Hầu hết các ngành nghề kinh tế đều chịu tác động tiêu cực vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, thế nhưng nhiều doanh nghiệp dược và thiết bị vật tư y tế như Pharbaco, Traphaco... lại ghi nhận kết quả kinh doanh khá ấn tượng.
Hiện nay Việt Nam trở thành thị trường dược phẩm lớn thứ hai tại Đông Nam Á, là một trong 17 nước xếp vào nhóm có mức tăng trưởng ngành Dược cao nhất. Nhu cầu nâng cao về điều trị và chăm sóc sức khỏe, nhất trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có nhiều triều hướng xuất hiện nhiều chủng biến thể mới. Hầu hết các ngành nghề kinh tế đều chịu tác động tiêu cực trước sự khó khăn cải đại dịch, thì nhiều doanh nghiệp dược và thiết bị vật tư y tế lại đều ghi nhận tình hình kinh doanh khá ấn tượng.
Dược phẩm “ăn nên làm ra”
Theo World Bank cảnh báo, Việt Nam đang trải qua giai đoạn tốc độ già hóa dân số nhanh nhất từ trước tới nay, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050. Đồng nghĩa với việc dân số đang bước vào giai đoạn “già hóa” nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng lên, mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế có xu hướng tăng lên do thu nhập bình quân đầu người được cải thiện tốt hơn. Theo thống kê mới nhất cho thấy chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng 37,97 USD vào năm 2015, khoảng 56 USD năm 2017 và duy trì chi tiêu dành cho dược phẩm ở mức tăng ít nhất 14%/năm cho tới năm 2025.
Bên cạnh đó là quá trình đô thị hóa nhanh chóng, môi trường sống càng ngày càng có nguy cơ ô nhiễm cao làm gia tăng nhiều loại bệnh tật …là những yếu tố chính cho ngành dược tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Trên các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp dược niêm yết trên thị trường chứng khoán vừa đưa ra những kết quả kinh doanh nửa đầu năm rất tích cực.
Đơn cử, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã DHG) báo cáo doanh thu 6 tháng đạt 1.965 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 404 tỷ đồng, lần lượt tăng 17,1% và 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này là do Công ty tập trung sản xuất - kinh doanh các sản phẩm chủ lực của Công ty và bán các sản phẩm cần thiết để bảo vệ sức khoẻ trong mùa dịch COVID-19. Đồng thời, Công ty tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý.
|
Nhiều công ty dược phẩm ăn nên làm ra mùa covid |
Công ty cổ phần Traphaco (mã TRA) ghi nhận doanh thu 1.021 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng 20,4% về doanh thu và 38,4% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Sáu tháng đầu năm, Traphaco đạt lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Traphaco áp dụng chính sách bán hàng tốt và hệ thống phân phối đã phát huy thế mạnh trong thời dịch bệnh, giúp Công ty tăng trưởng tích cực.
Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 - Pharbaco (mã PBC) ghi nhận doanh thu thuần tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 476 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2,6 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (mã IMP) và Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 (mã DP1) đều báo lãi tăng nhẹ so với cùng kỳ, lần lượt đạt 91,2 tỷ đồng và 21,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên ngành công nghiệp dược của Việt Nam không nghiên cứu bào chế thuốc mà chủ yếu dựa vào việc sản xuất các loại thuốc đã hết bản quyền trên thế giới, đối với các loại thuốc đặc trị, Việt Nam phải nhập khẩu từ nước ngoài hàng năm với giá trị lớn, nguyên liệu sản xuất dược phẩm cũng phụ thuộc tới 80 %- 90 % nguồn nhập khẩu. Với những tính chất vấn đề đặc thù trong cấu trúc ngàng nghề cũng khiến cho các doanh nghiệp dược phẩm và các doanh nghiệp y tế ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn mặc dù triển vọng vấn sáng sửa nhưng rủi ro cũng rất lớn.
Doanh thu các chuỗi nhà thuốc tăng trưởng mạnh
Với tâm lý e ngại đến bệnh viện vì sợ lây nhiễm nên hoạt động phân phối thuốc hiện nay chủ yếu thông qua hình thức bán cho bênh viện (kênh ETC) chiếm 70% thị phần của thị trường thuốc đã sụt giảm. Xong xu hướng đang thống trị nổi lên là chuỗi hệ thống bán lẻ dược phẩm (kênh OTC) ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng.
|
Chuỗi nhà thuốc Long Châu ghi nhận 1.336 tỷ đồng doanh thu, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái |
Sáu tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) ghi nhận 9.024 tỷ đồng doanh thu và 76 tỷ đồng lãi trước thuế. Chuỗi nhà thuốc Long Châu ghi nhận 1.336 tỷ đồng doanh thu, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 15% vào tổng doanh thu của Công ty.
Theo đại diện FPT Retail, trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16, Chỉ thị 16+, đặc biệt ở khu vực miền Nam và Hà Nội, khoảng 50% cửa hàng FPT Shop bị ảnh hưởng, doanh số quý III/2021 của chuỗi cửa hàng FPT Shop dự kiến sẽ giảm hơn 20% so với quý II. Tuy vậy, chuỗi bán lẻ dược phẩm đang là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của Công ty.
“Doanh thu của chuỗi nhà thuốc Long Châu dự kiến đóng góp khoảng 15 - 20% vào tổng doanh thu hợp nhất của FRT và kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tương tự như trong quý II/2021. Hiện tại, chuỗi nhà thuốc Long Châu đang có thuận lợi ngắn hạn từ nhu cầu tăng cao đột biến về thuốc trong mùa dịch”, đại diện FRT cho hay.
Hiện tại, với kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm và dự báo quý III sụt giảm nhẹ, FPT Retail vẫn tự tin có thể đạt được kế hoạch kinh doanh năm 2021 nếu tình hình dịch bệnh không diễn biến phức tạp trong quý IV. Bên cạnh trụ đỡ đóng góp vào tăng trưởng lớn về doanh thu cho FRT là mảng laptop thì mảng bán lẻ dược phẩm đang bắt đầu cho trái ngọt.
Năm 2021, FRT đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 16.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 320% so với mức thực hiện trong năm 2020. Như vậy, Công ty đã thực hiện 55% chỉ tiêu doanh thu và 63,3% chỉ tiêu lợi nhuận sau nửa chặng đầu của năm.
Triển vọng của chuỗi nhà thuốc Long Châu được Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá cao, dựa trên số liệu tích cực về tăng trưởng doanh số và mở mới cửa hàng, khiến kế hoạch sinh lời rõ ràng hơn. VCSC kỳ vọng, chuỗi nhà thuốc này sẽ có lãi vào cuối năm 2022, sớm hơn so với mục tiêu vào năm 2023 mà FPT Retail từng đặt ra.
|
Chuỗi hệ thống bán lẻ dược phẩm thắng lớn nhờ các mặt hàng chống dịch covid 19 Ảnh minh họa |
Tương tự, chuỗi nhà thuốc An Khang, công ty liên kết của Công ty cổ phần Thế giới di động đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh về doanh thu. Tính tới cuối tháng 7, hệ thống nhà thuốc này đã đạt con số 118 cửa hàng. Doanh thu tháng 7 tăng gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 7 tháng đầu năm 2021 bằng xấp xỉ 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Từ năm 2020, Thế giới di động bắt đầu đầu tư vào mảng bán lẻ dược phẩm với chuỗi nhà thuốc An Khang. Việc mở chuỗi bán lẻ dược phẩm, bán lẻ thực phẩm (Bách Hóa Xanh) là hướng đi mới cho bài toán tăng trưởng của Thế giới di động khi mảng bán lẻ thiết bị công nghệ và điện máy dần đi vào bão hòa.
Dù doanh thu tăng trưởng nhanh, nhưng do vẫn trong giai đoạn đầu tư, chuỗi nhà thuốc An Khang chưa đem lại lợi nhuận cho Thế giới di động. Thậm chí, MWG đang phải bù lỗ ở công ty liên kết này với khoản tiền gần 15,7 tỷ đồng tính đến 30/6/2021.
Cụ thể, Công ty cổ phần Thế giới di động đã chi khoản tiền hơn 62 tỷ đồng để đầu tư vào công ty liên kết là Công ty cổ phần Bán lẻ An Khang. Tính đến 30/6/2021, khoản đầu tư này có giá trị còn 46,3 tỷ đồng.
Ngành Dược Việt Nam hiện nay đang phát triển với tốc độ nhanh, các doanh nghiệp chú trọng vào đầu tư nâng cấp nhà máy, với những hứa hẹn tạo ra những bước tiến mới cho sản phẩm dược trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.
Chưa kể đến mối đe dọa bệnh tật như COVID-19, Việt Nam vẫn được ghi nhận là thị trường dược phẩm đầy tiềm năng. Với hàng nghìn tỷ đồng được nhà nước đã và đang huy động đầu tư nâng cao chất lượng y tế. Theo thống kê của Cục Quản lý Dược Việt Nam, ngành sẽ tăng trưởng tiếp tục hai con số trong vòng 5 năm tới và đạt 7,7 tỷ USD vào 2021 và đạt 16,1 tỷ USD năm 2026 (theo IBM), với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam
Nhìn chung, ngành dược Việt Nam 2021 còn rất nhiều tiềm năng phát triển, xong các doanh nghiệp trong ngành dược vẫn cần xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, tăng cường công tác quản trị rủi ro đặc biệt là công tác dự trữ nguyên liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và kinh doanh, nhằm đạt được mục tiêu phát triển của từng doanh nghiệp cũng như xu hướng phát triển của ngành và hội nhập kinh tế toàn cầu.
Mai Lê