Trong diễn biến mới nhất liên quan đến vụ lý hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, mới đây, đại diện theo ủy quyền của bà Lê Hoàng Diệp Thảo nộp đơn tố cáo chấp hành viên Nguyễn Như Thanh Trúc.
Theo đơn tố cáo này, bà Thảo gửi văn bản phúc đáp thông báo của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, trong đó làm rõ Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới (lần 3) và con dấu mới kể từ thời điểm ngày 20/10/2015. Hiện tại bà Thảo không chiếm giữ, đóng dấu như nội dung nêu trong thông báo.
Từ đó cho thấy chấp hành viên có dấu hiệu lạm quyền trong khi thi hành công vụ, dấu hiệu tội phạm quy định tại điều 357 Bộ luật hình sự. Cụ thể là vượt quá quyền hạn làm trái công vụ quy định tại các điều luật nêu trên để tiếp tục yêu cầu bà Thảo giao giấy tờ con dấu.
|
Vụ ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo ngày càng diễn biến phức tạp. |
Theo hồ sơ vụ án, Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên kiện bà Thảo về hành vi chiếm giữ trái phép các con dấu Trung Nguyên và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên và các công ty con thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
TAND TP.HCM và TAND cấp cao tại TP.HCM đã xét xử sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận toàn bộ đơn yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Trong quá trình thi hành án, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã tiến hành các thủ tục tống đạt quyết định thi hành án, giấy báo... nhưng bà Thảo vẫn chưa thi hành các khoản theo nội dung tuyên án.
Sáng 6/6, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM - cho biết chấp hành viên đã tiến hành cưỡng chế thi hành án bản án ngày 12/11/2018 của TAND cấp cao tại TP.HCM. Tuy nhiên, đoàn cưỡng chế đến nhà riêng của bà Thảo tại đường Tú Xương để thu hồi con dấu thì không có ai mở cửa, không vào được bên trong. Đoàn cưỡng chế đã lập biên bản ghi nhận sự việc.
Trao đổi với PV Kiến Thức xung quanh vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty TAT Law firm, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: “Trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay thì việc tranh chấp còn dấu là diễn ra rất phổ biến.
Việc tranh chấp con dấu sẽ gây ra hệ lụy rất lớn cho doanh nghiệp, thậm chí, nhiều doanh nghiệp mà tôi biết đã lao đao, hoạt động kinh doanh bị tê liệt vì tranh chấp con dấu.
Thông thường, rất hiếm khi con dấu doanh nghiệp bị thất lạc, nguyên nhân chủ yếu do tranh chấp giữa các cổ đông với nhau, do mâu thuẫn nên có người chiếm giữ con dấu.
Trong trường hợp của công ty Trung Nguyên, tòa án đã tuyên án quyền quản lý doanh nghiệp cho ông Vũ, đương nhiên ông Vũ sẽ được quản lý con dấu và là người đại diện cho doanh nghiệp.
Như vậy, việc cơ quan thì hành án thi hành bản án và cưỡng chế con dấu là một điều bình thường.”
Mời quý vị độc giả xem video: Tiền nhiều để làm gì?
Luật sư Tú nói thêm: “Tuy nhiên, việc cưỡng chế thi hành án cũng không hề dễ dàng bởi bà Thảo hiện nay đã tố cáo chấp hành viên đến cơ quan thi hành án. Đồng thời, bà Thảo cũng có biểu hiện bất hợp tác để chuyển giao con dấu. Điều này sẽ gây khó khăn cho hoạt động thi hành án trong thời gian tới.”
Về việc cản trở thi hành án, luật sư cho rằng có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cũng rất khó để xử lý và xưa nay cũng chưa có tiền lệ.
Hơn nữa, trong đơn tố cáo bà Thảo lại cho biết mình không chiếm giữ con dấu. Vì vậy, theo luật sư Trương Anh Tú: “Nếu công ty Trung Nguyên xác minh được con dấu bị thất lạc thì có thể trình báo đến cơ quan công an, cơ quan chức năng và làm thủ tục xin cấp lại con dấu mới để doanh nghiệp hoạt động bình thường.”
Còn trường hợp nếu phải cưỡng chế thi hành án, nhất là với những vụ án có sự tham gia của VKS ngay từ đầu nhưng lại thiếu vắng sự có mặt của Kiểm sát viên tham gia vào đoàn cưỡng chế là chưa phù hợp với các quy định của Luật Thi hành án.
“Thành phần thi anh án một vụ án dân sự bao giờ cũng có lực lượng chủ đạo là Chấp hành viên của cơ quan thi hành án cử đi, bên cạnh đó có lực lượng kiểm sát viên tham gia giám sát và các lực lượng hỗ trợ khác bao gồm cảnh sát hỗ trợ tư pháp, chính quyền địa phương, đại diện tổ dân phố đến để chứng kiến” – luật sư Tú nói.
Đức Thuận