Năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống, xã hội, trong đó có cả lĩnh vực bất động sản.
Dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia JLL - Công ty tư vấn, nghiên cứu thị trường bất động sản toàn cầu, năm 2021, thị trường bất động sản vẫn nhiều tiềm năng phát triển với 5 xu hướng sẽ góp phần định hình và dẫn dắt trong thời gian tới.
Đô thị trong đô thị
|
Ảnh minh họa. |
Khái niệm "đô thị trong đô thị" hay "bất động sản tích hợp", thường được dùng cho những dự án quy mô lớn. Thị trường bất động sản Việt Nam đang dần trưởng thành, người mua nhà ngày càng quan tâm hơn đến môi trường sống lành mạnh và bền vững để ‘an cư’ hơn là một không gian để ở đơn thuần, theo bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL nhận định. Các nhà phát triển vì vậy cũng bắt đầu tìm cách thu hút người mua bằng cách kiến tạo các khu dân cư được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, nhằm giúp cư dân tương lai tránh sự phiền toái gây ra bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng và cơ sở hạ tầng công cộng tụt hậu.
Chuyên gia JLL cho biết, điểm cộng của bất kỳ dự án quy mô lớn nào là khả năng cung cấp một loạt các loại nhà ở cho nhiều nhóm người mua tiềm năng khác nhau, từ đó tạo ra sự đa dạng trong thành phần dân cư.
Làm việc từ xa đã thay đổi ngành văn phòng
Tác động của COVID-19 khiến nhiều người phải làm việc tại nhà. Từ đó cho thấy nhiều loại công việc hoàn toàn có thể được thực hiện từ xa, thúc đẩy các công ty áp dụng những mô hình làm việc mới. Sự thay đổi đã được tiến hành ở nhiều doanh nghiệp, nhưng cũng giống như nhiều thứ khác, quá trình này đã tăng tốc nhờ COVID-19.
Ông Paul Fisher, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, cho biết: “Vào năm 2020, cuộc thử nghiệm mô hình làm việc tại nhà đã diễn ra trên toàn cầu và cho thấy việc tận dụng công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động hiệu quả”.
Thương mại điện tử thúc đẩy ngành hậu cần và kho bãi
Thương mại điện tử là một động lực lớn cho nhu cầu bất động sản hậu cần. Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.
Trong những năm gần đây, chuỗi cung ứng ngày càng tập trung phục vụ người tiêu dùng, tốc độ giao hàng đã luôn là một trong những yếu tố chính trong quyết định mua hàng. Với tình hình dịch bệnh bất ổn, ngaỳ càng nhiều khách hàng chọn cách đi chợ online, thúc đẩy nhu cầu kho trữ lạnh cho thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác.
Doanh nghiệp giữ hướng đi "xanh" và bền vững
Khi quỹ tài chính trở nên eo hẹp, các sáng kiến bảo vệ môi trường có lẽ là một trong những phần đầu tiên bị gạch bỏ trong kế hoạch phát triển của nhiều công ty.
Tuy nhiên, bất chấp những thời điểm khó khăn phía trước, các công ty và nhà đầu tư được kỳ vọng vẫn sẽ đưa ra những lựa chọn ‘xanh’, vì một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn ở phía trước.
Nhà đầu tư hướng về ngành y tế và chăm sóc sức khỏe
Năm 2021, sự quan tâm nhà đầu tư đang ngày càng tăng đối với các lĩnh vực quan trọng trong cuộc khủng hoảng y tế. Tài sản hậu cần, vốn đã là một trong những điểm nóng nhất trong những năm gần đây, sẽ tiếp tục nhận được sự phân bổ vốn gia tăng trong bối cảnh bùng nổ mua sắm trực tuyến. Trung tâm dữ liệu, bất động sản khoa học đời sống và nhà ở đa gia đình cũng nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế đã nhắm đến mảng hậu cần sức khỏe và y tế, và họ đang cần nhiều kho lạnh có vị trí gần khách hàng hơn để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cho các loại sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ như vắc xin, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm,....
Hoàng Minh