CTCP Đại chúng Amata VN có trụ sở tại Thái Lan nhưng sở hữu loạt công ty về khu công nghiệp và đô thị tại Việt Nam như CTCP Đô thị Amata Biên Hòa (Amata City Biên Hòa), CTCP Đô thị Amata Long Thành (Amata City Long Thành), Công ty TNHH Thành phố Amata Long Thành, Công ty TNHH Đô thị Dịch vụ Long Thành 1, Công ty TNHH Đô thị Dịch vụ Long Thành 2 và CTCP Đô thị Amata Hạ Long (Amata City Hạ Long…
Trong số các doanh nghiệp này, “hạt giống” nào là “gà đẻ trứng vàng” cho Đại chúng Amata VN? Chắc chắn hiện không phải là Công ty TNHH Đô thị Dịch vụ Amata Long Thành 1 vì doanh nghiệp này đang thua lỗ do chưa phát sinh doanh thu thuần.
Công ty TNHH Đô thị Dịch vụ Amata Long Thành 1 có tuổi đời còn khá trẻ khi được thành lập năm 2019. Hiện Amata Long Thành 1 có vốn điều lệ 213 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Amata Long Thành 1 vẫn không thay đổi so với năm 2022, tại mức 272 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là chi phí xây dựng cơ bản dở dang chiếm 252 tỷ đồng. Công ty chưa phát sinh vay nợ tài chính.
Về kết quả kinh doanh, Amata Long Thành 1 chưa phát sinh doanh thu thuần mà chỉ ghi nhận hơn 3,7 triệu đồng doanh thu tài chính trong năm 2023 và 3,9 triệu đồng của năm 2022. Trong khi đó chi phí quản lý cả hai năm này gần như nhau với 214 triệu đồng.
Do đó, trong năm 2022, Amata Long Thành 1 lỗ 211 triệu đồng và năm 2023 lỗ 210 triệu đồng, nâng mức lỗ lũy kế lên 966 triệu đồng.
|
Phối cảnh 3 dự án của Amata Long Thành |
Còn Công ty TNHH Thành phố Amata Long Thành có vốn điều lệ 1.390 tỷ đồng, là chủ dự án Thành phố Amata Long Thành. Hồi tháng 1/2024, dự án đã trình hồ sơ quy hoạch phân khu 1/2000. Phần diện tích 753 ha đã hoàn thành các thủ tục chỉnh lý, thẩm định hồ sơ và đo vẽ bản đồ địa chính nhưng đang chờ chủ trương chấp thuận chuyển đổi đất lúa. Bên cạnh đó, dự án tái định cư 47 ha cũng đang trong quá trình trình hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa.
Do đó, Công ty chưa phát sinh doanh thu thuần trong cả 2 năm 2022 và 2023 mà "sống" nhờ doanh thu hoạt động tài chính. Cụ thể, năm 2022, doanh thu tài chính của Thành phố Amata Long Thành đạt 49,4 tỷ đồng nhưng nhanh chóng tăng lên 66,5 tỷ đồng trong năm 2023, tức tăng 34%.
Dù vậy, 2022 lại là năm tiêu tốn chi phí quản lý của Thành phố Amata Long Thành tới 11,9 tỷ đồng, trong khi năm 2023 giảm xuống còn 8,9 tỷ đồng.
Do đó, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Thành phố Amata Long Thành chỉ hơn 37,5 tỷ đồng, còn năm 2023 tăng mạnh 53% lên mức 57,4 tỷ đồng. Khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành mà công ty đóng trong 2 năm này lần lượt là 7,5 tỷ đồng (2022) và 11,7 tỷ đồng (2023).
Lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 45,6 tỷ đồng, tăng 52% so mức 29,98 tỷ đồng của năm 2022, nâng mức lãi sau thuế chưa phân phối lên 85 tỷ đồng.
Mặc dù có lãi nhưng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Thành phố Amata Long Thành liên tục âm khi cả năm 2022 và 2023 đều âm 20 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Thành phố Amata Long Thành nhích nhẹ lên 1.479 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn chiếm 432 tỷ đồng (tăng nhẹ so mức 430 tỷ của năm 2022). Các khoản phải thu ngắn hạn gấp 2 lần lên 612 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là phải thu về cho vay ngắn hạn đột biến lên mức 553 tỷ đồng.
Trong khi hai doanh nghiệp này chưa phát sinh doanh thu nên chưa đóng góp lợi nhuận nhiều cho công ty mẹ, thì ở mảng khu công nghiệp gồm KCN Amata Biên Hòa, KCN Amata Long Thành và KCN Amata Hạ Long đã có doanh thu nhưng lợi nhuận cũng biến động thất thường.
(Còn tiếp)...
Kỳ 3: Bóc tách lợi nhuận của KCN Amata Biên Hòa, KCN Amata Long Thành và KCN Amata Hạ Long
Minh An