Đáng sợ 'thủy quái' tôm lai cua
Những ngày gần đây, tôm hùm đất từ Trung Quốc lại tràn sang chợ Việt bán với giá 360.000-400.000 đồng/kg. Các chủ hàng rao bán loại tôm hùm này đều khẳng định hàng còn sống khỏe, để trên cạn không có nước cũng sống được cả ngày, còn trong bể nước thì sống khoẻ cả tuần.
Đáng chú ý, tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm hùm nước ngọt) có tên khoa học là Procambarus clarki. Loại tôm này có tên trong Phụ lục 2 Loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại ban hành kèm theo thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành năm 2018.
Tôm hùm đất sống cũng không có tên trong Phụ lục VIII Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam - ban hành kèm theo Nghị định số 26 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Thế nhưng, dân buôn vẫn nhập về bán bất chấp, còn người mua vô tư ăn mà không biết đây là sinh vật ngoại lai bị cấm nhập và buôn bán ở nước ta.
|
Tôm hùm đất đang tràn sang Việt Nam, được rao bán khắp các chợ online. Ảnh chụp màn hình |
Tôm hùm đất là loại rất phàm ăn. Chúng đào hang rất giỏi, hoạt động về ban đêm và có sức chống chịu, thích nghi cao nên sẽ phá hoại hệ thống kênh mương, làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp.
Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virus gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.
Đáng lưu ý, tôm hùm đất sống rất khỏe và dai. Khi sống trong môi trường tự nhiên thuận lợi, tuổi thọ của một con tôm hùm đất có thể lên tới 30 năm. Thậm chí, sức sống của loài tôm này càng mãnh liệt hơn với khả năng tái sinh lại chân hay càng bị đứt.
Theo tài liệu của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT), tôm hùm đất được nhập vào Nhật Bản và Trung Quốc từ những năm 1930. Chúng là loài thuỷ sản có sức đề kháng cực mạnh, có thể sống trong môi trường ô nhiễm.
Thậm chí ở Nhật Bản, người ta còn thấy tôm hùm đất sống nhiều trong các cống rãnh ô nhiễm giữa thành phố giống như loài chuột cống.
Trao đổi với PV.VietNamNet, TS Bùi Quang Tề - chuyên gia thủy sản - cho hay, tôm hùm đất từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ năm 2012, nhưng chất lượng thịt tôm khá ít, không đạt về hiệu quả kinh tế. Sau đó, xác định đây là loài sinh vật ngoại lai nguy hại cho môi trường sinh thái, các nhà khoa học đề nghị không nhân giống phát triển ở nước ta.
Loại tôm hùm này ăn tạp, có thể cạnh tranh thức ăn với các loại thủy sản nuôi trồng khác, ông nhấn mạnh.
Ở Trung Quốc, việc nuôi tôm hùm đất rất phát triển nên khi vào mùa thu hoạch, hàng tràn sang Việt Nam. Ông Tề cho rằng, tôm hùm đất vẫn là sinh vật ngoại lai, không nên nhập khẩu và buôn bán.
Nhiều người còn gọi tôm hùm đất là "thuỷ quái" tôm lai cua vì chúng có thể bò ngang, đào hang giỏi như cua. Đáng sợ hơn, chúng có đôi càng màu đỏ to khỏe, có thể cắt ngang thân lúa cứng rất nhanh, ăn tất cả loại búp cây non, thậm chí cả tôm, cá nhỏ.
Nhiều quốc gia phải hối hận khi nuôi
Trung Quốc là quốc gia nuôi tôm hùm đất với quy mô lớn trên thế giới. Thế nhưng, đất nước tỷ dân này cũng phải đặt ra mối nguy về an ninh lương thực quốc gia, làm phức tạp nỗ lực đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực khi diện tích nuôi tôm hùm đất bùng nổ.
SCMP dẫn nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho hay, do giới trẻ nước này ưa chuộng, sản lượng tôm hùm đất tại Trung Quốc đã tăng gấp 30 lần từ năm 2003 tới năm 2018 và đạt 1,6 triệu tấn.
Diện tích đất nông nghiệp để nuôi tôm hùm đất cũng tăng chóng mặt, khiến đất trồng các loại nông sản khác giảm mạnh. Nhiều nông dân Trung Quốc trồng lúa nhưng không thu hoạch, để cho tôm hùm đất ăn.
Tại nhiều địa phương ở Trung Quốc, nông dân còn đào thêm mương nhấn chìm các ruộng lúa trong nước để nuôi tôm. Năm 2018, có đến 75% trong số 1,1 triệu ha nuôi tôm hùm đất là những ruộng lúa nuôi trồng kết hợp.
Ngay sau đó, chính quyền địa phương các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, An Huy, Giang Tô và Giang Tây phải xem xét lại chiến lược nông nghiệp phát triển tôm hùm đất sau khi Bắc Kinh thông báo sẽ đánh giá về thành tựu của các tỉnh trong việc đảm bảo an ninh lương thực.
Tại châu Phi, tôm hùm đất lần đầu tiên được nhập khẩu vào năm 1970. Kenya và Nam Phi là hai quốc gia đầu tiên đưa loài này vào nuôi để làm thức ăn.
Nhưng do không có đối thủ tự nhiên nào để kìm hãm sự phát triển của tôm hùm đất, loài vật này nhanh chóng xâm lăng các khu vực khác của châu Phi. Tôm hùm đất đã xuất hiện ở rất nhiều sông hồ tại Rwanda, Uganda, Ai Cập và Zambia. Với bản tính ăn tạp của mình, chúng gần như hủy diệt toàn bộ các loài thực vật thủy sinh, động vật nhỏ, giáp xác, cá và nhuyễn thể.
Đặc biệt, tập tính đào hang sâu làm tổ của tôm hùm đất khiến cho cơ sở hạ tầng địa phương bị phá hủy nghiêm trọng, mương nước bị rò rỉ, các con đập bằng đất sụp đổ và bờ sông bị lở.
Ở nước ta, sản xuất nông nghiệp là thế mạnh, liên quan đến sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân. Thực tế, bài học ốc bươu vàng vẫn còn đó. Sau nhiều năm, đến nay chúng ta vẫn không thể tiêu diệt được loại ốc này. Ốc bươu vẫn phá hoại mùa màng của bà con nông dân.
Một số chuyên gia ngành thuỷ sản cảnh báo, tôm hùm đất có thể gây ra thảm họa tàn phá không khác gì ốc bươu vàng. Nếu không đủ thức ăn, loài này sẽ xơi sạch rau màu, thậm chí chúng còn ăn cả gỗ, làm biến dạng môi trường sống.
Với thói quen đào hang sâu đến 2m, nước ta nguy cơ sẽ lại có thêm loài “chuột” mới.
Đặc biệt, khi tôm hùm đất sinh sôi nảy nở với số lượng lên tới hàng trăm triệu hay hàng tỷ con, nếu chúng đều thi nhau đào hang, ăn sạch các loại thuỷ sinh... sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Do đó, cần kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán loại sinh vật ngoại lai này ngay từ biên giới.
Theo Tâm An/Vietnamnet