Vợ chồng tôi có một bé lớp 2 và một mẫu giáo. Tổng thu nhập hàng tháng khoảng 40 triệu đồng.
Từ khi kết hôn, hai vợ chồng vẫn ở nhà thuê tại Hà Nội. Sau một vài lần chuyển chỗ ở, chúng tôi đang thuê một căn hộ chung cư cũ tại quận Cầu Giấy, giá 9 triệu đồng/tháng.
Nhiều năm tích cóp, vợ chồng tôi có 2 tỷ đồng đang gửi ngân hàng. Chúng tôi gửi tiết kiệm đầu năm 2023 khi lãi suất huy động cao, hơn 9%/năm. Tiền lãi tiết kiệm được hơn 15 triệu đồng/tháng, ngoài trả tiền thuê nhà, vẫn còn dư ra một khoản để chi tiêu.
Tuy nhiên, khoản tiền tiết kiệm này chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đáo hạn. Hiện lãi suất huy động ở mức rất thấp, chỉ khoảng 5%/năm, nên nếu tiếp tục gửi tiết kiệm, tiền lãi chỉ đủ để bù vào tiền thuê nhà. Các hình thức đầu tư khác như vàng, chứng khoán thì vợ chồng tôi đều không có kinh nghiệm nên chỉ lo rót tiền vào không có lời mà còn thâm hụt vốn.
|
Giá bán chung cư có “hạ nhiệt” trong 1 – 2 năm tới? (Ảnh: Hồng Khanh) |
Bình thường chúng tôi khá thoải mái với việc ở nhà thuê, vì căn chung cư đang sống gần nơi làm việc của cả hai vợ chồng. Con cái cũng được học tập ở những ngôi trường chất lượng giảng dạy tốt, lại gần nhà, thuận tiện việc đưa đón.
Thế nhưng với bài toán lãi suất huy động thấp, các hình thức đầu tư khác rủi ro cao, chúng tôi đang tính đến chuyện dốc hết tiền tiết kiệm để mua nhà. Vợ chồng tôi đã khảo sát giá cả, một số chung cư ở nội đô đưa vào hoạt động 15 năm như căn hộ chúng tôi đang thuê cũng có giá hơn 3 tỷ đồng. Các dự án mới tại Cầu Giấy, giá lên tới hơn 50 triệu đồng/m2, để mua một căn hộ 2 phòng ngủ cũng phải bỏ ra ít nhất hơn 4 tỷ.
Như vậy, muốn mua chung cư nội đô, chúng tôi phải vay từ 1-2 tỷ đồng. Gia đình nội ngoại hai bên đều không có điều kiện nên sẽ chỉ hỗ trợ hoặc cho vay không đáng kể.
Nếu vay toàn bộ từ ngân hàng, hiện lãi suất cho vay đang thấp, khoảng 8-9% năm. Song, lãi suất ưu đãi thường chỉ duy trì trong 1-2 năm đầu, các năm sau sẽ thả nổi nên với khoản vay trên, áp lực trả nợ khi lãi suất thả nổi là không nhỏ. Nhất là khi gia đình tôi có 2 con nhỏ rất nhiều khoản phải chi tiêu, thu nhập của hai vợ chồng cũng không cao lắm.
Nếu muốn giảm bớt khoản vay, vợ chồng tôi buộc phải tìm kiếm các dự án ở ngoại thành, không chỉ đi làm xa xôi mà con cái cũng phải chuyển trường, xáo trộn việc học.
Một điều nữa chúng tôi lo lắng là mấy năm nay do dịch bệnh Covid-19 rồi ngành bất động sản khó khăn, hạn chế về nguồn cung, giá chung cư ở Hà Nội đã tăng “phi mã”. Chúng tôi mua bây giờ vào đúng thời điểm thị trường chung cư đang neo ở vùng giá cao. Trong thời gian một vài năm tới, có thêm các dự án mới, nguồn cung dồi dào hơn, có thể giá chung cư sẽ giảm đi so với hiện nay.
Đứng trước những sự lựa chọn, vợ chồng tôi rất băn khoăn. Tiếp tục ở nhà thuê, gửi tiết kiệm lấy lãi, làm lụng tích cóp thêm vài năm để vừa có thêm tiền, vừa đợi giá chung cư “hạ nhiệt” rồi mua là phương án không gặp áp lực tài chính và cuộc sống không bị xáo trộn. Tuy nhiên, nếu giá chung cư không hạ mà tiếp tục tăng, thì khoản tiền vợ chồng tôi cố gắng tiết kiệm chưa chắc đã bù lại được tốc độ tăng giá căn hộ.
Còn quyết tâm mua nhà bây giờ, nếu mua chung cư nội đô sẽ phải chịu áp lực tài chính lớn, nếu mua ở các quận huyện ngoại thành thì chắc chắn cuộc sống sẽ xáo trộn. Rất mong mọi người cho vợ chồng tôi lời khuyên để đưa ra quyết định sáng suốt nhất.
Theo Bùi Trường/Vietnamnet