Như báo Tri thức và Cuộc sống đã thông tin, việc Tập đoàn Nam Cường “ôm” loạt dự án bất động sản lớn trên quỹ đất khổng lồ suốt thời gian dài, chủ yếu ký theo hợp đồng BT đang khiến nhiều người không khỏi xót xa, tiếc nuối.
|
Tập đoàn Nam Cường đã rót khoảng 7.600 tỷ đồng vào khu đô thị mới Dương Nội. Đến nay, nhiều diện tích đất tại đây vẫn chưa được triển khai, bỏ hoang cỏ mọc um tùm. |
Đáng chú ý, nhìn vào kết quả kinh doanh của Nam Cường nhiều người cũng không khỏi giật mình vì tín hiệu không mấy khả quan, lợi nhuận liên tục đi xuống.
Theo đó, năm 2015 là cột mốc đánh dấu bước thụt lùi về tình hình kinh doanh của Tập đoàn Nam Cường khi chỉ ghi nhận doanh thu hơn 154 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 7 tỷ đồng. Trong khi, vốn điều lệ của Nam Cường là 4.500 tỷ đồng, tỷ suất sinh lợi của doanh nghiệp chỉ đạt 0,14%, thấp hơn hàng chục lần so với lãi suất tiết kiệm.
Đến năm 2016, thông tin trên Dân Việt nêu,doanh thu của Tập đoàn Nam Cường tăng gấp đôi lên 306 tỷ đồng, cùng với đó mảng tài chính đem về cho doanh nghiệp thêm 77 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ đạt 750 triệu đồng. Cả năm 2016, doanh nghiệp báo lãi sau thuế gần 134 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tổng tài sản của Nam Cường đến cuối năm 2016 giảm hơn 2.425 tỷ đồng, đạt hơn 5.860 tỷ đồng. Chủ yếu là do khoản phải thu ngắn hạn khác giảm mạnh còn 1.640 tỷ đồng, trong khi năm trước đó gần 5.200 tỷ đồng.
Sang năm 2017, doanh thu Tập đoàn ghi nhận mức 547 tỷ đồng. Nhưng sau khi khấu trừ đi các loại chi phí, Nam Cường ghi nhận lợi nhuận sau thuế 121 tỷ đồng, giảm gần 10% so với năm trước.
Tài sản khi đó tăng lên 6.400 tỷ đồng, đối ứng bên nguồn vốn, nợ vay cũng vì vậy phình to, đặc biệt là khoản vay dài hạn với 710 tỷ đồng, cao gấp hơn hai lần năm trước.
Năm 2018, lãi ròng của Nam Cường tiếp tục thụt lùi. Cùng kỳ, doanh thu cũng giảm về ngưỡng 300 tỷ đồng. Bên kia bảng cân đối kế toán, dư nợ vay đã tăng từ 997 tỷ đồng lên gần 1.250 tỷ đồng vào cuối năm.
Đáng chú ý nhất là năm 2019, theo Thương Trường, doanh thu thuần Tập đoàn này chỉ đạt 229,3 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Lãi ròng chỉ ở mức 28,6 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức lợi nhuận năm 2018 là 85 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Tập đoàn Nam Cường đạt hơn 7.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 5.045 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, bên cạnh khu đô thị mới Dương Nội (Hà Nội) chưa thể cán đích, hàng loạt dự án tiến độ ì ạch khác ở Hà Nội của Tập đoàn Nam Cường có thể kể đến như: Khu đô thị mới Thạch Phúc (huyện Thạch Thất và Phúc Thọ), khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai), khu đô thị sinh thái Chương Mỹ (huyện Chương Mỹ), khu đô thị mới Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm), khu đô thị mới Phùng Khoang (Nam Từ Liêm).
Thực tế, nhìn tình hình kinh doanh không khả quan của Tập đoàn Nam Cường, dư luận đang thắc mắc: Lợi nhuận đi xuống có liên quan đến việc Tập đoàn Nam Cường mải mê “ôm” đất vàng, phân tán nguồn lực? Đến khi nào các dự án trọng điểm của Nam Cường mới “hồi sinh”?
Tập đoàn Nam Cường được biết nhiều sau lùm xùm “xây thừa 500 căn biệt thự” tại Khu đô thị Dương Nội và nghi vấn thiếu cân đối trong thực hiện dự án BT đổi đất lấy hạ tầng. Đặc biệt, là dự án Bệnh viện quốc tế 500 giường của Nam Cường (ở Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) chậm trễ, đứng trước nguy cơ bị thu hồi đất.
Tháng 8/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng về việc kiểm những dấu hiệu sai phạm của chủ đầu tư là Công ty cổ phần tập đoàn Nam Cường liên quan đến việc triển khai dự án tại khu đô thị mới Dương Nội.
Phó Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo UBND TP.Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư khu đô thị mới Dương Nội khẩn trương thực hiện dứt điểm nghĩa vụ tài chính với số tiền hơn 606 tỷ đồng nghĩa vụ tài chính theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Khánh Hoài