Nuôi tôm mùa đông, “Lão khùng” thành tỉ phú

Google News

Nhìn hàng chục hồ tôm rộng mênh mông trên vùng cát bạc, ít ai biết ông Cường đã phải lân đận với con tôm suốt hơn 20 năm qua.

Bỏ giám đốc làm nông dân
Tỉ mỉ kiểm tra những con tôm 20 ngày mới xuống giống, ông Nguyễn Cường (54 tuổi, trú xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) - nói rằng, đây là giai đoạn quan trọng nhất của một lứa tôm, nên ông luôn phải theo dõi, kiểm tra mỗi ngày. Nhìn hàng chục hồ tôm rộng mênh mông trên vùng cát bạc, ít ai biết ông Cường đã phải lân đận với con tôm suốt hơn 20 năm qua. Có lúc, tưởng chừng như ông đã bỏ cuộc vì đứt vốn, trắng tay…
Nuoi tom mua dong, “Lao khung” thanh ti phu
Trang trại nuôi tôm công nghệ cao nằm giáp biển của ông Cường - Ảnh: Phan Ngọc 
Năm 2002, khi đang là một ông chủ trong ngành xây dựng, ông Cường quyết định nhận hơn 1ha để nuôi tôm. “Lúc đó làm gì đã có kinh nghiệm hay kỹ thuật gì, tự nhiên thấy thích nên tôi nuôi thử thôi. Lúc đó, tôi nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh, nhưng chịu nhiều tác động của thời tiết, nên năng suất không cao, lợi nhuận rất thấp” - ông Cường kể.
Không nản chí, ông Cường vừa làm xây dựng, vừa tranh thủ thời gian đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi hải sản. Sau khi đã tích luỹ đủ kinh nghiệm, ông quyết định giải thể công ty xây dựng để về quê tập trung nuôi tôm. Ông bảo rằng, nuôi tôm có thể “làm giàu nhanh, nhưng cũng nhanh vỡ nợ”, song nếu nắm vững kiến thức thì con người hoàn toàn có thể khống chế được dịch bệnh.
Từ vùng cát bạc hoang hóa ven biển, ông dốc vốn cải tạo thành ao, hồ để nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng. Tháng 9/2009, ông Cường quyết định xuống 30 vạn con tôm giống dù được nhiều người khuyên can. Bởi lúc này trời đã sắp vào đông, cả Nghệ An thời điểm đó cũng chưa ai nghĩ đến việc nuôi tôm mùa lạnh. “Trời lạnh tôm chậm lớn nên lúc đó đã có ai nuôi tôm vụ đông đâu. Nhưng không ngờ vụ đó tôi lãi to, gần 500 triệu đồng” - ông Cường kể.
Nuoi tom mua dong, “Lao khung” thanh ti phu-Hinh-2
Ông Cường tỉ mỉ kiểm tra tôm mỗi ngày - Ảnh: Phan Ngọc 
Liên tiếp những năm sau đó, ông Cường liên tục trúng đậm, thu về tiền tỉ mỗi năm nhờ nuôi tôm vụ đông. Ông bảo rằng, mùa đông lạnh, tôm ăn ít nên cần hạn chế cho tôm ăn, tránh thức ăn dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước. Nhiều người dân trong vùng sau đó đến học hỏi kinh nghiệm, ông Cường sẵn sàng chia sẻ để cùng nhau “phủ kín” những hồ nuôi tôm trong mùa đông giá lạnh.
Nhưng con tôm thẻ cũng không phải “dễ ăn”. Do vẫn còn nuôi theo phương pháp truyền thống, nguồn nước không đảm bảo, không ít lần tôm chết trắng hồ khiến mọi công sức của ông Cường đổ bể. Năm 2016, dịch bệnh hoành hành, 1ha tôm thẻ đã đạt trọng lượng 50 con/kg thì nhiễm bệnh, chết nổi trắng đầm. Những hồ khác tôm không chết lại rớt giá nặng vì Trung Quốc dừng thu mua khiến ông Cường thua lỗ nặng.
“Lão khùng” thành tỉ phú
Dịch bệnh trên tôm tràn lan, thị trường lại khó tiêu thụ khiến nhiều người nuôi tôm chán nản, bỏ cuộc. Song ông Cường xác định “ngã ở đâu đứng lên ở đó”, tiếp tục vay mượn đầu tư vào con tôm. “Nghĩ lại đó lại là cơ hội để tôi có cơ ngơi như hôm nay. Người dân chán nản, bỏ không hồ nên tôi mua lại, cải tạo ao hồ, làm khu xử lý để nuôi tôm” - ông Cường nói.
Nuoi tom mua dong, “Lao khung” thanh ti phu-Hinh-3
 
Nuoi tom mua dong, “Lao khung” thanh ti phu-Hinh-4
 Với hệ thống mái che hiện đại, ông Cường dễ dàng kiểm soát nhiệt độ cho các hồ tôm của mình - Ảnh: Phan Ngọc
Để hạn chế dịch bệnh cho tôm, ông dành gần hàng ngàn mét vuông đất để làm hệ thống xử lý nước biển. “Thấy tôi dành mấy hồ tôm cả tỉ đồng mới mua chỉ để làm khu vực xử lý nước từ biển vào, nhiều người bảo tôi khùng, ném tiền xuống biển” - ông Cường nhớ lại. Bỏ ngoài tai lời dị nghị của người dân địa phương, ông tiếp tục xuống giống và liên tiếp thành công, thu về bạc tỉ mỗi năm.
Năm 2022, ông Cường dốc toàn bộ vốn liếng 20 năm nuôi tôm tích góp được để cải tạo toàn bộ 6ha nuôi tôm, chuyển từ nuôi tôm trên ao lót bạt sang nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao. Theo ông, với khí hậu khắc nghiệt ở Nghệ An, nếu tiếp tục nuôi tôm truyền thống sẽ rất khó kiểm soát được chỉ số môi trường, nhiệt độ… dễ gặp rủi ro.
“Khi ứng dụng công nghệ cao vào ao nuôi tôm khép kín, có mái che tự động điều hòa nhiệt độ, tôi đã nuôi được 4 vụ/năm. Nhờ vậy, tôi có thể thâm canh gối vụ nên trong đầm lúc nào cũng có tôm để bán, không rơi vào tình trạng được mùa mất giá như trước đây” - ông Cường nói.
Năm 2023, trang trại tôm của ông Cường xuất bán gần 100 tấn tôm, thu về 25 tỉ đồng. Hiện trang trại của ông Cường cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương 8-10 triệu đồng/tháng; và hàng chục lao động thời vụ. Năm 2024, ông Cường là đại diện duy nhất của Nghệ An được tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Nói về dự định của mình, lão nông này cho hay đang nỗ lực để đưa con tôm của mình vào chuỗi các siêu thị, cửa hàng sạch. Đồng thời sẽ cải tạo cảnh quan để nuôi tôm theo hướng du lịch, đón khách vào tham quan, trải nghiệm bắt tôm thưởng thức tại hồ tôm.
Theo Phan Ngọc/ Báo Phụ nữ