Với tuổi đời hàng trăm năm, những cây chè Shan tuyết (Hà Giang) đang sừng sững trường tồn cùng thời gian.
Trong một lần tình cờ, được anh bạn làm du lịch ở Hà Giang giới thiệu và mời thưởng thức một loại chè đặc biệt. Theo như anh nói là “độc nhất đại thảo mộc”. Mỗi cây chè cao hàng chục mét nằm chót vót trên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh. Người hái chè phải là người bản địa có kinh nghiệm. Họ trèo lên ngọn cây khi sương mai vẫn còn ngái ngủ để chọn những ngọn chè tinh khiết nhất.
Câu chuyện của anh chỉ được xóa tan mọi nghi ngờ khi tôi nhấp ngụm trà đầu tiên. Vừa thanh chát, vừa ngọt lịm ở vòm họng, đặc biệt vị thơm của trà dịu nhẹ nhưng thanh thoát. Mọi mệt mỏi căng thẳng dường như tan biến. Anh chần chừ khi tôi ngỏ ý muốn được mục sở thị loại chè đặc biệt này, “Chỉ sợ ông không đủ can đảm leo núi săn chè thôi”.
Xuất phát từ trung tâm TP Hà Giang, để lên được huyện Hoàng Su Phì là cả một chặng đường gian nan. Chỉ gần 100km nhưng người bạn Giàng A Phớn cảnh báo – “ít nhất cũng phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ mới có thể lên ngọn Tây Côn Lĩnh và nên uống thuốc chống say xe máy”.
Chè Shan tuyết là loại cây chè có nguồn gốc bản địa lâu đời tại Hà Giang. Theo nhiều tài liệu thì đây được xem là vùng chè cổ thụ nhất tồn tại ở Việt Nam. Đi qua các huyện vùng thấp như Vị Xuyên, Quang Bình, chúng tôi đã thấy thấp thoáng những đồi chè xanh mướt trải rộng, nhưng đây là loại chè Shan tuyết mới được trồng vài chục năm. Phớn xua tay nói – “Còn lâu mới đến được vùng chè cổ thụ. Nó nằm rải rác khắp các xã gần và cả trên đỉnh Tây Côn Lĩnh kia…”.
Men theo con đường vòng vèo quanh lưng núi, chiếc xe máy tà tà vượt qua hơn chục ngọn núi mới đến được cổng trời Hoàng Su Phì. Những cây chè cổ thụ cao quá đầu người, quá mái nhà và sừng sững chĩa thẳng lên bầu trời bắt đầu xuất hiện. Với độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, chiếc xe máy bẻ cua liên tục, mây mù che phủ lối đi, vương vít cả lên mặt người.
Anh bạn tôi thốt lên - “Tuyệt! “phượt” phải thế này mới phê, đúng là cung đường huyền thoại. Đi không biết bao nhiêu lần nhưng lần nào cũng có cảm giác mới lạ”. Chỉ tay về phía đỉnh núi cao nhất Phớn nói - “Đấy! Đỉnh Tây Côn Lĩnh trước mặt kia rồi”.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là rừng chè cổ thụ ở xã Hồ Thầu. Xe máy chỉ “bò” được một đoạn rồi phải dừng ở chân dốc. Đoàn leo qua những con đường ngoằn ngoèo, men theo triền núi để đi sâu vào vùng có nhiều cây chè cổ thụ. Trước mắt chúng tôi là bạt ngàn những cây chè cao chót vót, cành lá sum suê, chạy dài mãi từ ngọn núi này sang núi khác, thu vào tầm mắt là ngút ngàn chè Shan tuyết.
Mặc dù đã được nghe, được thấy qua ảnh của Phớn, nhưng có nằm mơ tôi cũng không thể nghĩ trên đất nước mình lại có những rừng chè cổ thụ cây to và nhiều đến thế. Mải mê đi, mải mê nhìn, mải mê săn ảnh mà không thấy mệt mỏi. Đến lúc trời đứng bóng cũng là lúc đã tới đỉnh núi. Ở đây, mặc dù ánh mặt trời đã cố xuyên qua đám sương mù để rọi những tia nắng yếu ớt lên ngọn cây, nhưng sương vẫn còn bao phủ và vương vít, đọng lại trên ngọn chè.
“Chè Shan tuyết có vị ngon đậm đà khác biệt vì trên những búp chè non có một lớp lông tơ mịn, nơi quanh năm sương mù bao phủ nên búp chè đọng lại một lớp sương mỏng li ti như tuyết. Shan tuyết còn là loại cây khổng lồ luôn sinh trưởng trên những đỉnh núi cao. Tinh hoa của trời đất được nó hấp thụ mới tạo ra được loại chè ngon như vậy” – Ông Cáo Diu Ngấn, thôn Đán Khao, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên chia sẻ.
Vào mùa thu hoạch, mỗi sáng sớm tinh mơ, những phụ nữ người Dao, người Mông lại leo lên cây cao hái những búp chè ngon nhất đem về sao lên để uống và cũng không biết tự khi nào, chè Shan tuyết đã trở thành một loại hàng hóa có chất lượng “vàng” được người tiêu dùng ưa chuộng.
Từ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, phóng tầm mắt ra xa, những mái nhà sàn của bà con dân tộc rải rác bên những sườn đồi cùng bạt ngàn những cây chè cổ thụ như một bức tranh thủy mặc. Hình ảnh những cô sơn nữ cheo leo hái chè trên ngọn “đại lão trà” luôn ám ảnh tôi suốt chặng đường trở về.
|
Những sơn nữ rủ nhau đi hái chè trong sương sớm. |
Huyền thoại chè Shan tuyết
Trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, nơi miền cực Bắc Tổ quốc chủ yếu là nơi sinh sống của cộng đồng người Dao và người Mông. Chè là cây trồng lâu đời không thể thiếu, nó gắn bó chặt chẽ với sự tồn tại và phát triển của các dân tộc nơi đây. Những già làng cao tuổi nhất cũng không xác định được cây chè cổ thụ đã có từ bao giờ. Họ chỉ nhớ, mình sinh ra đã thấy những cây chè cổ thụ to, cao vút như thế.
“Chỉ nhớ, khi tôi còn nhỏ thường hái chè để xuống xuôi đổi lấy thức ăn và muối. Một bao chè đổi 1 lạng muối, có hôm gặp người Pháp họ đổi cho 2 lạng và họ khen chè này rất ngon. Có nhiều cây chè cao quá không leo lên hái được, tôi phải đốn hạ ngọn mới hái được. Tôi không biết cây chè này bao nhiêu tuổi đâu. Mấy đời nhà tôi đã sống cùng với cây chè rồi” - Ông Cáo Díu Luốn, một già làng người Dao chia sẻ.
Những câu chuyện truyền miệng của đồng bào ở đây kể rằng: Ngày xưa, cây chè tự mọc lên và sống cheo leo trên núi, con người không thể trèo hái được nên họ đã huấn luyện những chú khỉ hàng ngày lên hái về. Chè được dùng như một phương thuốc quý, khi uống vào có cảm giác sảng khoái, xua tan đi bao mệt mỏi. Thế rồi, mỗi lần dời nhà đi tìm nơi phát rẫy, làm nương, người dân lại mang theo hạt chè và trồng ở nơi mình sống và những rừng chè bạt ngàn ra đời từ đó.
Lại có chuyện kể rằng, từ ngày xa xưa, có đôi vợ chồng nọ đi tìm vùng đất để kiếm kế sinh nhai. Họ đi, đi mãi đến vùng rừng núi phía Bắc này thì thấm mệt và đói nên dừng chân ngồi nghỉ bên một gốc cây cổ thụ. Người chồng hái vội đọt cây ăn cho đỡ đói thì thấy có vị chát nặng, nhưng sau đó lại có vị ngọt. Hai vợ chồng nấu nước rồi bỏ lá cây cổ thụ vào uống và thấy sảng khoái, dễ chịu, tan đi mệt mỏi.
Cho đây là điềm lành nên hai vợ chồng đã dựng nhà sinh sống ngay bên gốc cây rồi lấy hạt cây gieo khắp vùng đồi núi nên mới hình thành nên những rừng chè cổ thụ bạt ngàn như hôm nay. Những câu chuyện kể của đồng bào dân tộc mà chúng tôi nghe được dù có, dù không nhưng khi đứng giữa bạt ngàn rừng chè cổ thụ còn lãng đãng mây mù này, sức sống, vẻ đẹp của nó cứ mơ mơ thực thực như chốn bồng lai.
Rừng chè không những là cây kinh tế của cả vùng mà còn trở thành nơi hò hẹn và nên duyên của nhiều đôi trai gái. Trai gái người Dao đến tuổi cập kê, sáng sớm lên nương hái chè, họ đã cất lên những lời ca trao tình thắm thiết giữa bạt ngàn rừng núi. Những bài hát cất lên từ ngọn cây chè này, sang ngọn cây chè khác và nhờ đó họ đã nên duyên vợ chồng.
Đối với những người phụ nữ đứng tuổi, tiếng hát trên nương chè chính là nơi để họ gửi gắm những tâm tư, tình cảm của mình, là nơi để họ trao đổi và sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống. Điều đặc biệt là người hái chè trên những ngọn cây cao đa số đều là phụ nữ. Họ cho rằng, bàn tay phụ nữ mềm mại, khi hái sẽ không làm đau cây chè, sau này chè lại đơm mầm nẩy lộc sum suê.
Chỉ tính riêng huyện Hoàng Su Phì, nơi tập trung nhiều cây chè cổ thụ nhất đã có tới 21/25 xã có diện tích trồng cây chè lên tới hơn 4 nghìn ha, năng suất đạt hơn 30 tạ/ha. Đa số chè ở đây được chế biến thủ công, từ công đoạn vò, sấy đều làm bằng tay. Cây chè là cây phát triển kinh tế chính của huyện. Nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 10-20 triệu đồng/năm từ cây chè.
Trong cơn bão giá của các loại chè công nghiệp được sản xuất hàng loạt như hiện nay thì chè Shan tuyết vẫn là một thương hiệu được người dùng ưa chuộng. “Có nhiều khách dưới xuôi lặn lội vài trăm km chỉ để lên đây mua vài cân chè về đãi khách, thậm chí có người còn mua để chuyển đi nước ngoài cho người thân. Lên đến đây, được tận mắt nhìn thấy mới biết được chè Shan tuyết tuyệt vời như thế nào” – Ông Triệu Tả Phìn, chủ một cơ sở chuyên sản xuất chè Shan tuyến nói.
Mặc dù cây chè cổ thụ đã có từ hàng trăm năm nhưng nó chỉ mới thực sự được người ta biết đến từ những thập niên cuối của thế kỷ trước. Cây chè Shan tuyết cổ thụ theo quan niệm của người dân nơi đây, nó là tinh hoa của trời đất, tích tụ từ những giọt sương mai để hình thành nên hương vị đặc biệt thơm ngon nên người dân chỉ thu hái chứ không tác động và chăm sóc.
Với những cung đường trùng điệp núi non, những thửa ruộng bậc thang uốn mình ôm thân núi, nghẹt thở với những khúc cua tay áo và cảm giác bồng bềnh khi mây vướng vít ngang chân. Tôi chợt nghĩ, tại sao những vườn chè Shan tuyết cổ thụ kia không thể trở thành những điểm du lịch thu hút đông đảo du khách về chiêm ngưỡng sức sống của một vùng đất và sự kỳ vĩ của nó?
Theo Hoàng Dương/Tiền phong