Amata có mặt tại Việt Nam tròn 30 năm, đã sở hữu quỹ đất khoảng 3.000 ha với loạt dự án đình đám KCN Amata City Biên Hòa, KCN Amata City Long Thành, KCN Amata City Hạ Long…
Amata, Tập đoàn bất động sản công nghiệp đến từ Thái Lan, bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 1994 với dự án Khu công nghiệp Amata tại Biên Hòa, Đồng Nai. Đến năm 2007, Amata tiếp tục nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho khu thương mại Amata với tổng diện tích 19,07 ha.
Tháng 8/2012, CTCP Đại chúng Amata VN (AVN) mới chính thức được thành lập, có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan) và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) với mã chứng khoán AMATAV. Hiện Công ty Đại chúng Amata VN có vốn điều lệ 533 triệu Baht (gần 410 tỷ đồng).
Đại chúng Amata VN là công ty đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là phát triển và vận hành khu công nghiệp, thương mại và dân cư tại Việt Nam.
Theo giới thiệu trên website của Amata VN, công ty hiện có các dự án với tổng diện tích khoảng 3.000 ha, tổng vốn đầu tư là 860 triệu USD. Amata VN sở hữu 3 khu công nghiệp và 2 dự án phát triển đô thị trong danh mục đầu tư của mình dưới sự điều hành của 7 công ty con và 1 dự án liên doanh.
Tỷ lệ lấp đầy của KCN Amata City Biên Hòa là trên 95%
CTCP Đô thị Amata Biên Hòa trước đây là CTCP Amata (Việt Nam) được xem là doanh nghiệp lõi, với vốn điều lệ 422,29 tỷ đồng do Đại chúng Amata VN sở hữu 89,99% vốn đăng ký và vốn góp. Người đại diện theo pháp luật và Tổng giám đốc của Amata Biên Hòa là ông Surakij Kiatthanakorn (SN 1967).
Còn CTCP Đô thị Amata Long Thành là liên doanh giữa Amata Biên Hòa và Amata VN với tỷ lệ sở hữu cổ phần lần lượt là 65% và 35% vốn đăng ký và vốn góp.
Cùng với đó, CTCP Thành phố Amata Long Thành là liên doanh giữa Amata Biên Hòa và Amata VN với tỷ lệ 66% và 34% vốn đăng ký và vốn góp.
Công ty TNHH Đô thị Dịch vụ Long Thành 1. Công ty TNHH Đô thị Dịch vụ Long Thành 2 với 51% vốn sở hữu của Amata Long Thành.
CTCP Đô thị Amata Hạ Long với 99,99% vốn Amata VN đăng ký và vốn góp. Tuy nhiên, hồi tháng 5/2024, Amata VN đã bán 20% cổ phần của Đô thị Amata Hạ Long cho MC Economic Estate Development Vietnam Corporation (MRBN), một công ty con của Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản).
Ngoài ra, Amata VN còn có Dự án liên doanh Khu công nghiệp Quảng Trị cùng với 2 đối tác là VSIP và Sumitomo.
Với mảng khu công nghiệp, KCN Amata City Biên Hòa có tổng diện tích 513 ha, KCN Amata City Long Thành có quy mô 410 ha với vốn đầu tư 282 triệu USD, KCN Amata City Hạ Long tổng diện tích lên tới 714 ha.
Theo chia sẻ của Amata VN với phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống, hiện tại tỷ lệ lấp đầy của KCN Amata City Biên Hòa là trên 95%, còn KCN Amata City Long Thành đang trong giai đoạn triển khai giai đoạn 1&2 (120 ha), nhưng đã thu hút trên 6 nhà đầu tư thứ cấp, với gần 200 triệu USD vốn FDI.
KCN Amata City Hạ Long thì cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng trên 200 ha và vẫn tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp, đã thu hút được 19 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 2,9 tỷ USD. Riêng KCN Quảng Trị đang trong giai đoạn đền bù và giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh Khu công nghiệp tại Long Thành, Amata còn có 2 dự án thành phần khác đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư là Amata City Long Thành 753 ha với tổng vốn đăng ký 309 triệu USD và Khu đô thị dịch vụ Amata Long Thành 1 với diện tích hơn 5,5 ha, vốn đầu tư 23 triệu USD.
Nhận hàng trăm tỷ cổ tức từ Amata City Biên Hòa và Amata City Hạ Long
Với loạt dự án tại Việt Nam, tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của Đại chúng Amata VN lên tới 10.803 tỷ đồng (14.365 triệu Baht).
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 của Amata VN, doanh nghiệp này đã ghi nhận tới gần 240 tỷ đồng (tương đương 319,5 triệu Baht) cổ tức từ Amata City Biên Hòa (210 tỷ) và Amata City Hạ Long (31 tỷ). Tuy nhiên, con số này ít hơn nhiều so với 6 tháng 2023 là 335 tỷ đồng (445,9 triệu Baht).
Ngoài ra, với giao dịch bán 20% vốn tại Đô thị Amata Hạ Long và giảm sở hữu xuống còn 80%, Amata VN ghi nhận tổng giá trị giao dịch gần 272 tỷ đồng (tương đương 391 triệu Baht). Trong đó, Amata VN cho biết có khoản lãi từ việc bán khoản đầu tư này là gần 180 tỷ đồng (238 triệu Baht) được đưa vào báo cáo thu nhập riêng.
Do đó, 6 tháng đầu năm 2024, Amata VN đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 132 tỷ đồng (176,13 triệu Baht), khả quan hơn mức lỗ gần 63 tỷ đồng (83,3 triệu Baht) của cùng kỳ 2023. Nhưng riêng lẻ lại ghi nhận lợi nhuận trước thuế tới gần 402 tỷ đồng (534,4 triệu Baht) trong 6 tháng đầu năm 2024.
Với mức lãi này, tại thời điểm 30/6/2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Amata VN lên tới 1.937 tỷ đồng (2.576 triệu Baht).
Với loạt dự án được triển khai rộng khắp, các dự án của Amata cũng dính không ít lùm xùm. Vậy tính pháp lý, tiến độ đầu tư và bức tranh tài chính của các doanh nghiệp thuộc Amata VN hiện nay như thế nào?
(Còn tiếp)…
Kỳ 2: Tình hình tài chính khác biệt nhau của các doanh nghiệp có bóng dáng Amata
Minh An