Như Kiến Thức đã đưa tin, theo phản ánh của chị N.M.H (Cầu Giấy, Hà Nội), hơn 1 năm trước, mua bộ trang sức vàng 24K tại cửa hàng vàng Prima Gold (thuộc Công ty TNHH Pranda Việt Nam) giá 21.200.000 đồng - giảm 12% còn 18.565.000 đồng, tuy nhiên gần đây khi mang sản phẩm ra bán thì được nhân viên thương hiệu vàng này thông báo thu mua khoảng 8,3 triệu đồng.
Chưa hết "sốc" vì lỗ nặng do tỷ lệ thu mua quá thấp của cửa hàng, điều khiến chị N.M.H bức xúc nhất là câu trả lời coi thường khách hàng của nhân viên thương hiệu này.
Theo giải thích của nhân viên Prima Gold, việc khách hàng bán bộ sản phẩm, chỉ thu được 40% giá trị mua ban đầu là do khách hàng không phân biệt được vàng trang sức, vàng miếng và vàng dành. Rằng, trong tổng giá trị sản phẩm của Prima Gold, công chế tác chiếm 60% và ngay từ đầu khách hàng đã không nghe kỹ tư vấn về quy chế mua bán, đổi trả của Prima Gold.
|
Bộ sản phẩm có giá hơn 21.000.000 đồng (chưa giảm giá) mà chị N.T.M.H đã mua tại Prima Gold. |
"Nếu ngay từ đầu, tôi được tư vấn như chị Thu Ba nói chắc chắn tôi sẽ không mua bộ sản phẩm giá hàng chục triệu đồng của Prima Gold để rồi chịu lỗ nặng nề như thế", chị H nói.
Trước câu trả lời của nhân viên Prima Gold, trao đổi với Kiến Thức, chị T.L (Thanh Xuân, Hà Nội) - tín đồ vàng trang sức lâu năm kinh ngạc: "Mua bán, trao đổi vàng của rất nhiều thương hiệu, tôi đều được tư vấn rõ ràng, cụ thể, chưa bao giờ nghe câu giải thích nào hồn nhiên và coi thường khách hàng như của nhân viên nhãn hàng vàng Prima Gold. Khách hàng chúng tôi đâu phải "chết não" mà không biết đâu là vàng trang sức, đâu là màng viếng và đâu là vàng để dành!".
Mời độc giả đón xem clip: "Chiêu hô biến siêu thực của "nghệ nhân" vàng giả. Nguồn: ANTV HD:
Trong khi đó, theo tìm hiểu của Kiến Thức, tại nhiều cửa hàng vàng bạc đá quý có thương hiệu trên thị trường hiện nay, khi mua vàng hoặc vàng trang sức, khách hàng đều được nhận hóa đơn kèm theo đó là quy chế giao dịch và bảo hành vàng, bạc, đá quý.
Cụ thể trong quy chế giao dịch mua bán vàng trang sức của một thương hiệu lâu năm uy tín trên thị trường vàng Việt Nam (PV tạm giấu tên thương hiệu) nêu rõ, đối với trường hợp đổi, bán lại mẫu mã còn thịnh hành, hình dáng nguyên vẹn 100%, trong vòng 24 giờ nếu đổi hàng giá trị tương đương (không đổi sang vàng ta) thì giá trị hàng được tính 100%, giá trị bán lại là 95%; từ 2 đến 10 ngày giá trị đổi là 90%, bán lại là 85%; Từ 11 ngày đến dưới 1 tháng đổi là 85% và bán lại là 80%; Từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, giá trị đổi là là 80%, giá trị bán là 75%; Từ 3 đến dưới 12 tháng, giá trị đổi là 75%, bán lại là 70%; Từ 12 tháng trở lên, giá trị đổi là 70%, giá trị bán là 65%.
|
Thông tin tỷ lệ đổi, bán vàng tại một số thương hiệu vàng, bạc, đá quý có uy tín hiện nay. |
Đối với trường hợp đổi, bán lại hàng với mẫu mã không còn thịnh hành, đã cũ, không còn nguyên vẹn, biến dạng... (không tính thời hạn sử dụng), công ty này sẽ mua theo giá trị hàm lượng vàng của sản phẩm tại thời điểm lúc bán lại (theo bảng giá niêm yết), trường hợp đổi lại hàng sang giá trị tương đương được tính giá ưu đãi...
Tại một thương hiệu khác, mọi món nữ trang bán ra khỏi cửa hàng đều có hóa đơn đỏ, ghi rõ hàm lượng vàng, tuổi vàng, những điều kiện bảo hành sản phẩm hay thu mua lại. Riêng với các loại đá quý thì luôn kèm theo giấy chứng nhận của công ty Giám định, một giấy chứng nhận có giá trị trên toàn cầu. Ngoài ra, mặt sau của hóa đơn còn có thông tin ghi tỷ lệ thu mua lại 75% giá trị hóa đơn sản phẩm đối với trường hợp bán và mua lại 85% giá trị sản phẩm đối với trường hợp đổi sang món khác lớn hơn.
|
Giấy bảo hành kèm quy chế thu mua sản phẩm tại một thương hiệu vàng, bạc, đá quý khác. |
Còn tại một nhãn hàng khá quen thuộc với khách hàng, thì ngoài giấy bảo đảm vàng khách sẽ được phát tờ quy chế đổi, bán sản phẩm. Cụ thể, trong vòng 1 tháng nếu đổi sang hàng giá trị tương đương sẽ được công ty thu mua 70% giá trị sản phẩm còn bán lại là 60%; trong vòng 6 tháng đổi là 65%, trong vòng 12 tháng đổi là 60%, còn bán lại công ty sẽ thu mua theo nguyên liệu vàng..
So sánh đối chiếu với những quy chế này cho thấy, tỷ lệ mua bán quy đổi của Prima Gold đang rất thấp và như chị H chia sẻ, khi mua bán thì không hề được cung cấp quy chế hay thông tin giao dịch thu mua lại.
Cũng theo tìm hiểu của Kiến Thức, tại Prima Gold, có những bộ sản phẩm được trưng bày, niêm yết giá đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, với việc không được tư vấn rõ ràng, không nhận được bất kỳ giấy tờ quy chế đổi bán sản phẩm như chị N.M.H thì khách hoàn toàn chịu thiệt khi mua sản phẩm tại Prima Gold là điều không thể tránh khỏi.
|
Ngoài hóa đơn đỏ, Prima Gold không cung cấp giấy bảo hành vàng hay quy chế đổi, bán cho khách hàng. |
Đồng quan điểm, trao đổi với Kiến Thức, một Luật sư cho biết, việc Prima Gold bán hàng không cung cấp giấy tờ cam kết hậu mãi sẽ là lỗ hổng lớn trong giao dịch mà khách hàng chịu thiệt hoàn toàn. Khi đó, khách hàng chỉ có cách nhắm mắt chấp nhận bán lại cho hãng với giá bèo bọt hoặc giữ lại dùng và “tránh xa” thương hiệu vàng này.
* Khách hàng nên làm gì để không bị “hớ” khi chơi vàng trang sức, nhất là mua tại những thương hiệu không có cam kết rõ ràng như Prima Gold? Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong bài tiếp theo...
Nhụy Kiều