Không còn điện dự phòng
Thời gian vừa qua, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào cao điểm mùa nắng nóng. Áp lực cung ứng điện đã, đang và sẽ tiếp tục đặt nặng lên các nhà máy nhiệt điện than, khí…
Về nguồn khí phục vụ sản xuất điện, ngày 16/5 mới đây, EVN đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau đề xuất nhường khí cho sản xuất điện.
Thực tế, nguồn khí Đông Nam Bộ đang trên đà suy giảm mạnh trong những năm gần đây, lượng khí cấp cho sản xuất điện chỉ còn trung bình khoảng 13,5 - 14 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí khu vực Đông Nam Bộ trên 21 triệu m3/ngày.
Lượng khí Tây Nam Bộ cấp cho sản xuất điện chỉ đạt trung bình khoảng 4 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí Cà Mau khoảng 6 triệu m3/ngày.
Theo dự báo, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, tháng 6 và tháng 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600MW đến 4.900MW.
Nếu tình hình vẫn tiếp tục diễn biến bất lợi như thời gian qua, lượng nước về các hồ thủy điện và tình hình cung ứng nhiên liệu than/dầu/khí cho các nhà máy điện không được cải thiện, hệ thống điện sẽ rơi vào tình huống nguy cấp, ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
|
EVN ký kết với nhiều nhà máy điện - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tìm nguồn bổ sung điện
Để bổ sung nguồn điện giải quyết việc thiếu điện, EVN đã đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện với Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy thủy điện Sông Lô 7, Nhà máy thủy điện Nậm Củm 3, Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 để bổ sung nguồn điện cho hệ thống.
Đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các chủ đầu tư thỏa thuận, thống nhất mức giá tạm thời tuân thủ theo quy định của Chính phủ.
Theo văn bản của Bộ Công Thương ngày 18/5/2023, EVN và chủ đầu tư một số nhà máy điện chuyển tiếp như Nam Bình 1, Viên An, Hưng Hải Gia Lai, Hanbaram, Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3, Hiệp Thạch, Hướng Hiệp 1 thỏa thuận, thống nhất giá theo quy định của pháp luật. Đây là cơ sở để các dự án này kịp thời vận hành phát điện lên lưới điện.
Ngoài ra, các nhà máy thủy điện Lào gồm: Nhà máy thủy điện Nậm Kông 2 (66MW) và Nhà máy thủy điện Nậm Kông 3 (54MW) đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN trước đây - đã đóng điện hoà lưới thành công. Ngày 15/5/2023, cả 2 nhà máy đã hoàn thành hòa lưới điện và đang thực hiện các hạng mục thử nghiệm trên lưới điện Việt Nam. Dự kiến cả 2 nhà máy này sẽ vận hành thương mại trong tháng 5/2023, bổ sung nguồn điện cho Việt Nam trong mùa nắng nóng.
Bên cạnh đó, EVN cũng vừa có văn bản báo cáo Bộ Công Thương sớm ban hành hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát điện lên lưới (zero export) để triển khai thực hiện, giảm bớt khó khăn về cung cấp điện.
Tại Quy hoạch điện VIII cũng nêu rõ: ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tăng thêm 2.600MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.
Báo cáo tài chính Quý II/2022 của công ty mẹ - Tập đoàn EVN cho thấy, nợ phải trả là 282.023 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu là 199.338 tỷ đồng.
Doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ lũy kế từ đầu năm đến cuối Quý II/2022 là 189194 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn hàng bán chiếm 202.592 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ là âm 13.398 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ cuối năm lãi 8.669 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lỹ kế tới cuối Quý II/2022 khoảng âm 22.211 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế âm 22.215 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2021 lũy kế hoạt động kinh doanh của công ty mẹ EVN ghi nhận lãi 3.539 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.290 tỷ đồng.
Minh Quang