Những ngày này, người dân ở huyện vùng cao Bá Thước (Thanh Hóa) đang bước vào mùa thu hoạch quả quýt hôi (quýt hoi) mang về bán, chế biến ra các sản phẩm làm đồ uống cung cấp ra thị trường.
Theo người dân địa phương, mùa quýt hoi bắt đầu cho thu hoạch quả từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Cây quýt hoi là loại cây có từ lâu đời tại địa phương và mọc tự nhiên ở các nương rẫy, trên những dãy núi cao...
|
Cây quýt hoi đã được người dân trồng ở vườn nhà mình mang lại thu nhập cao
|
Những năm gần đây, quýt hoi được người dân chiết cành, ươm giống để mở rộng diện tích trồng tại vườn nhà. Đây cũng được xem là cây bản địa của địa phương.
Anh Ngân Văn Chàng (trú bản Pà Ban, xã Thành Sơn) cho biết, nhà có hàng trăm cây quýt hoi mọc tự nhiên lẫn cây trồng ở trên nương. Trong đó, có hàng chục cây đã cho thu hoạch mỗi vụ kiếm được cả chục triệu đồng.
Cũng theo người dân địa phương năm nay quýt hoi thu hoạch được ít quả hơn, nhưng giá bán cao hơn so với mọi năm và dao động từ 15.000-20.000 đồng/kg quả tươi.
|
Những quả quýt hoi mới được người dân thu hoạch
|
Quýt hoi được khách du lịch biết đến nhiều mỗi khi đến Bá Thước và mua về làm quà. Chính vì thế người dân địa phương thường hái quả về làm trà, vỏ quýt ngâm mật ong rừng, quả ngâm rượu để bán... mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ.
Chị Lò Thị Hoài (bản Báng, xã Thành Sơn) cho hay, quýt hoi có từ xa xưa được người dân trồng để ăn. Hiện nay, quả quýt hoi có thể sử dụng được cả vỏ và quả để chế biến ra nhiều loại sản phẩm khác nhau.
|
Vỏ quýt hoi dùng để pha nước uống rất tốt cho sức khỏe
|
Theo chị Hoài, quy trình sản xuất trà quýt hoi cần rất nhiều công đoạn. Quýt sau khi hái về được rửa sạch, để ráo, sau đó bóc lấy vỏ rồi thái nhỏ, đem phơi nắng và đưa vào sao trên bếp lửa sẽ có mùi thơm rất đặc trưng.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bá Thước cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng gần 50 ha trồng quýt hoi. Trong đó, quýt được trồng chủ yếu ở các xã Thành Sơn, Ban Công, Cổ Lũng, Thành Lâm, Lũng Niêm...
|
Các sản phẩm từ quýt hoi
|
Cũng theo ông Tâm, cây quýt hoi là cây bản địa, mọc tự nhiên ở trên những ngọn núi cao và được người dân trồng ở các nương rẫy, vườn nhà. Từ năm 2018, dự án khoa học - công nghệ “Phục tráng và phát triển giống quýt hoi trên địa bàn huyện Bá Thước” được triển khai thực hiện.
“Các sản phẩm làm từ quả quýt hoi được khách du lịch mỗi khi đến với Pù Luông (Bá Thước-PV) rất ưa chuộng mua về làm quà. Hiện nay, huyện có một sản phẩm trà quýt hoi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao”, ông Tâm cho biết thêm.
Được biết, 1ha trồng quýt hoi trên địa bàn huyện Bá Thước cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/vụ.
Theo Trần Nghị/Vietnamnet