Lạ lùng lão nông cho cà phê "ăn" chuối, bơ, xoài thu bạc tỷ

Google News

Thay vì thu hoạch cà phê tuốt trái, ông Hải lại chọn cách cắt cành để giảm bớt chi phí thuê nhân công.

Chủ nhân khu vườn cà phê đặc biệt này là ông Nguyễn Thanh Hải (thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa, Đắk Nông). Vườn cà phê rộng gần 3 ha của gia đình được chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng đặc biệt, giúp sản lượng hàng năm luôn cao hơn 2-3 lần sản lượng trung bình.

Trồng cà phê... cắt cành

Trên diện tích đất canh tác, ông Hải duy trì phương pháp canh tác thả ngọn gần 10 năm giúp cây phát triển xanh tốt, thân khỏe. Ở một trong những vùng chuyên canh cà phê lớn nhất Tây Nguyên này, mô hình canh tác của anh Hải khá xa lạ với bà con nông dân vì cây cà phê thả ngọn, tán rộng, mùa thu hoạch nông dân thu hái dùng thang leo lên thân cây thu hoạch.

Giới thiệu về vườn cà phê của gia đình, ông Hải cho biết, khoảng 10 năm trước, ông từ Lâm Đồng đến Đắk Nông để làm cà phê. Thời điểm đó, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã quá quen thuộc với chuyện canh tác cà phê thả ngọn, tuy nhiên ở Đắk Nông thì rất ít người biết đến.

Khác với các vườn cà phê trong vùng, khi thu hoạch phải hái quả và giữ lại cành để cho vụ mùa sau, vườn cà phê của ông Hải lại thu hoạch bằng cách cắt cành.

La lung lao nong cho ca phe

Nhân công dùng kéo cắt những cành có quả thu hoạch, sau đó tập trung tại một chỗ rồi tuốt quả. Cây cà phê cũng vì thế mà cao dần theo thời gian, đến thời điểm hiện tại có cây đã cao đến gần 5 m.

"Tôi nhận thấy, trồng cà phê theo cách thông thường rất tốn công, tốn sức và đặc biệt là chi phí thuê nhân công. Riêng mô hình này, chỉ cần cắt cành cà phê, sau đó tập trung lại nơi mát mẻ để tách trái ra khỏi cành, người thu hoạch vừa khỏe, vườn cà phê sau thu hoạch lại sạch sẽ, gọn gàng", ông Hải cho hay.

Theo chủ nhân vườn cà phê đặc biệt này, hiệu quả rõ rệt nhất là tiết kiệm chi phí chăm sóc, ổn định năng suất. So với cách làm thông thường của nông dân mỗi năm phải làm chồi 3 đợt nhưng canh tác theo phương pháp này chỉ làm chồi một đợt, không phải cắt cành và ít phải làm cỏ.

"Trung bình mỗi cây cà phê sản xuất theo hình thức này sẽ đạt từ khoảng 5,5kg-7kg/cây, trái to và chất lượng hạt rất tốt. Toàn bộ sản phẩm cũng được bao tiêu nên giá thành cũng cao hơn giá thị trường 1,5 lần, chính vì thế mà lợi nhuận hàng năm cũng cao hơn so với các vườn cà phê cùng diện tích", lão nông Nguyễn Thanh Hải chia sẻ thêm.

La lung lao nong cho ca phe

Cho cây "ăn" hoa quả

Trong điều kiện diện tích sản xuất nông nghiệp hạn chế lại gắn liền với nhà ở nên ông Hải chọn cách chăm sóc vườn cây theo phương pháp hữu cơ, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân công lao động.

Mỗi năm, đến mùa mưa ông Hải tích trữ từ 1.300- 1.500 m3 nước qua hệ thống bể lắng phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, chủ vườn còn tận dụng trái cây theo mùa tại địa phương để ủ phân vi sinh tăng độ phì, độ đạm cho đất, trong đó chủ yếu là chuối, bơ, xoài.

Theo ông Hải, trái cây ở Đắk Nông có sẵn, khi đến mùa thu hoạch, nhiều loại mất giá chỉ còn chưa đến 2.000 đồng/kg (rẻ hơn giá phân hóa học) nên gia đình đã mua về ủ thành phân vi sinh. Nhờ tận dụng tốt nguồn phân bón xanh này, nhiều năm qua, gia đình ít sử dụng đến phân bón hóa học, giúp cây sinh trưởng tốt, trái đều và ổn định sản lượng các năm.

La lung lao nong cho ca phe

"Nhiều người sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ nhưng không kiên trì, được một hai năm chưa thấy hiệu quả đã quay lại lối canh tác cũ thành ra không đạt được hiệu quả. Mấy năm trước, tôi được chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất theo hướng hữu cơ nên đã từ đó đã áp dụng vào vườn nhà mình. Nhờ tận dụng các nguồn nguyên liệu có sẵn tại chỗ để làm phân bón nên mỗi năm gia đình cũng tiết kiệm được số tiền lớn thay vì phải mua phân hóa học ", ông Hải nói.

Tự hào giới thiệu về những cành cà phê trĩu quả, đỏ mọng canh tác theo phương pháp bền vững, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm, nhiều năm qua, sản phẩm thu hoạch tại vườn của ông Hải tạo hương vị đặc trưng chinh phục thị trường khó tính. Ngoài ra, mô hình còn tạo ra không gian xanh thân thiện với môi trường giúp vườn cây của ông Hải trở thành điểm tham quan, trải nghiệm.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ giúp vườn cây đạt năng suất từ 5,5- 7,5 tấn /ha (cà phê nhân), cho thu nhập từ 350 -500 triệu đồng.

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, ông Hải tiết lộ: "Đây có thể là mô hình sản xuất cà phê hiếm hoi ở Đắk Nông tạo ra không gian đi bộ ngay trong vườn rẫy. Trong thời gian tới, gia đình dự kiến xây dựng thành mô hình du lịch sinh thái, kết nối với những điểm du lịch trên địa bàn".

Hiện tại, để ổn định thị trường tiêu thụ cũng như nâng cao giá trị sản phẩm, ông Nguyễn Thanh Hải còn trở thành thành viên của HTX Tân Phú Nông (xã Đắk Nia).

La lung lao nong cho ca phe

Đây là nơi sinh hoạt, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ nông nghiệp trên địa bàn giúp các nông dân như ông Hải yên tâm đầu tư sản xuất, không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tiêu thụ truyền thống, tăng năng suất hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất sản xuất.

Ông Đinh Văn Việt- Phó giám đốc  HTX Tân Phú Nông cho hay, phương pháp sản xuất cà phê thả ngọn đã giúp ông Hải giảm tối đa chi phí sản xuất, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Điều đặc biệt, mô hình canh tác còn tạo ra không gian xanh, có thể phát triển du lịch cộng đồng. Mô hình này có tiềm năng nhân rộng, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Theo Dân Trí