan Trung Nguyên để điều tra. Theo thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương, đã nhận được tố giác, tin báo tội phạm của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, CEO King Coffee, tố cáo ông Nguyễn Duy Phước, Trưởng phòng Pháp lí Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, có hành vi thể hiện dấu hiệu sử dụng tài liệu giả.
Sau khi nhận được đơn tố giác của bà Thảo, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra, xác minh và ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm để chờ kết luận giám định.
Phía Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cũng đã có kết luận giám định các tài liệu nêu trên “có dấu vết bị cắt ghép” nên cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án...
>>> Mời độc giả xem thêm video:
Cưỡng chế bà Lê Hoàng Diệp Thảo giao con dấu cho Trung Nguyên. Nguồn: VTC9