Doanh thu thuần quý 3/2019 của PVL chỉ vỏn vẹn gần 3 tỷ đồng, giảm mạnh 62% so cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến PVL lỗ gộp gần 170 triệu đồng, thấp hơn mức 905 triệu đồng của cùng kỳ.
Thu không đủ bù chi khiến lợi nhuận sau thuế của PVL âm 1,7 tỷ đồng, thấp hơn mức 2,3 tỷ đồng của quý 3/2018. Đây là quý thứ 3 liên tiếp PVL chìm trong thua lỗ.
Mặc dù 9 tháng PVL không kinh doanh dưới giá vốn như cùng kỳ song chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp lần lượt ngốn gần 3 tỷ đồng và 13 tỷ đồng khiến công ty lỗ ròng 5,7 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 3,5 tỷ đồng của cùng kỳ.
Năm 2019, PVL đặt kế hoạch có lãi sau thuế 2,5 tỷ đồng, tuy nhiên với tình hình 9 tháng vẫn chìm trong thua lỗ thì khả năng Công ty đạt kế hoạch đề ra còn xa vời vợi. Hiện PVL đang có lỗ lũy kế tới hơn 264 tỷ đồng.
|
Phối cảnh dự án tai tiếng Nam Đàn Plaza
|
Đại hội cổ đông hồi đầu năm 2019 của PVL đã nêu ra nhiều vấn đề còn tồn tại trọng yếu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty.
Cụ thể, giai đoạn 2008-2017, hoạt động kinh doanh của PVL kém hiệu quả, liên tục thua lỗ khiến nguồn vốn lưu động bị sụt giảm, thiếu vốn cho hoạt động đầu tư phát triển. Trong khi đó, Công ty vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng đối với những khoản công nợ khó đòi.
Công tác tài chính của PVL còn nhiều sai phạm gây thiệt hại lớn như để tiền mua nhà của khách mua căn hộ trên tài khoản thanh toán với mức lãi suất 0,8%/năm, cho nhà thầu thanh toán tạm ứng không theo quy định, không thu hồi các khoản vay/tạm ứng không có chứng từ (như cho các Phó tổng giám đốc vay 200 triệu mua ô tô từ năm 2008 đến nay vẫn chưa trả)…
Thêm vào đó, các vụ kiện tụng kéo dài và phức tạp về tội cố ý làm trái quy định của đội ngũ lãnh đạo trước đây như vụ Nam Đàn Plaza gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng chưa thu hồi được. Đồng thời, PVL còn phải khắc phục hậu quả to lớn 100 tỷ đồng trả lại cho cho Công ty Minh Ngân. Vụ án nguyên Tổng giám đốc Hoàng Ngọc Sáu tham ô, gây thiệt hại 20 tỷ đồng cho Công ty vẫn chưa thu hồi được.
Hay các khoản đầu tư không hiệu quả, chi phí không hợp lý như dự án Phong Phú Lăng Cô, dự án với PVC Land, dự án Nhơn Trạch… tiếp tục gây thua lỗ.
Rồi các dự án chi phí đầu tư cao, cơ cấu thành phần vốn góp phức tạp, quản lý yếu kém gây thất thoát nghiêm trọng như tại CTCP Địa ốc Dầu khí Viễn Thông, CTCP Địa ốc Dầu khí Sài Gòn, CTCP Đầu tư Phát triển Phong Phú Lăng Cô…
Dự án Petrovietnam Landmark chậm bàn giao kéo dài do chủ đầu tư PVL Land thiếu vốn dẫn đến tình trạng khiếu kiện từ phía khách hàng, gây thiệt hại liên đới đến PVL.
Dự án chung cư Linh Tây Tower thì đưa vào sử dụng năm 2017 song do chi phí xây dựng quá cao trong khi giá bán căn hộ thấp cùng quản lý yếu kém khiến dự án bị thua lỗ ngay từ khi đang thi công.
Đối với vụ kiện Hưng Thịnh Phát, mặc dù PVL được tuyên thắng kiện và được trả lại gần 5 tỷ đồng, song Hưng Thịnh Phát đã bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh.
Với hàng loạt bê bối, năm 2017, PVL quyết định đổi tên từ CTCP Địa ốc Dầu khí thành CTCP Đầu tư Nhà đất Việt. Trước đó nữa, PVL tiền thân là CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower Land), thành viên của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).
Minh An