Trại rắn hổ mang cực độc, lên tới hàng nghìn con của anh Phan Thanh Bình (37 tuổi), ở ấp Mỹ Lợi C, xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng - được xem là trại rắn lớn nhất miền Tây.
Anh Bình kể, trước đây anh là thương lái chuyên đi buôn bán động vật. Năm 2015, anh chuyển sang nuôi rắn hổ mang. Do chưa có kinh nghiệm, anh chỉ dám nuôi 70 con rắn hổ mang giống.
Những ngày đầu, rắn anh nuôi chết rất nhiều. Sau thời gian tìm tòi, học hỏi, anh Bình đã thuần thục kỹ thuật nuôi rắn, cũng như hiểu rất rõ đặc tính của loài cực độc này.
“5 ngày thì tôi cho rắn ăn một lần, thức ăn là vịt con. Chuồng nuôi cũng phải phân ra nhiều loại như chuồng nuôi rắn bố mẹ, chuồng rắn con”, anh Bình kể.
|
Anh Phan Thanh Bình - chủ nhân trang trại rắn lớn nhất miền Tây |
|
Rắn hổ mang bố, mẹ trong trang trại của anh Bình |
Anh Bình cho hay, chuồng nuôi nhốt rắn hổ mang được xây bằng gạch kiên cố, có lưới và khóa cẩn thận để tránh rắn bò ra ngoài. Nơi rắn ở phải khô ráo, thoáng mát, không bị dột nước, đảm bảo nhiệt độ ổn định 30-32 độ C.
Hiện anh Bình có khoảng 1.000 con rắn hổ mang bố mẹ, trung bình mỗi con nặng từ 2-3kg. Ngoài ra, anh còn nuôi hàng nghìn con giống và rắn thương phẩm.
Đối với anh Bình, việc chăm sóc, cho ăn, phối giống cả nghìn con rắn hổ mang cực độc là công việc thường ngày.
Theo anh Bình, rắn hổ mang nuôi khoảng hơn 1 năm có thể ghép cặp sinh sản. Rắn giao phối mỗi năm một lần, thời điểm giao phối bắt đầu từ tháng 11 âm lịch. Một con rắn cái có thể đẻ 25 trứng. Mỗi đợt rắn đẻ, anh Bình sẽ thu gom lại rồi ấp trong môi trường nhân tạo 60 ngày thì trứng nở, tỷ lệ nở đạt 90-95%.
Anh Bình đang bán rắn giống với giá từ 150.000 đến 350.000 đồng/con, tùy theo kích cỡ. Còn rắn thịt từ 600.000-700.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Năm qua, do dịch bệnh nên rắn bán chậm và giá thấp hơn so với những năm trước.
Ngoài bán rắn giống, anh còn hỗ trợ kỹ thuật nuôi, cách xây chuồng trại cho bà con, đồng thời bao tiêu đầu ra. Mỗi năm, anh Bình thu về từ việc bán rắn giống và thịt khoảng 1 tỷ đồng.
Hình ảnh ớn lạnh trong trại rắn của anh Bình:
|
Những khi bắt rắn hổ mang để phối giống, đổi chuồng, anh Bình chỉ dùng tay và gậy sắt có móc mà không cần đồ bảo hộ |
|
Con rắn hổ mang bò ngay dưới chân anh Bình |
|
Hàng nghìn trứng rắn hổ mang được anh Bình gom lại rồi ấp trong môi trường nhân tạo |
|
Sau 60 ngày ấp trứng thì rắn con nở
|
|
Trang trại rắn hổ mang của anh Bình ở Sóc Trăng |
Theo Thiện Chí / Vietnamnet