Trong tháng Giêng, mọi người vẫn còn tâm lý “du xuân lễ hội” và đi ăn hàng quán bên ngoài nhiều hơn nấu cơm ở nhà. Nắm bắt cơ hội này, nhiều hộ kinh doanh hàng ăn, quán giải khát “mọc lên như nấm” tại các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, các di tích lịch sử, chùa, miếu, đình…, bất chấp những cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm.
Nguy cơ hiện hữu
Những ngày đầu năm mới, khu Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia Chùa Linh Sơn Cổ Tự (phường 2, TP Vũng Tàu) luôn tấp nập du khách đến lễ, cầu may, du xuân. Khu vực phía ngoài di tích, hàng quán mọc lên như nấm, từ những quán khang trang đến những gánh hàng rong tạm bợ. Đặc điểm chung của những quán ăn ở khu vực này là thực phẩm không được che đậy hay bảo quản kỹ càng, tất cả đều được “phơi” ra để mời gọi du khách.
Mục sở thị một quán bún ốc nằm cạnh Chùa Linh Sơn Cổ Tự, phóng viên nhận thấy, cơ sở không bảo quản thực phẩm tươi sống trong tủ chuyên dụng. Tại khu vực vệ sinh, rau xanh, củ quả để dưới đất; hàng trăm chiếc bát, đũa, thìa chưa rửa... Ở khu vực bàn ăn, thực khách “vô tư” xả thức ăn thừa, giấy ăn xuống nền đất, do quán không bố trí thùng rác tiện dụng.
|
Bốc đồ ăn cho khách bằng tay trần. |
Còn tại các khu vực gần chùa Ngọc Hoàng (quận 1, TP HCM) xuất hiện nhiều quán ăn vặt bán rong hai bên đường như kẹo bông, bò bía, bánh tráng trộn, bánh mì… bày bán ngay trên vỉa hè, trước cổng chùa…
Cá biệt, một số người bán hàng không đeo găng tay khi lấy đồ ăn, vừa bốc thực phẩm sống để chế biến món ăn, vừa bốc thực phẩm chín cho khách, xong quay qua cầm tiền và thối tiền thừa cho khách,... có rất nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chị Trần Thị Bích Vân (quận 6, TP HCM) chia sẻ: “Sau tết thường là mùa lễ hội nên các dịch vụ kinh doanh ăn theo rất nhiều. Để bảo đảm sức khỏe cho mình, tôi nghĩ, mọi người khi ra ngoài không nên sử dụng thực phẩm ở những hàng quán tạm bợ, không có tủ kính, người chế biến thực phẩm không đeo găng tay. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm trước hết phải đến từ chính bản thân mỗi người tiêu dùng”.
Tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), những thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm, dầu như thịt, hải sản, sữa rất dễ bị ôi thiu, chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản là vi khuẩn phát triển. Bởi vậy, ý thức của người bán cần được nâng cao để tránh cho du khách các nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Hơn nữa, để loại bỏ hàm lượng độc tố, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư bám trên rau cần phải rửa sạch nhiều lần dưới dòng nước chảy. Thế nhưng, tại các quán ăn tự phát, mang tính thời vụ, số lượng rau sử dụng lớn, nguồn nước lại hạn chế nên hầu hết chỉ rửa qua loa. Do đó, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.
|
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Minh họa |
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (tính từ ngày 8/2 đến 14/2), cả nước ghi nhận tổng số 616 ca khám, cấp cứu ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa; trong đó có 314 ca nhập viện theo dõi điều trị.
Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm mùa lễ hội xuân năm 2024, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức, triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.
Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng, an toàn sản phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm, việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện sản xuất thực phẩm và quảng cáo thực phẩm.
Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chuyển cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng, tái diễn. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.
Thiên Bảo