Để quản lý được xe đạp, xe máy điện trôi nổi, không rõ nguồn gốc cũng như giảm thiểu các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông từ loại phương tiện này, phương án tối ưu, cần thiết nhất là cần thiết phải đăng ký xe đạp, xe máy điện. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, việc đăng ký xe đạp, xe máy điện bị trì hoãn khiến người dân bất an.
|
Ảnh minh họa - nguồn Internet. |
Cứ đến hạn bắt buộc đăng ký là xin lùi
Trước thực trạng là mối đe dọa an toàn giao thông từ xe đạp, xe máy điện, ngày 4/4/2014 Bộ Công an ban hành Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe. Theo đó, từ ngày 1/6/2014, xe máy điện bắt buộc phải đăng ký, cấp biển số, mới được phép lưu thông. Ngoài ra, mọi vi phạm của người tham gia giao thông bằng xe máy điện sẽ bị xử phạt như đối với các loại xe mô tô khác kể từ ngày 1/7/2014 sẽ xử phạt theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, thực tế sau hơn một năm Thông tư có hiệu lực, việc triển khai đăng ký cấp biển số và quản lý xe máy điện chưa hiệu quả, xe máy điện không biển số vẫn vô tư lăn bánh trên đường. Thời hạn xử phạt xe đạp điện, xe máy điện chưa đăng ký biển số, đăng kiểm khi lưu hành sau đó tiếp tục được lùi thời hạn sang ngày 1/7/2015.
Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện, đăng ký, cấp biển số cho xe mô tô điện, xe đạp điện còn thiếu chứng chỉ chất lượng của cơ quan đăng kiểm đến hết ngày 30/8/2015. Người sở hữu xe máy điện, đạp điện chỉ cần đưa xe đến cơ quan công an để đăng ký biển số. Thế nhưng hết hạn đăng ký , số lượng đăng ký, đăng kiểm của phương tiện này mới đạt khoảng 2%.
Trước tình hình đó, Bộ Giao Thông Vận Tải và một số bộ ngành đã kiến nghị lên Thủ tướng lùi thời hạn xử phạt xe máy điện không có biển số nhưng vẫn lưu thông đến 1/1/2016 để các chủ phương tiện có thời gian đi đăng ký.
Bộ Tài chính đã có văn bản 18182/BTC-CST gửi các bộ, ngành, địa phương và cơ quan thuế các địa phương hướng dẫn miễn lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số xe máy điện đang lưu hành chưa thực hiện thủ tục đăng ký.
Cụ thể, chủ tài sản đang sử dụng xe máy điện khi làm thủ tục đăng ký xe tại cơ quan công an được miễn lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số xe máy điện đến hết ngày 30/6/2016. Hồ sơ đăng ký, cấp biển số xe máy điện thực hiện theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BCA ngày 22/10/2015 của Bộ Công an bổ sung Điều 25a vào Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe.
Kể từ ngày 1/7/2016 trở đi, chủ tài sản khi làm thủ tục đăng ký xe máy điện với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải đến cơ quan thuế làm thủ tục kê khai lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số xe máy điện và phải nộp lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số xe máy điện theo quy định của pháp luật hiện hành.
3 lần liên tiếp lùi thời hạn vì sao?
Đây là lần thứ 3 liên tiếp lùi thời hạn phải đăng ký xe máy điện và siết chặt quản lý khiến dư luận băn khoăn đặt ra câu hỏi: “Lý do tại sao cứ bầy hầy chuyện lùi đăng ký xe mà không giải quyết dứt điểm?”
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng Quản lý Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc trên. Nhưng nguyên chính là do: “Nhiều người dân cho rằng giá trị của những phương tiện này không lớn, nên không cần đăng ký.” – ông Phương nói.
Ngoài ra còn nguyên nhân khác phải kể đến như: một số lượng lớn chủ sở hữu xe máy điện vẫn chưa đến Phòng Cảnh sát giao thông để đăng ký do thiếu các loại giấy tờ và nguồn gốc của xe do phần lớn mọi người không giữ được, hoặc cũng không được người bán cung cấp các giấy tờ gốc liên quan đến phương tiện; thủ tục, hồ sơ để đăng ký xe máy điện yêu cầu nhiều loại giấy tờ khác nhau, đặc biệt là các loại giấy tờ liên quan đến khâu nhập khẩu, chứng minh nguồn gốc phương tiện... khiến người đi đăng ký gặp rắc rối.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm bởi người vi phạm chủ yếu là độ tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, xe không có biển số, số khung, số máy… nên tạm giữ phương tiện dễ dẫn đến nhầm lẫn, sai sót. Chính vì vậy, thời gian qua, tại nhiều địa phương lực lượng CSGT chủ yếu mới chỉ dừng ở mức nhắc nhở, tuyên truyền.
Có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đối với các mặt hàng này đã được ban hành khá đầy đủ để cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác đăng kiểm chất lượng; quản lý nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp; đăng ký và gắn biển cho phương tiện. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy, các bộ, ngành chưa thực sự vào cuộc trong công tác siết chặt quản lý, kiểm tra, kiểm soát bịt các kẽ hở không để cho các đối tượng vi phạm pháp luật lợi dụng.