Lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra, kiểm soát thị trường thực phẩm. Ảnh: TCQLTT.
Đến hẹn lại lên, mỗi dịp cuối năm, nhu cầu về tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng vọt. Đây cũng là thời điểm các gian thương hoạt động rầm rộ nhất trong năm.
Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, luồn lách, các đối tượng tìm mọi cách để buôn bán thực phẩm bẩn vào thị trường nội địa. Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng cũng liên tục phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.
Người tiêu dùng nên chọn những mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ám ảnh thực phẩm bẩn
Ngày 14/12, Đội 5 - Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 9 - Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã phát hiện một vụ vận chuyển gần 2 tấn nội tạng động vật bẩn đang trên đường di chuyển đi tiêu thụ tới các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn Hà Nội.
Đáng nói, gần 2 tấn nội tạng động vật bao gồm nầm lợn và trứng non đông lạnh đang trong quá trình phân hủy, không đủ điều kiện làm thực phẩm cho người. Những dấu vết ở bên ngoài thùng xốp cho thấy, toàn bộ số nầm lợn, trứng non đông lạnh này có xuất xứ từ nước ngoài. Theo đại diện Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội), nếu không được phát hiện kịp thời, số nội tạng động vật này có thể sẽ được tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng tại địa bàn thành phố.
Lực lượng chức năng tại Hà Nội thu giữ rượu không rõ nguồn gốc.
Tương tự, ngày 12/12, Đội QLTT số 7 (Cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh rượu thủ công tại Khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì). Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang cất giữ 510 lít rượu thủ công không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa trên. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó không lâu, Phòng 6, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an phối hợp với Đội QLTT số 17, Cục QLTT TP Hà Nội đã phát hiện, triệt phá một kho hàng thực phẩm đông lạnh với quy mô lên tới hơn 90 tấn hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại địa bàn huyện Mê Linh, TP Hà Nội.
Các sản phẩm này đều có xuất xứ từ nước ngoài và trong tình trạng "3 không": Không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định. Do đó, không đủ điều kiện bán ra thị trường. Nhìn bằng mắt thường, khó phát hiện ra đây là thực phẩm bẩn nhưng trên tem mác cho thấy nhiều sản phẩm đã hết hạn sử dụng từ 1 đến gần 2 năm...
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Mặc dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt ngăn chặn triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến hành vi sản xuất, mua bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn... nhưng vì lợi nhuận, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vẫn đang âm thầm “tuồn” thực phẩm bẩn len lỏi ra thị trường và đi vào bữa ăn của nhiều gia đình.
Gần 2 tấn nội tạng động vật đang trong quá trình phân hủy bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lí.
Lực lượng chức năng cho biết, hoạt động buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ thực phẩm đông lạnh, thực phẩm bẩn có nguồn gốc từ bên kia biên giới diễn ra phức tạp, nhất là vào những thời điểm cuối năm, khi nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao. Trước sự truy quét của các cơ quan chức năng, hoạt động vi phạm của các đối tượng ngày càng kín kẽ với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Theo kế hoạch, lực lượng chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn. Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Theo đó, các đối tượng thường xuyên thay đổi biển số xe, quy luật về cung đường, thời gian hoạt động… để vận chuyển hàng hóa về tiêu thụ, qua mắt lực lượng chức năng. Nếu không được kịp thời phát hiện, xử lý, bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn về thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) cho biết, thời điểm cuối năm cũng là lúc lực lượng QLTT phải “căng mình” trong công tác quản lý, giám sát và kiểm tra, xử lý, ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc vào thị trường.
Hiện tại, Tổng cục QLTT cũng đang thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, an toàn thực phẩm những tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
“Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh,... Đồng thời, yêu cầu xử lý nghiêm đối với thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn thường có chiều hướng gia tăng trong dịp cuối năm, lễ, tết” - ông Linh cho biết.
Cùng với đó, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cũng khuyến cáo người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên chọn những mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không ham rẻ mà dễ bị mua phải những thực phẩm bẩn trà trộn, có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình.
Trả lời Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, hàng năm, dịp cận Tết là thời điểm hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm lại nhức nhối. Lợi dụng sức mua lớn, các đối tượng thương nhân bất chính tuồn “hàng bẩn”, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm vào thị trường.
“Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời phải có chế tài xử phạt nghiêm để đủ sức răn đe. Thậm chí có thể nâng mức xử lý hình sự đối với hành vi này chứ không dừng ở việc xử phạt hành chính. Bởi sức khỏe con người là vô cùng quan trọng. Việc xử lý cũng cần được công bố công khai rộng rãi…” - ông Long nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, định hướng, lựa chọn kỹ lưỡng hàng hóa, thực phẩm an toàn. Nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc, bán trôi nổi trên thị trường. Ngoài ra, mỗi người cũng cần phát huy vai trò giám sát các cơ sở, người chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh thực phẩm và nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
Cần có sự vào cuộc quyết liệt
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), để ngăn chặn tận gốc tình trạng thực phẩm bẩn, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng, đặc biệt cần đẩy mạnh sự phối hợp hoạt động chặt chẽ của 2 cơ quan là Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Ngoài ra, các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng cũng cần thông tin, phản ánh kịp thời, khuyến cáo người dân trong việc lựa chọn thực phẩm cuối năm giữa “ma trận” hàng bẩn, hàng kém chất lượng…
Theo H.Chiến - Q. Thành/ Đại Đoàn Kết