Thông tin, Pharmacity đồng loạt khai trương 10 nhà thuốc mới hôm 10/10 tại các quận, huyện ở Hà Nội như: Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên, Hà Đông và Thanh Trì đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Kế hoạch đầy tham vọng trong 5 năm tiếp theo của Pharmacity ngoài mở 5.000 cửa hàng tại 63 tỉnh thành sẽ là mục tiêu đạt doanh thu hơn 1,5 triệu USD và tạo ra lực lượng lao động với hơn 20.000 nhân viên, tăng từ 3.500 nhân viên như hiện tại.
|
Kế hoạch đầy tham vọng trong 5 năm tiếp theo của Pharmacity ngoài mở 5.000 cửa hàng tại 63 tỉnh thành sẽ là mục tiêu đạt doanh thu hơn 1,5 triệu USD. |
Tuy nhiên, nhìn tình hình kinh doanh của Công ty CP Dược Phẩm Pharmacity nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi doanh nghiệp lỗ ngày càng nặng.
Theo đó, năm 2019, Pharmacity ghi nhận lỗ ròng 265 tỷ đồng. Con số doanh thu không được tiết lộ, nhưng trong lần chia sẻ đầu năm 2020 đại diện cho biết đạt mức tăng 129% so với năm 2018, tương đương đạt khoảng 487 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Pharmacity đạt 669,6 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 506,6 tỷ đồng, gấp 3 lần so với mức 163 tỷ đồng của vốn chủ sở hữu (trong đó vốn điều lệ là 386,4 tỷ đồng).
Nửa đầu năm 2020, Pharmacity lỗ ròng sau thuế hơn 194 tỷ đồng, tăng 60% tiền lỗ so với cùng kỷ năm trước. Đến giữa năm 2020, Pharmacity đã tăng vốn sở hữu lên hơn 408 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với cùng kỷ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu đã giảm từ 1,2 xuống còn 0,48.
Thông tin trên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, năm 2020, Pharmacity đạt doanh thu hơn 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, giống như nhiều chuỗi bán lẻ mở rộng nhanh chóng, Pharmacity lỗ ngày càng nặng, năm 2020 ghi nhận âm 421 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến cuối năm 2020 đã lên hơn 1.000 tỷ đồng.
Cập nhật đến giữa tháng 5/2021, quy mô vốn điều lệ của Pharmacity đã được nâng lên mức 528,4 tỷ đồng - thông tin trên Nhà đầu tư nêu.
|
Năm 2020, chuỗi nhà thuốc bán lẻ Pharmacity ghi nhận âm 421 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến cuối năm này lên hơn 1.000 tỷ đồng. |
Được biết, Pharmacity ra đời vào tháng 11/2011, đặt trụ sở chính tại số nhà trên đường Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạch, TP. HCM. Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc của Pharmacity là ông Chris Blank.
Theo giới thiệu, hiện Pharmacity đã có hệ thống nhà thuốc tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang…
Dù vậy, doanh nghiệp này tham vọng sở hữu 1.000 nhà thuốc vào năm 2021 (tức sau 10 năm hoạt động). Thế nhưng, số lượng nhà thuốc đến nay mới chỉ đạt 643 cửa hàng. Đồng nghĩa với điều này là từ giờ đến cuối năm trung bình mỗi ngày Pharmacity phải mở thêm 4 cửa hàng để hoàn thành mục tiêu.
Pharmacity cũng liên tục huy động vốn thời gian gần đây, có đợt phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu (khoảng 6,5 triệu USD) vào cuối năm 2019. Đầu năm 2020, Công ty tiếp tục huy động 370 tỷ đồng (khoảng 31,8 triệu USD) - khoản đầu tiên của vòng series C.
|
Ông Chris Blank - Nhà sáng lập của chuỗi dược phẩm Pharmacity. |
Trao đổi với báo giới mới đây, ông Chris Blank - Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Pharmacity cho biết, tầm nhìn của Pharmacity là trở thành sự lựa chọn hàng đầu về chăm sóc sức khỏe của tất cả mọi người dân Việt Nam. Các nhà thuốc của Pharmacity cung cấp đa dạng các loại dược phẩm bên cạnh các sản phẩm chăm sóc cá nhân, vitamins và các thức phẩm chức năng với hơn 10.000 sản phẩm.
Trong 5 năm tiếp theo, Công ty dự kiến phát triển hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Theo lộ trình, Pharmacity sẽ ra mắt "siêu ứng dụng" nhằm cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau bao gồm dược sĩ và bác sĩ trực tuyến, lưu trữ hồ sơ sức khỏe, đặt xe cấp cứu và ứng dụng truy xuất. Pharmacity cũng sẽ hợp tác với các Công ty bảo hiểm để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phù hợp cho khách hàng của mình.
Khánh Hoài (T/H)