Phản ánh đến Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Nguyễn Văn Đoàn, bà Nguyễn Thị Miên, Đinh Thị Thảnh (tổ dân phố số 6, phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; đứng đơn đại diện cho 38 hộ gia đình trú tại phường Kỳ Sơn), lo lắng trước việc nhiều diện tích đất khai hoang trồng rừng sản xuất, cây lâu năm, cây ăn quả, đất ở... của các hộ dân nơi đây bỗng dưng thuộc Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của gia đình khác.
|
Một góc khu đất trồng rồng rừng sản xuất, cây lâu năm, cây ăn quả của người dân phường Kỳ Sơn nằm trong GCNQSDĐ của hộ ông H. |
“Bỗng dưng” mất đất?
Theo các hộ dân, từ những năm 1970, họ khai hoang để trồng cây lâm nghiệp và cây lâu năm, cây ăn quả, chăn nuôi, làm nhà sinh sống tại đồi Mí, Thăm Thay, Suối Cạn, khu vực xóm Mỏ, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình).
Đang sinh sống, chăn nuôi, sản xuất ổn định, khoảng cuối năm 2017 đến giữa 2018, các hộ dân bất ngờ nhận được thông báo của Công an huyện Kỳ Sơn (nay là Công an TP Hòa Bình) về việc hộ gia đình ông N.T.H., bà N.T.D. (cùng trú tại tổ dân phố số 6, phường Kỳ Sơn) tố cáo phá hoại tài sản trên đất của họ. Đến làm việc với cơ quan chức năng, người dân mới tá hỏa phát hiện nhiều diện tích đất của họ đã nằm trong GCNQSDĐ của ông H. và bà D.
Hộ ông H., bà D. đã được UBND huyện Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình) cấp 6 GCNQSDĐ trong cùng ngày 28/12/2012, tại các thửa 76, 78, tờ bản đồ số 02 và thửa 314, 344, 387, 390 tờ bản đồ số 01. Tổng diện tích đất là 38,5 ha.
"Chúng tôi khẳng định, những thửa đất của các hộ gia đình đã được sử dụng canh tác, sinh sống liên tục không ngắt quãng từ cuối những năm 1970. Đến nay, chúng tôi vẫn đang khai thác và sử dụng. Nhận thấy việc cấp sổ đỏ cho hộ ông N.T.H., bà N.T.D., là trái với quy định của pháp luật, chúng tôi đã kiến nghị lên cấp có thẩm. Đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến cuộc sống, sản xuất của các hộ dân bất ổn, ngày càng điêu đứng”, trích nội dung đơn của các hộ dân.
|
Gia đình ông Nguyễn Văn Linh là một trong các hộ dân có 2.000 m2 đất "bỗng dưng" nằm trong GCNQSDĐ được UBND huyện Kỳ Sơn (nay là UBND TP Hòa Bình) cấp cho ông N.T.H. |
Khác với phản ánh của người dân, trong Quyết định số 4368/QĐ-UBND ngày 23/10/2023 của UBND TP Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại, ông H. cho rằng, diện tích đất của gia đình ông được cấp đúng quy định của pháp luật. Đất do gia đình khai hoang, không phải của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình giao. Tuy nhiên, UBND TP Hòa Bình kết luận, nội dung khiếu nại trên của ông H. là sai.
Chính quyền địa phương nói gì?
Ngày 10/7/2024, làm việc với PV, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) - cho biết, khu vực người dân phản ánh, trước đây, ông N.T.H., được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bình giao cho bảo vệ, trông coi cây xanh (cây thông) với diện tích hơn 100 ha, nhưng ông H., không cung cấp hồ sơ hay giấy tờ. Đối với thửa đất 390, tờ bản đồ số 01, trước đây, người dân địa phương vào khai hoang, có cây trồng và canh tác. Đến nay, một số hộ đang canh tác đan xen.
Sau khi tiếp nhận đơn kêu cứu, đề nghị của công dân về việc ông H. được cấp GCNQSDĐ chồng lấn lên diện tích đất của các hộ dân, phường Kỳ Sơn đã thành lập tổ xác minh theo đúng quy định.
“Phường đang tiến hành các bước theo thẩm quyền, tiến hành hòa giải 2 lần giữa 38 hộ dân với gia đình ông H., nhưng không thành. Sau đó, người dân tiếp tục có đơn kêu cứu, đề nghị với UBND thành phố", ông Nghĩa nói.
|
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) - làm việc với PV. |
Đề cập quy trình cấp GCNQSDĐ, trong đó có thửa 390 cho hộ ông H., Phó Chủ tịch UBND phường Kỳ Sơn nói, khi đó, ông chưa tiếp nhận nhiệm vụ, nên không nắm được.
“Hồ sơ ban đầu xét, xác nhận thửa 390 từ cấp xã (cũ) để cấp GCNQSDĐ cho ông N.T.H., phường cũng không quản lý mà là thành phố”, ông Nghĩa thông tin.
Theo tài liệu ông Nghĩa cung cấp, trong sự việc này, UBND phường Kỳ Sơn đã tổ chức 2 lần hòa giải giữa các hộ dân với hộ gia đình ông H., bà D., (lần một ngày 4/8/2023 và lần hai ngày 22/8/2023).
Đến ngày 29/8/2023, ông Nguyễn Văn Chương - Chủ tịch UBND phường Kỳ Sơn - ban hành thông báo số 215/TB-UBND về kết quả giải quyết nội dung đơn đề nghị của công dân, trong đó kết luận xác minh nguồn gốc đất: “Nhân dân canh tác sử dụng đất từ năm 1980-1988: Có loại cây ăn quả, có tài sản trên đất như lán trại, ao, chuồng chăn nuôi, trồng cây ăn quả mít, bưởi, hồng bì, bụi tre, bụi bương, cây keo, cây xoan... Hộ gia đình ông N.T.H., được UBND huyện Kỳ Sơn cấp GCNQSDĐ ngày 28/12/2012 có 6 GCNQSDĐ…”.
Nhiều thửa đất đã được chuyển nhượng
Sau khi tiếp nhận đơn của người dân, UBND TP Hòa Bình đã vào cuộc kiểm tra, xác minh.
Ngày 16/5/2022, UBND TP Hòa Bình ban hành Quyết định số 1597/QĐ-UBND về việc thu hồi quyền sử dụng đất, quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất, thửa đất 390, diện tích 301.152,7m2, thuộc tờ bản đồ số 01 do UBND huyện Kỳ Sơn (nay là UBND TP Hòa Bình) cấp ngày 28/12/2012 cho hộ ông H., bà D. Tuy nhiên, hộ gia đình ông H., không đồng ý, có đơn khiếu nại. UBND TP Hòa Bình vẫn giữ nguyên quyết định thu hồi số 1597.
Trong khi đó, 38 hộ dân tiếp tục có đơn đề nghị UBND TP Hòa Bình cần hủy toàn bộ GCNQSDĐ, bao gồm cả thửa 390 và các thửa 76, 78, 314, 344, 387 mà UBND huyện Kỳ Sơn (nay là UBND TP Hòa Bình) đã cấp cho gia đình ông H., bà D.. Sau đó, xem xét thủ tục để cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân theo đúng quy định.
Trong thông báo số 1820/UBND-TTr, ngày 31/5/2024, về việc xem xét, giải quyết nội dung đơn của ông Đoàn, bà Miên, bà Thảnh (đại diện cho 38 hộ dân), sau khi xem nội dung đơn, hồ sơ tài liệu có liên quan, UBND TP Hòa Bình cho biết, ngày 20/1/2016, gia đình ông N.T.H., bà N.T.D., đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất các thửa 314, 344, 387, tờ bản đồ số 01 cho ông Lê Anh D. (trú phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Căn cứ Luật đất đai năm 2013, UBND TP Hòa Bình đề nghị người dân gửi đơn đến TAND để được xem xét, giải quyết.
Mời độc giả xem video: Khu đất trồng rồng rừng sản xuất, cây lâu năm, cây ăn quả của người dân phường Kỳ Sơn nằm trong GCNQSDĐ của gia đình khác:
* Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin vụ việc.
Mạnh Hưng