Những căn hộ "quan tài"
Trong thời gian chờ chính quyền cấp nhà ở xã hội, hơn 200.000 người Hong Kong (Trung Quốc) buộc phải thuê nhà với giá cắt cổ cho không gian sống tí hon.
Theo SCMP, cuối tháng 3, đã có gần 153.300 người nộp đơn chờ được thuê nhà ở xã hội với thời gian chờ đợi trung bình là 5,8 năm - lâu nhất trong 22 năm qua và gần gấp đôi thời gian cam kết dịch vụ chỉ 3 năm của Cơ quan Nhà ở.
Cho tới khi có được căn hộ nhà ở xã hội cho riêng mình, hầu hết từ lao động trẻ đến những người lớn tuổi chưa có nhà riêng phải bỏ ra hàng trăm, hàng nghìn HKD mỗi tháng cho những ngôi nhà "quan tài".
1 ngôi nhà "quan tài" không đủ chiều dài để 1 người trưởng thành nằm thoải mái. Để có được căn hộ này, người thuê cũng mất hàng trăm HKD/tháng.
Sở dĩ gọi là nhà "quan tài" vì những căn hộ như vậy có diện tích vỏn vẹn từ 9-13m2. Ở khu vực Tai Wo Hau, 1 căn hộ 11m2, có giá thuê lên tới hơn 800 USD/tháng cùng 90 USD cho các dịch vụ đính kèm.
Theo Internations, năm 2021, giá thuê nhà bình quân tại quận Kowloon - nơi có mật độ dân số cao nhất Hong Kong (Trung Quốc) là từ 1.500-2.500 USD/tháng cho một căn hộ khoảng 10-15 m2. Những căn hộ rộng hơn có giá thuê lên tới 3.800 USD.
Các gia đình cố gắng chung sống trong căn hộ siêu nhỏ cho tới khi chờ được cấp nhà ở xã hội. (Ảnh: Tyrone Siu/Reuters).
Đây được coi là mặt trái của sự bùng nổ bất động sản ở Hong Kong (Trung Quốc), hàng trăm ngàn người không có đủ điều kiện phải sinh hoạt trong các căn hộ bị chia cắt, có những căn hộ dài không tớn 2m.
Theo số liệu từ năm 2020 của Worldometers, tổng dân số Hong Kong (Trung Quốc) hiện đạt gần 7,5 triệu người, trong khi diện tích tại đây chỉ 1.050 km2. Mật độ dân số ở đây cũng thuộc "hàng top" trên thế giới với 7.140 người/km2.
Những "chuồng nhà" siêu nhỏ ở Hong Kong (Trung Quốc) không đủ đáp ứng nhu cầu của người lao động. (Ảnh Cafe F)
Ước tính của SCMP, năm 2021, có khoảng 110.000 căn hộ siêu nhỏ trong các tòa nhà cũ nát trên toàn đặc khu. Chủ nhà tính phí rất cao cho những không gian nhỏ bé này đến nỗi nhiều người phải trả tiền thuê trên mỗi mét vuông cao hơn so với một căn hộ hạng sang.
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều lao động không có việc làm hoặc bị giảm lương, với mức thu nhập khoảng 1.000 USD/tháng, những người lao động lại phải đi tìm những căn nhà khác có giá rẻ hơn, dĩ nhiên diện tích lại còn nhỏ hơn nữa.
Những ngôi nhà chia nhỏ, nơi một số cư dân nghèo nhất của thành phố sinh sống, chỉ là một phần của vấn đề. Nguồn cung nhà ở tư nhân cũng khan hiếm và giá cao ngất ngưởng, khiến "nhà giàu cũng khóc".
"Nhà giàu cũng khóc"
Thật khó tin khi một người dân tại đất nước trù phú này phải chắt bóp chi tiêu trung bình tới 21 năm mới đủ tiền để mua một căn nhà theo đúng nghĩa.
Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng mặt khiến giá nhà ở Hong Kong (Trung Quốc) tăng nhanh chóng mặt. Người lao động trẻ càng cố gắng thì càng khó khăn khi mức chênh lệch giữa thu nhập và giá nhà quá lớn. Theo Nghiên cứu Khả năng Chi trả Nhà ở Quốc tế thường niên của Demographia năm 2021, Hong Kong (Trung Quốc) là thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới.
Giá bất động sản tại Hong Kong (Trung Quốc) khiến nhiều người giàu "phát khóc". Theo dữ liệu từ Cơ quan định giá Hong Kong (Trung Quốc), tháng 6 năm nay, một căn hộ 46m2 tại quận Hong Kong Island có giá khoảng bình quân 1,2 triệu USD, còn ở quận Kowloon và New Territories có giá lần lượt là hơn 1 triệu USD và 900.000 USD. Những căn hộ "nano" mini cũng có thể có giá tới 41.000 USD/m2. Thậm chí, tại đặc khu hành chính này, một căn hộ chỉ rộng 19m2 được chào bán với mức giá 4 triệu USD.
Căn hộ rộng 70m2 ở gần khu sầm uất Lan Quế Phường có giá lên tới 2 triệu USD (gần 46 tỷ đồng). Mức giá nhà đất tại xứ Cảng thơm đang ở mức cao kỷ lục trong vòng 14 năm qua.
Điều đáng nói, không phải có tiền là đã có thể mua được nhà. Khi mua bán và giao dịch, thông thường, người mua nhà phải nộp hồ sơ, chờ đến lượt mua. Trong trường hợp mua được, người đó cần đặt cọc trước 5% tổng giá trị hợp đồng khi hợp đồng mua bán được ký kết. Và khi đạt được thỏa thuận chính thức, người mua phải trả thêm 5% nữa.
Phần còn lại phải hoàn trả trong vòng 6 - 8 tuần sau đó. Ngoài chi phí "cứng" trên, trong giao dịch người mua phải trả thêm 0,1% tổng giá trị hợp đồng cho chi phí pháp lý và môi giới bất động sản.
Theo Min / Người đưa tin