Nông dân Tứ Xã khóc vì cà chua: Hội Nông dân tỉnh đứng ngoài cuộc?

Google News

Dự án cây cà chua lai F1- HT109 được Trung ương Hội Nông dân triển khai thí điểm ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao. Hiện, 2ha cà chua đã chín đỏ đồng song không thể tiêu thụ và số tiền mà Hội Nông dân “hứa” sẽ hỗ trợ cho 26 hộ dân vẫn như “bóng chim, tăm cá”…

Không ai có thể kiên nhẫn bằng nông dân!
Giữa ngày mưa sùi sụt, vợ chồng ông bà Tích- Khanh ở khu 10, xã Tứ Xã vẫn ra đồng. Vừa dỡ bỏ những thân nứa làm giàn đỡ cây, ông Tích vừa giãi bày: Nhổ bỏ 3 sào cà chua đang thu hoạch tôi cũng xót lắm chứ, “của một đồng,công một nén” mà.
Nhưng giờ cứ để cà chua chín thối trên cây, ruộng đồng thì đầy cỏ dại trong khi gia đình làm nông nghiệp đều trông cả vào tấc đất thì lãng phí quá. Sáng nay tôi quyết định nhổ bỏ cà chua để chuyển sang trồng dưa lê chứ không ngồi đợi tiền hỗ trợ nữa! Nhìn ánh mắt tiếc nuối của ông Tích thấy rất rõ niềm tin của người dân đã bị mất đi khi dự án “mang con bỏ chợ”!
Quả cà chua lai F1 - HT109 bị nứt nẻ khi dính nước mưa nên khó tiêu thụ 
Theo bà Hoàng Thị Liên Liễu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tứ Xã thì cuối năm 2017, Trung ương Hội Nông dân triển khai dự án cây cà chua lai F1- HT109 tại Phú Thọ. Hội nông dân tỉnh lựa chọn huyện Lâm Thao và huyện chọn các khu 6, 10, 11 và 12 của Tứ Xã làm nơi trồng thử nghiệm trước khi nhân ra diện rộng. 26 gia đình tham gia dự án đã được tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ. Nhà nhiều nhất 5 sào, nhà ít cũng 2 sào. Giống đưa về được nông dân trồng ngay trên đồng đất Tứ Xã, nơi lý tưởng cho cây cà chua phát triển.
Theo báo cáo đề tài khoa học, cà chua lai F1- HT109 nhiều hoa, sai quả, nhanh cho thu hoạch, thu quả kéo dài 45 - 55 ngày. Quả chín không bị nứt nên thuận lợi cho vận chuyển tiêu thụ xa. Năng suất trung bình 55 - 60 tấn/ha. Thâm canh tốt có thể đạt 65 tấn/ha. Thế nhưng trên thực tế, chỉ sau 2 tháng trồng, giống cà chua này đã bộc lộ những hạn chế về khả năng chống chịu bệnh dù các hộ dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Cà chua khi chín thì không đều, sượng, khả năng chống chọi với thời tiết kém và dễ bị dập nát nên thương lái không mặn mà.
Là hộ tham gia 5 sào cà chua dự án, ông Nguyễn Trung Thành- Trưởng khu 12 đồng thời là chi hội trưởng nông dân khu bức xúc: Khi triển khai dự án, Trung ương Hội nông dân có kế hoạch hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ 50% chi phí kỹ thuật cho các hộ, ngoài ra sẽ bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Thế nhưng, sau khi hỗ trợ giống cây thì bỏ mặc cho nông dân tự xoay sở.
 
Theo các hộ dân, nguyên nhân dẫn đến cà chua F1 không được thị trường đón nhận và thương lái không thu mua phụ thuộc nhiều vào chất lượng giống. Bởi cùng thời điểm, cùng công chăm sóc, cùng kỹ thuật song cây cà chua truyền thống vẫn phát triển tốt, năng suất cao và chất lượng quả đảm bảo nên được thương lái lựa chọn. Trong khi đó, năm đầu thí điểm trồng cà chua lai F1- HT109 trên diện tích khá rộng, lúc thu hoạch ồ ạt, thị trường không tiêu thụ hết, giá rẻ…Cộng thêm với việc triển khai muộn, thời tiết thất thường nên cà chua ra hoa đúng lúc gặp sương, trổ quả lúc mưa nhiều nên không đảm bảo về số lượng, chất lượng như dự tính.
Đến nay, 26 hộ dân bị thiệt hại chưa nhận được hỗ trợ như phía Trung ương Hội Nông dân đã hứa. Hiện nhiều gia đình buộc phải nhổ bỏ cà chua để trồng thay thế cây mới. Trưởng chi hội nông dân khu 10- ông Nguyễn Văn Tích cho biết thêm: Mỗi sào cà chua, người nông dân phải đầu tư hơn ba triệu đồng, bỏ công chăm sóc, bón phân, bây giờ, cà chua trồng không bán được, thiệt hại tính ra cả chục triệu đồng. Vừa rồi, tôi đã thay mặt các gia đình chở một bao tải cà chua lên huyện để kiến nghị song đại diện Hội Nông dân huyện cũng phân trần rằng dự án do Trung ương Hội triển khai, huyện cũng đã báo cáo về Trung ương Hội để tìm hướng khắc phục thiệt hại cho nông dân. Vì thế bà con hãy kiên nhẫn chờ đợi! Và quả thực, không ai có thể nhẫn nại chờ đợi bền bỉ như những người nông dân ở Tứ Xã!
Khi niềm tin bị mất?
Trên địa bàn tỉnh, đã có rất nhiều dự án sản xuất nông nghiệp bị “phá sản” khiến nông dân rơi vào cảnh lao đao, khốn đốn như cây ớt, cây nghệ, cây ngô…Hôm nay, dự án cây cà chua lai F1-HT109 ở Tứ Xã lại tiếp tục ghi tên vào danh sách những dự án bị “đổ bể”.
Theo báo cáo của Hội Nông dân huyện Lâm Thao thì Dự án cây cà chua lai F1- HT109 có được trên cơ sở phối hợp giữa Trung tâm nghiên cứu nông vận của Trung ương Hội Nông dân với Hội nông dân tỉnh Phú Thọ kéo dài trong 3 năm từ 2017 đến 2019. Trao đổi vấn đề này, ban đầu bà Hà Thị Hương- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định dự án khá hiệu quả nhưng sau khi phóng viên đưa ra bằng chứng và đề nghị bà kiểm tra lại thông tin thì bà Hương “phủi” trách nhiệm: Dự án là của Trung ương Hội Nông dân chứ không phải của Hội Nông dân tỉnh và nông dân Tứ Xã tự nguyện tham gia chứ không bị áp đặt!
Về câu chuyện nông dân tự nguyện tham gia thì ông Nguyễn Trung Thành- Trưởng khu 12 thông tin: “Ban đầu, các hộ dân còn lưỡng lự, sau thông qua các buổi họp tuyên truyền, cam kết hỗ trợ giống, kinh phí, bao tiêu sản phẩm và được triển khai thông qua Hội nông dân tỉnh nên người dân mới yên tâm và nhận lời. Ngay cả việc nói là hỗ trợ giống nhưng thực tế những hộ tham gia vẫn phải bỏ ra 30.000 đồng/sào thuê cán bộ khuyến nông ươm cây rồi phát cho chúng tôi trồng, có ai phàn nàn gì đâu. Chúng tôi cũng hiểu là Hội Nông dân muốn tạo giống mới cho nông dân để nâng cao thu nhập nhưng điều bà con cảm thấy bất bình chính là sự thờ ơ, thiếu quan tâm tới dự án. Vô hình chung đặt nông dân trước tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”!
 Do chất lượng quả không đảm bảo, thương lái không mặn mà nên nông dân "để mặc" ruộng cà chua đầy cỏ dại
Chị Bùi Thị Thìn , Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tứ Xã cung cấp thêm: Chính vì tin tưởng Hội cấp trên nên từ bí thư chi bộ, trưởng khu hành chính đến trưởng các chi hội nông dân, phụ nữ, đảng viên đều gương mẫu đi đầu tham gia dự án. Ban đầu có thấy cán bộ của dự án về thăm đồng, kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của cây. Nhưng đến khi cây đỗ quả, ra nông nỗi này, chúng tôi mong ngóng cán bộ Hội nông dân về tìm hướng khắc phục cho bà con, nhưng càng trông càng mất hút. Có những hộ buộc phá bỏ cà chua đang thì chín rộ để trồng cây khác. Một số hộ “lì” hơn, để ruộng cà chua héo rũ mong chờ hỗ trợ!
Tại Đại hội Hội Nông dân huyện Lâm Thao tháng 3 vừa qua, trong báo cáo trình tại đại hội, dự án cây cà chua lai F1- HT109 ở Tứ Xã vẫn được đánh giá là hiệu quả, videoclip, pa-nô tuyên truyền về cây cà chua lai vẫn được treo trang trọng tại Đại hội. Liệu đây có phải là “bệnh thành tích” trong khi tại đồng đất Tứ Xã, người nông dân vừa khóc vừa hái quả để làm thức ăn cho bò?
Hội nông dân là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, là nơi tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh và đời sống. Đây chính là địa chỉ để người nông dân tin tưởng, gửi gắm và “dựa vào” song trong trường hợp cụ thể tại dự án cây cà chua thì dường như niềm tin của người nông dân đang bị “đánh cắp” bởi sự thờ ơ của các cấp hội trước những mất mát của người dân.
…Rời Tứ Xã, chúng tôi cứ bị ám ảnh bởi màu đỏ rực của cánh đồng cà chua đang độ chín cứ rụng dần cùng hình ảnh những người nông dân một nắng, hai sương vẫn đang cần mẫn cuốc cày, gửi niềm hy vọng vào mùa vụ mới. Giá như không có dự án cà chua giống mới kia thì có lẽ nụ cười vẫn thường trực trên môi của người nông dân Tứ Xã bởi bao mùa vụ nay họ vẫn sản xuất hiệu quả trên chính thửa ruộng của mình. Giờ đây, không chỉ 26 hộ dân mà dư luận rất cần một câu trả lời của tổ chức do nông dân bầu ra.
Theo báo Phú Thọ