Từng bước khắc phục ô nhiễm chất thải rắn
Theo báo cáo cuối năm 2021 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định thì làng nghề cơ khí Bình Yên (thuộc xã Nam Thanh) hiện có 222/446 hộ sản xuất, kinh doanh, trong đó gồm: 56 hộ cô lên bia, đánh bã; 36 hộ cô đúc dát; 23 hộ máy cán, kéo và tạo hình; 14 hộ đột quai, mâm và 93 hộ tạo hình, nhúng tẩy rửa. Lực lượng lao động tham gia sản xuất trong làng khoảng 2.000 người, các sản phẩm chủ yếu là đồ nhôm gia dụng thành phẩm, công suất khoảng 400 tấn/tháng. Nguyên liệu sản xuất là vỏ lon bia, nhôm phế liệu.
Mỗi tháng, làng nghề Bình Yên thải ra môi trường khoảng 7.500 m3 nước thải có lẫn hóa chất, và khoảng 300 m3 chất thải rắn (xỉ nhôm). Lượng chất thải độc hại từ quá trình sản xuất đã thải ra môi trường hàng tháng lên đến 39,59 tấn. Trong đó, nước thải từ sản xuất chảy thằng vào các mương, cống hở, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt, quá trình sản xuất cũng tạo ra lượng khói bụi lớn, lượng khí thải và nước nhúng rửa đặc biệt gây mùi khó chịu.
|
Nhiều hộ gia đình tại làng nghề Bình Yên hoạt động sản xuất, chế tác thành phẩm nhôm, là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường tại đây |
Từng có thời điểm, làng nghề Bình Yên được truyền thông, báo chí phản ánh rất nhiều về tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong 2 năm trở lại đây, theo ý kiến của một số người, tình trạng ô nhiễm đã phần nào được cải thiện.
Cụ thể, để khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề Bình Yên, UBND xã Nam Thanh đã có những hành động cụ thể như: Thành lập hợp tác xã dịnh vụ môi trường để quản lý, thu gom chất thải rắn; thu gom, xử lý khoảng 170 tấn xỉ nhôm còn tồn lưu trong kho tập kết của làng nghề; cải tạo, nạo vét hệ thống cống rãnh thoát nước; nạo vét hệ thống kênh xung quanh làng nghề…
Quả thật, khảo sát thực tế tại địa phương, phóng viên (PV) có thể thấy kết quả khả quan trong việc xử lý chất thải rắn. Dù vẫn tồn tại, nhưng chỉ còn ít các bãi chất thải rắn trên các con đường của làng nghề. Thậm chí, khi có bất kỳ xe ô tô nào di chuyển qua lại, hệ thống camera được bố trí khắp làng đều ghi nhận, phát ra những tiếng chuông cảnh báo, nhắc nhở người dân phải giữ gìn vệ sinh môi trường.
|
Tại một số nơi, vẫn có thể bắt gặp các bãi tro xỉ thải chưa được dọn đi |
Về cơ bản, có thể đánh giá công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trên bề mặt tại làng nghề Bình Yên, dù không hoàn hảo nhưng đã làm khá tốt. Thế nhưng, vẫn còn tồn tại những điểm còn chưa tốt, đặc biệt là trong vấn xử lý nước thải, khi mà các con mương, kênh xung quanh làng nghề vẫn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Liên quan đến ô nhiễm nước, từ năm 2013 UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt dự án khắc phục giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề Bình Yên với tổng mức đầu tư 88,9 tỷ đồng, dự án được gia hạn thực hiện đến hết ngày 31/12/2017 với nhiều hạng mục công trình. Trong đó bao gồm: Xây dựng trạm xử lý nước thải; xây dựng hệ thống thu gom nước thải; xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước và khí thải tại các hộ gia đình…
Theo phản ánh của người dân, trạm xử lý nước thải làng nghề Bình Yên dường như chỉ là một sự lãng phí tiền của nhân dân, bởi trạm được xây lên rồi… bỏ đó, chẳng có ai vận hành, cũng chẳng thể hoạt động.
Hoang phí trạm xử lý nước thải
Có mặt tại trạm xử lý nước thải làng nghề Bình Yên, PV không khỏi ngỡ ngàng trước sự hoang phí của công trình trị giá hàng chục tỷ đồng.
|
Trạm xử lý nước thải làng Bình Yên được người dân phản ánh bị "bỏ hoang phí" từ nhiều năm nay |
Các phòng ốc của trạm đều bị bỏ hoang từ lâu, bám đầy bụi bặm và bẩn thỉu, thậm chí có phòng từng được dùng để chăn thả gia cầm. Phòng chứa máy móc thì hoen rỉ, chất chứa những bao tải rách nát, lộ ra những hóa chất dạng bột đã hóa rắn. Phía trên những bể chứa là những lan can rỉ sét, đường ống dây điện vụn vỡ… do từ lâu chẳng có người kiểm tra, bảo dưỡng.
|
Căn phòng chứa những máy móc của trạm xử lý nước thải trị giá hàng chục tỷ đồng bị hoang, hỏng hóc và bẩn thỉu |
Lý giải về việc trạm xử lý nước thải bị bỏ bê, ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh cho hay, khi được bàn giao khối tài sản là trạm xử lý nước thải, dự án chỉ hoạt động được vài ngày. Bên cạnh đó, do vị trí đặt trạm vốn đã cao hơn mặt bằng đất, khiến nước thải (bao gồm cả nước mưa, nước thải sinh hoạt) từ làng nghề khó mà chảy ngược về trạm được.
Ông Tiến tâm sự: Khi nghe tin dự án xử lý nước thải về làng, ai cũng rất mừng, nhưng khi làm xong rồi, mới thấy cái bất cập. Cái khổ của chúng tôi là thà không có còn hơn có, thà không có dự án đấy thì chúng tôi còn cách giải quyết của mình. Ví dụ như cái chất thải rắn chúng tôi đã tham mưu thu phí của các hộ hoạt động, tình trạng ô nhiễm cũng được giảm tải.
|
Dù lắp đặt trạm xử lý nước thải, nhưng về cơ bản thì nước thải công nghiệp vẫn được người dân đổ thẳng ra kênh, mương chạy quanh làng |
Để khắc phục tình trạng nước thải gây ô nhiễm, UBND xã Nam Thanh đã thực hiện dự án hồ điều hòa nhằm hỗ trợ, tập trung nước thải của làng nghề. Theo đó, nước thải tập trung tại hồ điều hòa sẽ lắng đọng các hóa chất độc hại xuống đáy, phần nước phía trên với nồng độ chất thải ít hơn, sau khi được pha loãng sẽ được đổ ra đồng, phần nào giảm tải ô nhiễm môi trường nước.
Dĩ nhiên, phương pháp trên chỉ là giải pháp tình thế, bởi với lượng nước thải của làng nghề đổ về liên tục thì lớp bùn thải dưới hồ điều hòa sẽ nhanh chóng lấp đầy. Cũng cần xác định rằng không phải hóa chất nào cũng có thể lắng đọng, mà trong thành phần nước đổ ra đồng sẽ vẫn tồn dư lượng hóa chất nhất định.
|
Hệ thống hồ điều hòa có tác dụng làm lắng đọng tạp chất, sau đó đổ ra đồng lượng nước đã gạn bớt hóa chất độc hại |
Giải pháp được đưa ra để xử lý dứt điểm lượng hóa chất tồn dư trong nước là đưa lượng nước đã cho lắng này vào nhà máy xử lý nước thải, sau đó mới đổ ra môi trường. Thế nhưng, nhà máy thì hỏng hóc, không hoạt động, khiến cho vấn đề ô nhiễm môi trường nước tại làng nghề Bình Yên rơi vào một vòng luẩn quẩn và bế tắc.
Câu hỏi đặt ra là, cá nhân hay tập thể nào chịu trách nhiệm quản lý, vận hành hệ thống trạm xử lý nước thải làng Bình Yên? Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Nam Định có thực hiện nghiên cứu về tính khả thi của dự án xử lý nước thải tại làng nghề Bình Yên trước khi thực hiện? Việc bàn giao khối tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng này cho UBND xã Nam Thanh đã xem xét đến yếu tố nhân lực, khả năng vận hành và quản lý kỹ thuật hay chưa? Liệu rằng đây có phải là một dự án lãng phí tiền của nhân dân và ngân sách nhà nước?
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Minh Châu