Thanh toán qua ngân hàng
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết đó là nội dung trả lời của Ngân hàng Nhà nước đối với những kiến nghị của HoREA xung quanh việc hướng dẫn chuyển khoản tiền mua, bán nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Theo ông Châu, tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung có bộ phận không nhỏ người nước ngoài sinh sống và làm việc, họ có nhu cầu về nhà ở thật sự. Nhưng từ khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2015, vẫn chưa có hướng dẫn về việc giao dịch đối với đối tượng khách hàng này, trong khi thời gian qua có không ít người nước ngoài tìm đến các dự án tốt ở TP.HCM đặt mua, giữ chỗ.
|
Ngày càng nhiều người nước ngoài, Việt kiều hồi hương tìm đến mua nhà ở tại các dự án tại TP.HCM. |
Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi mua, bán nhà ở tại Việt Nam sẽ phải mở tài khoản tại ngân hàng trong nước và việc giao dịch, chuyển khoản được thực hiện qua ngân hàng tại Việt Nam.
Trường hợp tổ chức, cá nhân người nước ngoài có nhu cầu vay vốn để mua căn hộ, nhà ở cũng sẽ được các ngân hàng trong nước xem xét cho vay khi đáp ứng được các điều kiện đi kèm. Thời hạn vay đối với cá nhân người nước ngoài không được vượt quá thời hạn lưu trú hợp pháp tại Việt Nam, còn đối với tổ chức có pháp nhân nước ngoài cũng không quá thời hạn hoạt động được cấp phép.
Trao đổi về vấn đề trên tại một hội thảo vừa diễn ra tại TP.HCM, TS. Nguyễn Trí Hiếu (Việt kiều Mỹ, chuyên gia tài chính ngân hàng) cho biết, ở Mỹ hay các nước Châu Âu người dân mua nhà thường đến các ngân hàng vay chứ ít ai dùng tiền tiết kiệm mua nhà như ở Việt Nam. Ngân hàng cũng sẵn sàng đáp ứng kèm theo điều kiện người vay phải có bảo hiểm quyền sử dụng đất đai. Trường hợp có rủi ro cho người mua thì ngân hàng sẽ đứng ra giải quyết.
Theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong thời gian tới, khi Nhà nước “mở cửa” cho người nước ngoài mua nhà rộng rãi ở Việt Nam thì với những người không có khả năng tài chính sẽ nghĩ ngay đến việc vay vốn ngân hàng ngoại trong nước. Các ngân hàng này cũng sẽ yêu cầu khách hàng có bảo hiểm quyền sử dụng đất đai, điều này ở Việt Nam chưa áp dụng được vì đất đai là quyền sở hữu của toàn dân. Còn tìm đến ngân hàng trong nước thì thủ tục cũng lắm nhiêu khê.
Cơ quan nào xác nhận nguồn gốc người Việt cho kiều bào?
Vấn đề xác nhận nguồn gốc người Việt cho bà con kiều bào khi muốn mua nhà ở tại Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm. Theo kiến nghị của HoREA, để tạo thuận lợi trong việc xác nhận này, HoREA đã kiến nghị đến Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao bổ sung hai cơ quan là Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội và TP.HCM được có thẩm quyền giải quyết.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao đã không chấp thuận, và các cơ quan có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc người Việt cho kiều bào gồm: Cơ quan đại diện người Việt Nam ở nước ngoài hoặc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao hay Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố.
Trong thông tư liên tịch 05 Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an cũng đã có quy định chi tiết về các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc người Việt, đó là: Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, các giấy tờ khác có giá trị thay thế hoặc tham khảo quốc tịch của đương sự.
Đối với kiều bào chưa mất quốc tịch Việt Nam nhưng không có các loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam có thể liên hệ Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác nhận.
Thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng cho biết, tính đến hết tháng 8/2015, trên phạm vi cả nước đã có 403 người nước ngoài và khoảng 500 Việt kiều đã được chính thức sở hữu nhà ở, chưa kể nhiều trường hợp khác đang hoàn tất thủ tục. Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi - Cục Phó Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, với những chính sách cho phép người nước ngoài, Việt kiều được sở hữu nhà ở trong nước có thể khẳng định thị trường BĐS trong thời gian tới sẽ đón "luồng gió mới" từ đối tượng khách hàng này.
Theo Infonet