Phi công, tiếp viên thu nhập giảm mạnh vì đại dịch
Với việc các chuyến bay quốc tế, trong nước bị cắt giảm bởi tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong thời gian qua thu nhập của nhiều lao động trong ngành hàng không, đặc biệt là tiếp viên và phi công bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong báo cáo đại hội cổ đông tháng 7/2021, Vietnam Airlines thông tin hãng này đã tạm dừng toàn bộ lực lượng phi công nước ngoài giai đoạn tháng 4 đến tháng 7, sử dụng nhân viên chi nhánh địa phương nước ngoài mức tối thiểu.
Ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19
Theo Vietnam Airlines, việc điều hành nguồn lực linh hoạt, lao động sử dụng bình quân 2021 bằng 92% so với kế hoạch, quỹ tiền lương cắt giảm 49% so với năm 2020. Việc cắt giảm quỹ tiền lương 49% của Vietnam Airlines tác động trực tiếp đến lương của phi công, tiếp viên hàng không và tiếp viên mặt đất của hãng bay.
Thực tế, lương lao động trong ngành hàng không có lẽ giảm mạnh nhất ở đội ngũ phi công, tiếp viên hàng không và chuyên viên mặt đất. Nhiều phi công người nước ngoài của các hãng bay tại Việt Nam đã về nước do thời gian dài không được bay hoặc nghỉ giãn cách. Hiện tượng tiếp viên hàng không tranh thủ thời gian rảnh bán hàng online như mỹ phẩm, chạy Grabcar là không hiếm.
Nhân viên ngành du lịch, nhà hàng rơi vào khủng hoảng
Nếu như nhân viên hàng không vẫn gắng gượng được nhờ làm việc bán thời gian hoặc kinh doanh tay trái, thì các hướng dẫn viên du lịch, quản lý tour, nhà hàng, khách sạn hay DJ (Disc Jockey) tại các quán bar bị ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều.
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế giảm 79,5%, khách nội địa giảm 34%, tổng thu du lịch giảm 58,7%; gần 60% lao động mất việc làm hoặc cắt giảm lao động, công suất buồng phòng các khách sạn chỉ đạt 10-15%; gần 90% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa.
Năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong 10 tháng đầu năm, du lịch quốc tế tiếp tục đóng cửa, du lịch nội địa giảm thêm 42,5% so với năm 2020.
Cùng với đó, số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết lao động trong một số ngành dịch vụ như lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi giải trí bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19. Trong năm 2021, số lượng lao động ngành du lịch vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm trước, thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm sút.
Dù dịch bệnh đã được nhiều địa phương kiểm soát, nhưng Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng du lịch sẽ phục hồi dần dần, chứ không thể có một bước nhảy vọt trong thời gian ngắn. Theo dự báo, từ nay đến ngày 15/1/2022 sẽ là giai đoạn khởi động lại thị trường. Từ 15/1 đến 15/4 là giai đoạn thị trường dần hồi phục từng phần. Và sau đó, đến giai đoạn 30/4 và hè năm sau mới là giai đoạn bình thường mới trở lại. Để du lịch đạt quy mô như trước khi dịch xảy ra, ước tính phải đến hè năm 2023.
Giáo viên mầm non tư thục thất nghiệp hàng loạt
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục Mầm non là cấp học có tỷ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập (tư thục, dân lập) nhiều nhất so với các cấp học khác. Tính đến cuối năm học 2020-2021 (tháng 5/2021), toàn quốc có 19.312 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (3.299 trường, 16.013 cơ sở độc lập), với hơn 90.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; huy động hơn 1,2 triệu trẻ em tham gia học. Tỷ lệ trường ngoài công lập và huy động trẻ em ngoài công lập chiếm gần 22,3% tổng số trường và trẻ em mầm non.
Nhiều trường mầm non phải đóng cửa do tác động tiêu cực của dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã khiến các cơ sở giáo dục Mầm non ngoài công lập không có doanh thu trong thời gian dài do không có nguồn thu học phí, trong khi vẫn phải chi trả tiền thuê nhà, mặt bằng, hỗ trợ chi trả lương cho nhân viên trực trường, một phần lương cho giáo viên để ổn định cuộc sống và giữ chân khi mở cửa trở lại.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giáo dục Mầm non ngoài công lập không thể trả lương cho người lao động, đời sống giáo viên hết sức khó khăn, phải chuyển sang các công việc khác. Theo kết quả khảo sát nhanh của Hiệp hội Giáo dục Mầm non ngoài công lập Việt Nam, 95,2% cơ sở giáo dục Mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (chủ yếu 6 tháng trở lên), 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên Mầm non.
Bán rau, bán hàng online, phụ bán quán, thậm chí xin đi làm công nhân thời vụ... là những công việc mà rất nhiều giáo viên mầm non tư thục tìm đến trong suốt thời gian gần 2 năm qua, khi các nhà trường, cơ sở mầm non tư thục đóng cửa do dịch Covid-19.
Ngành nghề chăm sóc sức khoẻ - làm đẹp cũng bị thiệt hại nặng nề
Qua 4 đợt càn quét của đại dịch Covid-19, nhiều ông chủ chuỗi phòng gym, chủ hãng spa từ chỗ cơ ngơi tiền tỷ bỗng chốc rơi vào thảm cảnh phá sản, nợ nần chồng chất.
Từ vị trí ông, bà chủ, có tiền tỷ trong tay nhưng khi dịch bệnh quét qua nhiều người bị đẩy xuống thành “con nợ” bởi doanh thu bằng 0, trong khi mỗi tháng ngoài nợ ngân hàng, họ vẫn phải chi vài chục triệu đồng tới trăm triệu đồng để duy trì máy móc thiết bị của cơ sở kinh doanh mà không biết ngày nào mới được mở lại dịch vụ.
Anh Trần Khang chủ hai phòng gym ở TP HCM cho biết sau Tết 2021, phòng gym thứ hai đi vào hoạt động. Tuy nhiên, mới được 3 tháng thì dịch Covid-19 bùng phát, cả hai phòng tập đều phải dừng hoạt động. Tháng đầu cầm cự anh mất gần 120 triệu đồng chi phí cho hai phòng gym.
Tháng thứ hai, anh tiếp tục chi thêm 60 triệu trợ cấp cho các nhân sự nghỉ việc. Mặc dù vậy, mỗi tháng, tính ra, anh vẫn phải bỏ ra gần 60 triệu đồng và oằn lưng trả nợ ngân hàng. Dù được chủ toà nhà giảm 70% tiền thuê từ tháng 7/2021, nhưng anh Khang tính tập trung máy móc về một điểm, chờ thời mở lại.
Trong khi đó, nói về thực trạng tại spa của mình, chủ một spa có tiếng tại Hà Nội cho biết “Tôi từng giữ vững doanh thu hơn 1 tỷ đồng/tháng, quản lý 40 nhân viên nhưng con số này bằng 0 từ trong suốt thời gian Hà Nội giãn cách phòng dịch Covid-19”. Chủ cơ sở kinh doanh này cũng chia sẻ đã buộc phải bỏ 2/3 nhân sự, chỉ giữ lại vị trí then chốt.
Theo Trung Kiên / Dân Việt