Ông Vượng (SN 1964) từng tham gia làm quản lý tại Công ty Nhà nước một thành viên nông lâm nghiệp Sông Mã suốt mấy chục năm. Khi công ty chuyển đổi, ông đã "gánh" lại và làm Giám đốc Công ty TNHH nông lâm nghiệp Sông Mã. Sau bao năm phát triển các giống cây ăn quả, cây rừng, năm 2020, ông đã chuyển sang chuyên canh trồng nho hạ đen. Việc ông mạnh dạn đưa giống nho hạ đen về trồng đã mở ra hướng làm ăn mới cho bà con dân tộc nơi biên viễn.
Mạnh dạn đưa cây nho hạ đen về trồng ở miền biên viễn
Huyện Sông Mã là vựa trái cây của tỉnh Sơn La. Biết ông đưa cây nho hạ đen về trồng ở vùng biên viễn, ai cũng ái ngại vì giống nho này rất khó tính. Ông Vượng là người dám nghĩ, dám làm nên vẫn mạnh dạn dựng nhà kính để trồng nho. Trước khi đưa giống về, ông đã khăn gói quả mướp ra tận xã Chiềng Ngần, TP. Sơn La để học kĩ thuật chăm sóc.
Ông Trần Ngọc Vượng đã mạnh dạn trồng hơn 4000 gốc nho hạ đen. Đến giờ, vườn nho đã cho thu hoạch ổn định, doanh thu cả tỷ mỗi năm. Ảnh: Thuần Việt
Khi đã nắm chắc quy trình kĩ thuật, ban đầu ông được huyện Sông Mã hỗ trợ 1000 cây nho giống về trồng thử nghiệm. Suốt nửa năm cần mẫn chăm sóc và tìm hiểu, vườn nho của ông Vượng phát triển tốt. Lứa nho đầu tiên cho thu hoạch, ông vui đến trào nước mắt. Cây nho phát triển tốt, cho sai quả. Lần đầu một nông dân ở huyện Sông Mã trồng nho thành công.
Vườn nho hạ đen sai trĩu quả của ông Vượng. Ảnh: Thuần Việt
Theo ông Vượng, cây nho hạ đen sinh trưởng và phát triển tốt. Mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ. Quả nho trồng ở sông Mã cho chất lượng thơm, ngon, ngọt. Hiện nhiều mối hàng ở các nơi đã đã đảm nhận việc tiêu thụ sản phẩm cho cả vườn. "Trồng cây nho mình phải chăm sóc như con mọn. Bù lại hiệu quả kinh tế của cây nho mang lại cũng rất lớn", ông Vượng chia sẻ.
Mở rộng diện tích trồng nho hạ đen
Thừa thắng xông lên, cứ sau mỗi năm ông Vượng lại mở rộng diện tích trồng nho. Đến nay ông đã trồng được hơn 4000 gốc. Theo ông Vượng so với việc trồng nhãn, trồng bưởi, chăm sóc cây nho vất vả hơn. Bù lại giá nho luôn ổn định từ 130.000đ/1kg và rất dễ bán.
Ngày ngày ông Vượng ở vườn nho cắt tỉa và chăm sóc từng cây như chăm chút những đứa con của mình. Ảnh: Thuần Việt
Mỗi năm, vườn nho của ông Vượng cho thu chục tấn quả và tạo việc làm cho 15 lao động địa phương, với mức thu nhập 6 triệu đồng/1 tháng. Ông Vượng cũng kì công đầu tư nhà màng, hệ thống tưới tiêu tự động cho vườn nho. Cây nho được ông nâng niu và chăm sóc đến nơi đến chốn. Ông còn kỳ công tự mua cá, đậu tương về ủ làm thức ăn cho cây nho.
Ông Vượng dự kiến sẽ từng bước nhân rộng diện tích nho hạ đen lên 5ha. Ảnh: Thuần Việt
Vườn nho hạ đen của ông Vượng tạo công ăn việc làm cho 15 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 6 triệu đồng/tháng. Ảnh: Thuần Việt
Vườn nho đẹp như tranh vẽ của ông Vượng, mỗi năm mang lại cả tỷ đồng. Ảnh: Thuần Việt
Dưới giàn nho, ông Vượng còn trồng thêm cây lạc để giữ ẩm và cải tạo đất. Ảnh: Thuần Việt