Nhận thấy tại địa phương có diện tích lớn đất nông nghiệp hoang hóa, khó canh tác khiến nhiều nông dân bỏ hoang, gây lãng phí. Anh Phan Nhân Trí, ở xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) đã quyết định tìm ra giống cây hợp với vùng đất này để phát triển kinh tế, tránh lãng phí.
Anh Phan Nhân Trí- Phó Giám đốc Công ty STC, cho biết: "Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy sâm Bố Chính là dược liệu quý, được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc của y học cổ truyền để chữa bệnh. Nhờ những công dụng đặc biệt về bồi bổ sức khỏe nên loại sâm này được gọi là sâm tiến vua, được tiêu thụ khá lớn.
|
Anh Phan Nhân Trí ở xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh), vui mừng khi sâm Bố Chính phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Hiện nay vẫn chưa có nhiều đơn vị trồng loại sâm này khiến thị trường còn rất tiềm năng. Xã Thạch Khê (huyện Thạch Hà) có chất đất thịt pha cát nhiều khó canh tác các loại nông sản khác nhưng thuận lợi cho việc cây sâm Bố Chính sinh trưởng, phát triển đạt năng suất, chất lượng".
Dám nghĩ dám làm đầu năm 2024, Anh Phan Nhân Trí đã mạnh dạn thuê, tích tụ được 1ha đất màu bỏ hoang của gần 20 hộ dân ở thôn Phúc Thanh, xã Thạch Khê và đầu tư hơn 1 tỷ đồng để trồng sâm "tiến vua".
|
Cánh đồng sâm Bố Chính ở xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh), phát triển tốt trên diện tích đất nông nghiệp hoang hóa, khó canh tác. |
Sau hơn nửa năm chăm sóc, theo dõi cho thấy cây sâm Bố Chính phát triển rất tốt, thích nghi với đất đai, khí hậu tại địa phương, đặc biệt là chất đất thịt pha cát. Cây sâm được sản xuất theo quy trình GAP nên hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật.
Cây Sâm phát triển tốt nên mặc dù chưa vào chính vụ nhưng Công ty STC hiện đã triển khai thu hoạch một số diện tích sâm gieo trồng sớm. Trên ruộng, cây sâm già đã bắt đầu ngả lá sang màu vàng. Công việc thu hoạch sâm được phân công cho từng thành viên, người bới củ, rũ đất; người gom sâm vào rổ rồi bốc xếp...
|
Theo y học cổ truyền sâm Bố Chính chữa suy nhược cơ thể, mất ngủ, suy dinh dưỡng, rối loạn kinh nguyệt, lao phổi ở trẻ em, hen suyễn, ho, sốt, thiếu máu, trầm cảm, ra nhiều mồ hôi, động kinh, tiêu hóa trì trệ, suy giảm sinh lý… |
"Trong quá trình chăm sóc, chúng tôi thường xuyên phải chú ý đến các yếu tố như nguồn nước đảm bảo, tưới đủ ẩm trong thời gian mới trồng; làm cỏ sau bón thúc phân chuồng đã ủ ở giai đoạn cây sắp đẻ nhánh; thường xuyên thăm đồng nhằm phát hiện các loại sâu ăn lá và côn trùng gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời...", Anh Phan Nhân Trí cho hay.
Đến nay, sâm thu hoạch đạt trọng lượng chuẩn với 6-10 củ/kg, bán với giá 200.000 đồng/kg, ước tính tổng doanh thu mô hình đạt trên 700 triệu đồng/ha.
|
Cây sâm được sản xuất theo quy trình GAP nên hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật. |
Theo anh Trí, sâm bố chính có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ cây sâm này còn nhiều tiềm năng, tuy nhiên đây là loại cây rất kén đất, không phải chất đất nào cũng trồng được. Sâm không ưa đất có độ ẩm cao, vùng có khí hậu mưa nhiều bởi cây ngập úng dễ mắc các loại bệnh, một khi đã bệnh thì rất khó trị. Mục tiêu là mở rộng sản xuất cây sâm Bố Chính ra các hộ dân trên địa bàn góp phần đưa cây dược liệu có giá trị kinh tế cao vào thay thế các cây trồng hiệu quả thấp.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Xuân Mậu - Chủ tịch UBND xã Thạch Khê cho biết: "Mô hình trồng sâm Bố Chính của anh Trí thuê 2 ha đất hoang hóa, bà con sản xuất kém hiệu quả của địa phương, hiện mới chỉ trồng thử nghiệm trên 1 ha nhưng bước đầu đánh giá cho hiệu quả kinh tế tốt. Bên cạnh tránh lãng phí đất, tạo thu nhập cho gia đình thì mô hình đã tạo công việc cho một số lao động địa phương.
"Sâm Bố Chính không khó trồng, lại phù hợp với chất đất ở địa phương nếu người nông dân có mong muốn trồng loại sâm này thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện tối đa nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người nông dân", ông Phan Xuân Mậu - Chủ tịch UBND xã Thạch Khê, nhấn mạnh.
Theo Dân Việt