Vì sao EVN tăng cường nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc?

Google News

EVN vừa cho biết đang đàm phán để tăng nhập điện từ Trung Quốc và Lào. Trong khi đó, dù đã hoàn thiện 15 hợp đồng mua bán điện của các dự án điện chuyển tiếp, đến nay EVN chỉ mới đóng điện thêm 85MW.

Mới đây, tại hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 và phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc ông Trần Đình Nhân Tổng Giám đốc EVN cho biết, hiện nay các nguồn điện lớn gồm thủy điện, nhiệt điện đều giảm nên công suất khả dụng nguồn của hệ thống điện quốc gia/miền Bắc chỉ khoảng 42.000/19.000MW vào cao điểm chiều, 39.200/18.000MW vào cao điểm tối. 

Vì vậy, EVN phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu DO+FO. Hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng. Có thời điểm công suất khả dụng còn thấp hơn cả nhu cầu phụ tải.

Do vậy, Tập đoàn đã triển khai nhiều giải pháp như làm việc với các tập đoàn TKV, Tổng công ty Đông Bắc, PVN để cung cấp than, khí, dầu cho vận hành các nhà máy điện.

Đàm phán với các chủ đầu tư các dự án điện gió, mặt trời đã đủ điều kiện để phát điện ngay lên lưới điện quốc gia. Đồng thời, tăng cường nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc cũng như phối hợp với các địa phương trong tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Vi sao EVN tang cuong nhap khau dien tu Lao va Trung Quoc?
 EVN tăng cường nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc - Ảnh minh họa, nguồn: VGP

Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, EVN đang nỗ lực nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp điện cho mùa khô năm nay trong đó có việc nhập khẩu từ Lào và Trung Quốc.

Việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc chủ yếu qua hai cửa khẩu là Hà Giang và Lào Cai. Tuy vậy, khả năng nâng công suất nhập khẩu điện từ nước này là không thực hiện được, do giới hạn về đường dây 220kV. 

Đối với việc nhập khẩu điện từ Lào, EVN cho hay đang ký hợp đồng với các chủ đầu tư cấp điện tại Lào với công suất 1.000MW. Tập đoàn cũng đang đôn đốc các đơn vị đầu tư xây dựng các tuyến đường dây để sớm đưa nguồn điện từ Lào về qua tỉnh Quảng Nam và Nghệ An. Hiện hệ thống đường dây ở Tương Dương (Nghệ An) đã được xây dựng xong, đang chờ hoàn thiện hệ thống đường dây phía Lào để kết nối. 

Theo Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào ký kết ngày 5/10/2016, tổng công suất nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam tối thiểu đến năm 2025 là 3.000MW và đến năm 2030 là 5.000MW. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ các dự án/cụm dự án nhập khẩu điện từ Lào, với tổng công suất 2.689 MW.

Thời gian vừa qua, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm (TBNN), một số hồ chỉ đạt 20% so với TBNN, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện. Đến cuối tháng 4, sản lượng điện quy đổi còn lại trong các hồ thủy điện toàn hệ thống thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt và thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào cao điểm mùa nắng nóng (tháng 5, 6, 7). Áp lực cung ứng điện đã, đang và sẽ tiếp tục đặt nặng lên các nhà máy nhiệt điện than, khí…

Tổng sản lượng điện sản xuất từ nhiên liệu than trong 4 tháng đầu 2023 đạt 40,06 tỷ kWh (chiếm 46,53% tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống). Tuy nhiên, công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu thực tế vận hành.

Theo dự báo, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, tháng 6 và tháng 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600MW đến 4.900MW.

Nếu tình hình vẫn tiếp tục diễn biến bất lợi như thời gian qua, lượng nước về các hồ thủy điện và tình hình cung ứng nhiên liệu than/dầu/khí cho các nhà máy điện không được cải thiện, hệ thống thống điện sẽ rơi vào tình huống nguy cấp, ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

EVN cho biết, Tập đoàn này đã đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện với Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Sông Lô 7, NMTĐ Nậm Củm 3, Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 để bổ sung nguồn điện cho hệ thống.

Tại khu vực phía Nam, thời gian qua các nhà máy nhiệt điện chạy dầu (nguồn điện có chi phí đắt đỏ) đã phải tái khởi động để đảm bảo cung ứng điện. Trong đó, nhà máy điện chạy dầu tại Thủ Đức, Ô Môn, Cần Thơ, Cà Mau đã hoạt động và phát lên lưới sản lượng lớn.

Đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các chủ đầu tư thỏa thuận, thống nhất mức giá tạm thời tuân thủ theo quy định của Chính phủ.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng kêu gọi và đề nghị các bộ, ngành sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.

Minh Quang (tổng hợp)