Nước sông Đà “ngỏm”... có thể dùng nước sạch sông Đuống của Shark Liên "phục vụ" dân Hà Nội?

Google News

(Kiến Thức) - Công suất nhà máy Nước mặt Sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne hiện nay là 300.000 m3 nước/ngày, ngang bằng Nhà máy nước sạch sông Đà. Khi nước sông Đà tạm dừng kéo dài, nhà máy nước sông Đuống - Shark Liên có cơ hội thay thế, phục vụ dân Hà Nội?

Trước khi sự cố nước sạch Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà -Viwasupco chứa thành phần dầu thải xảy ra, ngày 5/9 vừa qua, Tập đoàn AquaOne khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống. Đây là dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc (300.000 m3 ngày/đêm) phân kỳ 2 của giai đoạn 1.
Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư 2869/QĐ-UBND của Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 03/6/2016.
Nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.
Với công suất này, nhà máy đảm bảo cung cấp nước sạch cho khoảng 3 triệu người – chiếm 1/3 dân số Hà Nội và một số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.
Nuoc song Da “ngom”... co the dung nuoc sach song Duong cua Shark Lien
 Nhà  máy Nước mặt Sông Đuống. 
Trên thực tế, từ khi đưa vào vận hành phân kỳ 1, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống của Shark Liên đã cung cấp nước sạch sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm và khu vực phía Nam TP bao gồm: quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, huyện Thanh Trì.
Đặc biệt, nước sạch sinh hoạt đã tới được các khu vực khó khăn cuối nguồn nước như Xa La tại quận Hà Đông, một số xã của huyện Thanh Trì dọc trên đường Quốc lộ 70 thông qua các Công ty cấp nước phân phối trên địa bàn Hà Nội như Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty CP VIWACO, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông… Trong đó, có những điểm thay thế chủ lực việc sử dụng nguồn nước ngầm ô nhiễm nặng như hệ thống giếng ngầm của các nhà máy nước phía Nam tại nút Pháp Vân.
Nhà máy cũng cấp nước sạch cho một số vùng trước đây chưa có mạng lưới nước sạch phải sử dụng nước tự khoan như địa bàn các xã Trung Màu, Văn Đức huyện Gia Lâm, và đang tiếp tục lắp đặt mạng phân phối cho các xã Dục Tú, Mai Lâm huyện Đông Anh. Phạm vi này đã và đang tiếp tục được mở rộng thêm.
Tiếp đó, khi khánh thành phân kỳ 2, Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ tiếp tục bổ sung cung cấp nước sạch cho các quận nội thành, khu vực trung tâm của thành phố Hà Nội; cung cấp nước sạch cho một số vùng bổ sung thuộc ngoại thành TP như huyện Ứng Hòa, Thanh Oai và khu vực phía Nam các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, các khu vực còn lại của huyện Đông Anh, Sóc Sơn…Bên cạnh đó, nhà máy còn bổ sung nước cho các xã thuộc huyện Văn Giang – Hưng Yên, Khu đô thị EcoPark, thị xã Từ Sơn, Khu đô thị công nghiệp VSIP (Bắc Ninh)…
Mới đây, dư luận vô cùng bức xúc, khi nguồn nước sinh hoạt Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà -Viwasupco cung cấp có hàng vạn hộ dân trên địa bàn TP Hà Nội chứa thành phần dầu thải với hàm lượng cao hơn so với quy chuẩn từ 1,3 đến 3,65 lần.
Đáng chú ý, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và thông cáo của UBND TP Hà Nội cho biết, tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm. Chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy).
Tuy nhiên, một số cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) phát hiện việc này từ sáng ngày 8/10/2019, nhưng không có bất cứ thông tin nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, Viwasupco cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định mà cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.
Dư luận càng bức xúc hơn bởi Tổng giám đốc Viwasupco Nguyễn Văn Tốn thể hiện sự thiếu trách nhiệm khi nước nhiễm hóa chất từ dầu thải vẫn khẳng định mùi vị nước tại nhà máy vẫn bình thường. Khi phóng viên liên tục chất vấn, đề nghị ông Tốn có nói lời xin lỗi với hàng vạn hộ dân là khách hàng dùng nước của công ty ở Hà Nội hay không, vị Tổng giám đốc này xin lỗi cho có và nói, công ty cũng rút kinh nghiệm trước những phản ánh của khách hang và nói rằng, người dân cũng phải thông cảm. Thậm chí, khi trả lời câu hỏi về việc xử lý hóa chất styren trong nước, ông Tốn cho biết không dám đưa ra lời khẳng định có xử lý được hay không vì đây là lần đầu tiên công ty đối mặt với sự việc này.
Hậu quả của vụ việc khiến hàng vạn người dân khu vực Tây Nam Hà Nội phải sử dụng nước được cung cấp từ các xe téc lưu động trong khi Công ty nước sạch sông Đà xử lý sự cố, khiến sự bức xúc ngày càng lên cao.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo vụ việc trên, trong đó, yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. 
Tâm Đức