Tăng trồng lúa, đẩy mạnh mua gạo
Gần 3 tuần kể từ khi Ấn Độ thông báo cấm xuất khẩu (ngày 20/7), nguồn cung gạo trên toàn cầu chao đảo, các quốc gia chóng mặt với loại lượng thực này. Bởi, ngoài Ấn Độ, một số nước sản xuất lúa gạo đang có xu hướng hạn chế xuất khẩu, trong khi các quốc gia nhập khẩu lại có nhu cầu tăng mua dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực.
Thực trạng này đẩy giá lúa gạo trên thị trường thế giới tăng từng ngày. Thậm chí, tại châu Á, giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Mới đây, Thái Lan - quốc gia xuất khẩu đứng thứ hai trên thế giới - đã họp thảo luận về tác động của giá cả từ hiện tượng El Nino cũng như lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Bộ Thương mại Thái Lan cũng quyết định thành lập cơ quan chuyên trách theo dõi các vấn đề gạo, đặc biệt là về giá.
Các quốc gia đang tìm biện pháp để tăng nguồn cung gạo (Ảnh: VietNam+)
Kêu gọi giảm diện tích trồng lúa để tiết kiệm nước do hạn hán, ảnh hưởng tới nguồn cung gạo, Thái Lan vẫn dự kiến xuất khẩu 8 triệu tấn trong năm nay, tăng gần 300.000 tấn so với mức 7,71 triệu tấn năm ngoái.
Từ đầu năm, Indonesia bắt đầu nhập khẩu 2 triệu tấn gạo theo kế hoạch để dự trữ quốc gia trong năm 2023. Nước này đẩy mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam và một số quốc gia khác. Song, những ngày gần đây, khách hàng mới của gạo Việt này đang tìm kiếm nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề nguồn cung.
Theo đó, Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị 500.000ha đất nông nghiệp để sản xuất lúa gạo trước hạn hán kéo dài do hiện tượng El Nino gây ra.
Philippines là quốc gia nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, thường mua gạo từ Việt Nam. Ngày 29/7, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. bày tỏ lo ngại về tình hình lương thực toàn cầu. Philippines đang phải tìm kiếm thêm nguồn cung gạo khác để nhập khẩu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Các quan chức Chính phủ nước này lo ngại, lượng gạo dự trữ hiện chỉ đủ dùng trong 39 ngày, thay vì 60 ngày như trước. Trong tháng 8-9, nguồn cung gạo nội địa đang thấp do cuối vụ thu hoạch. Họ khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân tăng cường nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, giá gạo vô cùng đắt đỏ đang là thách thức và rủi ro rất lớn.
Tháng 7 vừa qua, nhập khẩu gạo của Philippines chỉ đạt 116.200 tấn, giảm đến 71,2% so với cùng kỳ năm trước do giá gạo tăng quá cao, trong đó gạo 5% tấm đã tăng thêm 100 USD/tấn.
Tương tự, Trung Quốc sẵn sàng ký Biên bản ghi nhớ thứ 7 với Campuchia về việc tăng mua 500.000 tấn gạo. Trước đó, Campuchia có thêm 400.000 tấn gạo giao cho Trung Quốc theo Biên bản ghi nhớ thứ 6.
Giá gạo tiếp tục leo thang
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan - được coi là giá tham chiếu tại châu Á - phiên giao dịch ngày 10/8 vọt lên mức 651 USD/tấn, cao nhất kể từ năm 2008 đến nay.
Trong khi, dữ liệu từ Hiệp hội lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta ngày 10/8 đạt mốc mới 638 USD/tấn, gạo 25% cũng vọt lên 618 USD/tấn, đồng loạt tăng 20 USD/tấn so với phiên hôm trước (9/8). Còn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu, gạo 5% tấm và 25% tấm đã tăng thêm 105 USD/tấn, đưa giá mặt hàng này lên mức cao hiếm có trong lịch sử.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 7 vừa qua, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 362,7 triệu USD, tăng 6,4% so với tháng 6/2023. Còn tính đến hết tháng 7 năm nay, nước ta xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo thu về 2,62 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 31,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Philippines, Trung Quốc và Indonesia là 3 khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam 7 tháng năm 2023.
Đáng chú ý, Philippines dù giảm mạnh lượng gạo nhập khẩu trong tháng 7 do giá quá cao, song vẫn đẩy mạnh thu mua gạo của nước ta. Theo đó, xuất khẩu gạo tháng 7 của Việt Nam sang thị trường này đạt 129,1 triệu USD, tăng gần 44 triệu USD so với tháng 6/2023, đưa kim ngạch 7 tháng năm 2023 đạt gần 984 triệu USD.
Biến động giá gạo xuất khẩu trong những ngày vừa qua đang tác động tới giá lúa, gạo nội địa.
Cụ thể, từ ngày 20/7 đến 3/8, mức giá trung bình lúa thường tại ruộng tăng 518 đồng/kg lên mức 7.214 đồng/kg; lúa tại kho tăng gần 700 đồng/kg đạt 8.729 đồng/kg; gạo xát trắng loại 1 tăng mạnh 2.101 đồng/kg lên 13.638 đồng/kg; gạo 5% tấm cũng vọt lên mức 13.650 đồng/kg, tăng 2.100 đồng/kg; gạo 15% và 25% tấm lần lượt đạt mức 13.350 đồng/kg và 13.075 đồng/kg, tăng 2.042 đồng/kg và 2.009 đồng/kg.
Ở vựa lúa ĐBSCL, giá mặt hàng lúa gạo tăng theo từng ngày. Hoạt động thu mua diễn ra sôi động dù chưa tới thời điểm thu hoạch. Thậm chí, một số nơi còn có tình trạng thương lái tranh nhau đặt cọc mua lúa sớm.
Trao đổi về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo tại họp báo thường kỳ của Bộ NN-PTNT mới đây, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, diễn biến giá gạo thế giới tăng cao những ngày gần đây là thời cơ để nước ta đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Theo VietNamNet