Tôm càng đỏ, tên gọi khác của tôm hùm đất, là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao. Chính vì vậy, từ năm 2013, tôm hùm đất đã bị Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu.
Tuy nhiên, dạo quanh một vòng các nhóm Facebook chuyên bán hải sản khu vực Hà Nội những ngày này, không khó để tìm thấy mặt hàng tôm hùm đất cả tươi sống, cả đông lạnh được rao bán khá rôm rả để làm đồ ăn, đồ nhậu...
Dù là đối tượng cấm nhập khẩu, song mặt hàng tôm hùm đất vẫn được rao bán tràn lan trên chợ mạng. Ảnh: PV
Theo ghi nhận của PLO, hàng thường về theo ngày, khách lấy lẻ và lấy sỉ có giá khác nhau. Với loại đã được xông nhiệt cho chín và cấp đông giá cũng không rẻ, cỡ 300.000 đồng/kg, còn tôm tươi sống là khoảng gần 500.000 đồng/kg trở lên. Vì loài tôm này đầu to, vỏ nhiều thịt ít, nên nhiều người bỏ ra tiền triệu để mua về chế biến.
Các thông tin chào bán cho thấy sinh vật loại lại nguy hại cấm nhập khẩu này xuất xứ Trung Quốc. Hàng tươi sống được đóng sẵn vào túi lưới, cho vào thùng xốp có đá lạnh, về Việt Nam qua cả khẩu Móng Cái. Khách mua có thể nhận hàng tại nhà, lấy nhiều có thể thả bể nuôi ăn dần.
Bên cạnh tôm hùm đất tươi sống hoặc xông nhiệt, cấp đông, mặt hàng đã chế biến sẵn cũng được bày bán nhan nhản trên chợ mạng. Thông thường, một set tôm hùm đất 0,75 kg chế biến sẵn, đóng hộp được quảng cáo "luôn có sẵn tại Hà Nội"; "vừa ngon, vừa tiện, chỉ cần quay lò vi sóng mấy phút là đã dùng ngay được luôn" có giá khoảng 150.000 đồng.
Không chỉ rao bán tôm hùm đất tươi sống và xông nhiệt, tôm hùm đất đóng hộp chế biến sẵn cũng được rao bán tràn lan. Ảnh: PV
Nuôi trồng, chế biến tôm xuất khẩu là thế mạnh của Việt Nam, là nghề nuôi sống hàng vạn nông dân các tỉnh ven biển từ Bắc vào Nam. Các loại giống được sử dụng đều chủ yếu cung cấp thịt, lượng vỏ ít, quy trình nuôi trồng chặt chẽ để phòng ngừa dịch bệnh. Trong khi đó tôm càng đỏ hay tôm hùm đất là loại thịt ít, vỏ nhiều và dày cứng. Chưa kể khả năng thích nghi, sinh sản tốt nên nếu để xâm nhập vào môi trường tự nhiên thì sẽ sớm muộn tấn công làm đảo lộn hệ sinh thái, hoặc mang theo mầm dịch bệnh đe dọa sinh vật bản địa, như từng xảy ra với ốc bươu vàng.
Theo Bộ NN&PTNT, pháp luật về kiểm soát động vật ngoại lai nguy hại rất chặt chẽ. Ngay cả nhà hàng, quán ăn, doanh nghiệp chế biến thực phẩm nhập nguyên liệu về cũng phải kiểm soát theo danh mục cấm theo yêu cầu của hải quan cũng như cơ quan thú y.
Chính vì vậy, tháng 6-2019, khi nhiều cơ quan báo chí phản ánh việc tôm hùm đất xuất hiện, được bày bán, kinh doanh trên thị trường nội địa với số lượng lớn, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả yêu cầu kiểm tra, làm rõ; xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Từ đó đến nay đã bốn năm, với các diễn biến công khai trên mạng xã hội như hiện tại cho thấy công tác kiểm soát sinh vật ngoại lai như tôm càng đỏ, tôm hùm đất vẫn còn nhiều bất cập.
Theo Điều 246, Bộ luật Hình sự 2015, người nhập khẩu trái phép hoặc phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Theo MINH TRÚC/Pháp luật TPHCM