Theo tìm hiểu, tiền thân của Tập đoàn Nam Cường là Tổ hợp Dịch vụ Vật tư Nông nghiệp và Vận tải Xuân Thủy, được thành lập năm 1984. Tổ hợp này là chủ đầu tư của các dự án lớn ở Hải Phòng và Hải Dương vào những năm đó.
Đến tháng 8/2009, Tổ hợp Tổ hợp Dịch vụ Vật tư Nông nghiệp và Vận tải Xuân Thủy chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường.
Người đứng đầu Tập đoàn Nam Cường hiện nay là bà Lê Thị Thúy Ngà. Nữ doanh nhân hiện nắm giữ vai trò Chủ tịch hội đồng quản trị của Nam Cường Group. Mặc dù là người phụ nữ mạnh mẽ, đầy tài thao lược trong ngành bất động sản nhưng bà Lê Thị Thúy Ngà khá ít xuất hiện trước báo giới.
Thời điểm cuối năm 2016, Tập đoàn Nam Cường có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Lê Thị Thuý Ngà góp 4.230 tỷ đồng, tương đương sở hữu 94%. Bà Trần Thị Quỳnh Ngọc (SN 1991) là ái nữ của bà Ngà nắm giữ 3% vốn.
|
Bà Lê Thị Thúy Ngà - Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường. (Ảnh: namcuong.com.vn). |
Tập đoàn Nam Cường ôm “đất vàng” ngủ quên?
Tập đoàn Nam Cường vốn được biết đến là "ông trùm" bất động sản, năm 2008 Nam Cường này bắt đầu công cuộc mở rộng quỹ đất “khủng” của mình thông qua việc tham gia vào các dự BT. Đầu tiên phải kể đến việc Nam Cường tham gia xây dựng dự án 5,1km đường trong trục phát triển phía Bắc của quận Hà Đông (Hà Nội).
Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, có điểm đầu tuyến thuộc phường Vạn Phúc và điểm cuối thuộc phường Yên Nghĩa.
Thời điểm năm 2009, khi thị trường địa ốc sôi động nhất, Tập đoàn Nam Cường là ông trùm địa ốc nắm trong tay các dự án khủng như: Dự án khu đô thị Cổ Nhuế, dự án khu đô thị Phùng Khoang và dự án khu đô thị Dương Nội (hai dự án đối ứng từ dự án BT đường Lê Văn Lương kéo dài).
|
Nhiều dãy biệt thự, nhà liền kề xây dựng để bán và có người dân vào ở nhưng các công trình trường học chưa đầu tư xây dựng tại khu đô thị mới Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường. |
Thời điểm đó, dù ì ạch triển khai nhưng Tập đoàn này vẫn tự tin xin đầu tư dự án khu đô thị Thạch Thất (huyện Thạch Thất) và dự án Khu đô thị mới Thạch Phúc (huyện Thạch Thất và Phúc Thọ). Riêng hai dự án này, tổng số quỹ đất mang về cho Nam Cường có quy mô lên đến gần 1500ha.
Chưa dừng lại ở đó, Nam Cường còn muốn đầu tư thêm dự án BT Đường trục kinh tế Bắc Nam (tỉnh Hà Tây cũ). Theo đó, Nam Cường được giao quỹ đất đối ứng lên đến gần 2000ha bao gồm 2 dự án Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai) và dự án khu đô thị sinh thái Chương Mỹ.
Tính đến thời điểm này Nam Cường sở hữu hơn 3500ha quỹ đất và nghiễm nhiên trở thành “ông trùm” dự án. Tuy nhiên, sau khi nhận một loạt dự án “khủng” nêu trên, năm 2010, thời điểm thị trường bất động sản có dấu hiệu suy thoái, nhìn lại tất cả những dự án ấy vẫn chỉ là đất “bỏ hoang”, gần như không thấy Tập đoàn Nam Cường có bất cứ hoạt động nào nữa.
|
Là công viên đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á lấy chủ đề thiên văn, nhưng sau 2 năm hoàn thành Công viên Thiên Văn học gần 260 tỷ của Tập đoàn Nam Cường vẫn bỏ hoang. |
Không chỉ tham vọng “gom đất” ở Hà Nội, Nam Cường còn vươn tới nhiều tỉnh thành khác nhờ tham gia các dự án BT. Tại Nam Định, Nam Cường trở thành chủ của 3 khu đô thị Hòa Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung. Tại Hải Dương, Nam Cường có Khu đô thị phía Tây Hải Dương,…
Loạt sai phạm tại KĐT mới Dương Nội
Tại kết luận thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng, có nêu rõ những sai phạm tại dự án khu đô thị mới Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) của Tập đoàn Nam Cường.
Theo đó, về điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết (QHCT) tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới Dương Nội, kết luận Thanh tra cho biết chủ đầu tư lập quy hoạch, thực hiện dự án là Công ty thương mại và du lịch Nam Cường (sau chuyển thành Công ty cổ phần tập đoàn Nam Cường Hà Nội). Tư vấn lập quy hoạch là Công ty TNHH Archipel Việt Nam và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Thành Nam. Cơ quan phê duyệt là UBND tỉnh Hà Tây.
Đồ án (lần đầu) được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt tại Quyết định số 2568/QĐ-UBND ngày 26/12/2007, phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1955/QĐ-UBND ngày 21/7/2008. Tổng diện tích điều chỉnh là 203,8841 ha, trong đó: Khu A là 116,0609 ha; khu B là 29,415 ha; khu C là 10,977 ha; khu D là 22,7504 ha; đất giao thông là 24,64 ha.
|
Khu đô thị mới Dương Nội là một trong những dự án lớn do Tập đoàn Nam Cường đầu tư. |
Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, quy hoạch chi tiết (QHCT) tỷ lệ 1/500 (lần đầu) phê duyệt tại Quyết định số 2568/QĐ-UBND ngày 26/12/2007 có nội dung không phù hợp so với QHCT tỷ lệ 1/200 trục đô thị Bắc thành phố Hà Đông (phê duyệt tại Quyết định số 2436/QĐ-UBND ngày 14/12/2007 của UBND tỉnh Hà Tây), như: tăng mật độ xây dựng tại lô KS, HH-01, BVQT; chuyển chức năng lô BVQT từ “hỗn hợp” sang “bệnh viện”, không có thông tin về dân số của từng lô đất; tăng số tầng cao tại lô đất CT-05 thêm 10 tầng, lô đất CT-06 thêm 11 tầng; tăng mật độ xây dựng thêm 10%, hệ số sử dụng đất thêm 0,3 lần, là điều chỉnh quy hoạch mà không thuyết minh, tính toán sự đáp ứng về hạ tầng ký thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 23 Nghị định 08/2005/NĐ-CP, khoản 1 Điều 11 Luật Xây dựng 2003.
Điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 phê duyệt tại Quyết định số 1955/QĐ-UBND ngày 21/7/2008 còn có các vi phạm sau:
Thứ nhất, điều chỉnh quy hoạch mà không thuyết minh, tính toán hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không nêu lý do điều chỉnh; điều chỉnh quy hoạch không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, vi phạm khoản 3 phần 6 Thông tư 07/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng, khoản 1 Điều 29 Nghị định 08/2005/NĐ-CP.
Cụ thể, tại lô đất KS - hệ số sử dụng đất tăng thêm 1,5 lần, tầng cao TB tăng thêm 5 tầng (từ 20 tầng lên 25 tầng); tại lô đất HH-01, diện tích xây dựng tăng thêm 352 m2, mật độ xây dựng tăng thêm 5%, hệ số sử dụng đất tăng thêm 2,75 lần, tầng cao TB tăng thêm 5 tầng (từ 20 tầng thành 25 tầng); tại lô đất BVQT, tầng cao TB giảm 4 tầng (từ 19 tầng xuống 15 tầng).
Thứ hai, số lượng biệt thự liền kề tại tại quyết định phê duyệt điều chỉnh QHCT không đúng với bản vẽ đóng dấu thẩm định của Sở Xây dựng Hà Tây; UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 5493/UBND-QHXDGT cho phép thực hiện theo bản vẽ là chưa đảm bảo quy định về điều chỉnh quy hoạch.
Liên quan tới các tồn tại, sai phạm nêu trên, kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ trách nhiệm thuộc Sở Xây dựng Hà Tây, UBND tỉnh Hà Tây, UBND thành phố Hà Nội, Công ty TNHH Archipel Việt Nam và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Thành Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội.
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo sở, ngành chức năng rà soát toàn bộ đồ án để khắc phục các tồn tại, trong đó có các tồn tại nêu trên.
Về cổng chào khu đô thị mới, kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ chủ đầu tư đã xây dựng 1 cổng chào cao 13,1m kết hợp với nhà bảo vệ 1 tầng tại khu vực giao thông giữa công trình nhà ở và công trình hỗn hợp - nhà ở HH-01 không đúng điều chỉnh QHCT được duyệt (là đường giao thông, không xây dựng công trình), đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ năm 2009.
Về công trình trụ sở văn phòng cao 27 tầng, kết luận cũng chỉ rõ trụ sở văn phòng tăng thêm 2 tầng so với số tầng cao trung bình theo điều chỉnh QHCT được duyệt là 25 tầng. Tại thời điểm kiểm tra, công trình đã xây dựng 27 tầng theo thiết kế cơ sở được Bộ Xây dựng tham gia ý kiến tại Văn bản số 664/BXD-HDXD ngày 21/4/2009.
Theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư cho biết hạng mục về hạ tầng kỹ thuật đã thi công đạt 95% khối lượng; đã thi công xong và đưa vào sử dụng trường tiểu học tại ô TH01, trung học cơ sở tại ô TH05, mẫu giáo tại ô MG01, nhà văn hóa tại ô NVH-01.
6 công trình đang hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng theo mô hình xã hội hóa gồm: trường mẫu giáo (ô MG01, MG03), trường tiểu học (ô TH01, TH02), trường tiểu học, trung học (ô TH04). Công trình bệnh viện quốc tế (ô BVQT) chưa triển khai thi công.
Ngày 3/3/2021, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 622/UBND-KH&ĐT chấp thuận chủ trương gia hạn thời gian thực hiện dự án khu đô thị mới Dương Nội. Ngày 24/8/2021, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 4008/QĐ-UBND, chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án bệnh viện quốc tế Nam Cường đến quý IV/2023.
Khánh Hoài (T/H)