“Giấc mơ” cụm công nghiệp xanh, sạch, đẹp
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng tại làng nghề cô đúc nhôm thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, năm 2014, UBND tỉnh Bắc Ninh đã cho thành lập Cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Mẫn Xá - Văn Môn do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng, có diện tích 26,54 ha.
Theo đó, dự án được kỳ vọng sẽ đáp ứng được các nhu cầu cần thiết cho các hộ đang sản xuất tại gia đình trong thôn Mẫn Xá, cũng như các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà xưởng có quy mô khác nhau (khoảng 200 - 900m2). Với việc CCN làng nghề Mẫn Xá được trang bị hệ thống xử lý nước thải tập trung, dự án này hứa hẹn một môi trường sạch sẽ, không còn tình trạng ô nhiễm mất kiểm soát.
|
CCN làng nghề Mẫn Xá hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề cô đúc nhôm thôn Mẫn Xá |
Tại Hội thảo giải pháp công nghệ trong xử lý ô nhiễm môi trường được tổ chức vào tháng 8/2019, ông Mẫn Ngọc Anh - Chủ tịch công ty chia sẻ, Hanaka muốn xây dựng đô thị làng nghề trong đó phải gắn liền với việc xử lý nước thải, rác thải và làm một dòng sông nhân tạo có thượng nguồn có hạ nguồn, có dòng nước xanh và sạch chứ không làm như những dòng sông chỉ sử dụng hóa chất. Làng nghề xã Văn Môn là một trong những địa điểm ô nhiễm nặng nhất của tỉnh Bắc Ninh, đến nay làng nghề này được lát đá hoa cương, xây dựng một nhà máy xử lý ô nhiễm môi trường.
Theo kế hoạch đề ra, CCN làng nghề được chia ra 555 lô đất, với các diện tích: 200m2, 216m2, 240m2, 360m2. Trong đó có quy hoạch khu xử lý chất thải hơn 3,7 ha. CCN làng nghề Mẫn Xá không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương mà còn là nguồn thu ngân sách nhà nước không nhỏ, đồng thời giải quyết vấn nạn môi trường nhức nhối.
Kế hoạch là vậy, tầm nhìn là thế, nhưng thực tế lại vô cùng khác biệt.
Khi khảo sát tại làng nghề thôn Mẫn Xá, phóng viên (PV) được nhiều người dân trong cho biết, họ đều có mong muốn được chuyển lò, xưởng nấu nhôm ra CCN làng nghề do Công ty Hanaka làm chủ đầu tư với mức giá thuê đất là 4 triệu đồng/m2. Theo đó, đây là mức giá mà CĐT đã cam kết với người dân khi thực hiện mua lại đất ruộng để làm dự án.
Tuy nhiên, hiện nay giá thuê mặt bằng tại CCN làng nghề Mẫn Xá đã cao hơn giá cam kết rất nhiều, khi hiện tại chỗ thấp nhất là 6,6 triệu đồng/m2, cao nhất dao động khoảng 13 - 14 triệu đồng/m2. Với mức giá này, người dân cho biết chỉ rất ít người có thể chuyển dời cơ sở sang CCN, bởi lẽ riêng tiền mặt bằng đã rơi vào hơn 1,3 tỷ đồng cho lô 200m2, nếu thêm tiền dựng công xưởng, máy móc, hệ thống xử lý thải thì số tiền sẽ đội lên gấp đôi, ba lần.
|
Người dân thôn Mẫn Xá đều muốn ra CCN làng nghề để hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng không thể vì giá quá cao |
Anh T.D.C, một chủ xưởng tại làng nghề thôn Mẫn Xá bức xúc: “Đền bù đất của dân để làm dự án thì chưa đến 400 ngàn/m2, cam kết cho dân thuê với giá 4 triệu/m2, mà giờ thì giá thuê lên hơn 6 triệu, có chỗ lên hơn chục triệu thì dân ai mà lo nổi? Tăng giá thế này là ép dân không thể vào, để chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka - PV) cho doanh nghiệp bên ngoài vào, vậy thì có gì gọi là tạo điều kiện cho dân, hay chỉ là lập dự án để kiếm tiền?”
Anh T.D.C cũng chia sẻ, trên thực tế các chủ xưởng muốn vào CCN làng nghề phải bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để thuê mặt bằng rộng 200m2, trong khi giá trị trên hóa đơn, giấy tờ chỉ là hơn 1,3 tỷ đồng. Như vậy, còn gần 700 triệu đồng chênh lệch ngoài hợp đồng không biết đã đi đâu, về đâu?
Sống và làm việc trong hàng chục nghìn mét vuông chất thải. Ăn, ngủ cùng nghề cô đúc nhôm đầy độc hạị. Mong mỏi được vào CCN làng nghề Mẫn Xá của người dân thôn Mẫn Xá để thoát khỏi ô nhiễm dường như chỉ còn là… một giấc mơ.
Doanh nghiệp hoạt động trái phép, tỉnh có bao che?
Không chỉ đẩy giá thuê mặt bằng lên cao hơn giá cam kết, hiện nay CCN làng nghề Mẫn Xá đã có không ít doanh nghiệp đến đây thuê đất, dựng xưởng, kho và đi vào hoạt động. Một trong số các doanh nghiệp này có thể kể đến Công ty TNHH Nhôm Tuấn Thành, vị trí tại lô CN 08, đang ngày ngày hoạt động sản xuất nhôm. Được biết, đơn vị này đã mua đất tại đây từ cuối năm 2019, và là một trong những doanh nghiệp “tiên phong” dựng xưởng tại CCN làng nghề Mẫn Xá.
Đáng nói là CCN làng nghề Mẫn Xá cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai và môi trường.
Tháng 11 vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Hanaka cũng đã bị UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại dự án CCN làng nghề Mẫn Xá. Cụ thể, Công ty Hanaka bị phạt do kinh doanh bất động sản không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định.
Số tiền xử phạt là 275 triệu đồng, cùng với đó tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu Công ty CP tập đoàn Hanaka dừng kinh doanh bất động sản khi chưa đủ điều kiện theo quy định. Thế nhưng, UBND tỉnh Bắc Ninh lại “bỏ quên” việc doanh nghiệp chủ đầu tư chưa hoàn tất các thủ tục về môi trường tại CCN làng nghề Mẫn Xá.
Không chỉ chủ đầu tư chậm trễ trong việc hoàn tất hệ thống xử lý nước thải của CCN làng nghề Mẫn Xá, đến nay các doanh nghiệp đang hoạt động trong CCN này đều chưa hoàn thiện các thủ tục môi trường. Như Công ty nhôm Tuấn Thành, dù đã lắp đặt hệ thống hệ thống xử lý khói thải nhưng khó có thể đánh giá hệ thống xử lý đã đạt chuẩn hay chưa, đồng thời trong quá trình sản xuất vẫn còn lượng lớn khói thải thoát ra khỏi hệ thống, bay vào không khí.
|
Quy trình sản xuất nhôm của Công ty nhôm Tuấn Thành vẫn phát sinh nhiều khói thải vào môi trường |
Trớ trêu thay, cùng địa bàn tỉnh, cách CCN làng nghề Mẫn Xá chỉ 20 phút di chuyển là Khu công nghiệp VSip Bắc Ninh thành lập từ năm 2007 với diện tích 500ha, được các kiến trúc sư Singapore quy hoạch theo tiêu chuẩn quốc tế, được đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 4.500m3/ngày đêm, mà giá thuê mặt bằng chỉ từ 120 - 200USD/m2 (tùy từng lô), tương đương 2,7 - 4,6 triệu đồng/m2.
Dễ thấy, đơn giá thuê mặt bằng tại KCN VSip hiện đại vào bậc nhất Việt Nam cũng chỉ bằng một phần ba so với CCN làng nghề Mẫn Xá, trong khi quy mô và tiện ích đều lớn hơn rất nhiều. 26,54ha tổng diện tích tương đương với gần 740 sào ruộng của người dân, giờ có muốn bỏ nghề cô đúc nhôm làm nông nghiệp cũng không thể.
|
Khu công nghiệp VSip hiện đại, chuẩn quốc tế mà giá thuê mặt bằng chỉ bằng 1/3 so với Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá |
Không ít người dân đặt ra câu hỏi: ngoài mang lại kinh tế cho chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Hanaka, CCN làng nghề Mẫn Xá đã giải quyết được bất kỳ vấn đề nào trong bài toán xử lý ô nhiễm môi trường đặt ra trước đó hay chưa? Liệu có bao nhiêu trong hơn 300 hộ gia đình làng nghề được di dời tới CCN?
Những vấn đề trên không ít báo chí, truyền thông đã đăng tải. Mức độ ô nhiễm tại Mẫn Xá nói riêng và Yên Phong nói chung thì ai ai cũng biết, nhưng vì lý do nào đó mà nhiều năm qua tỉnh Bắc Ninh vẫn không có động thái quyết liệt, ngoài những văn bản chỉ đạo và đôn đốc.
Rõ ràng, việc người dân đổ thải ra môi trường là sai, tuy nhiên, sống trong ô nhiễm suốt 20 năm trời là quá đủ để người dân thôn Mẫn Xá gánh chịu hậu quả từ hành động của mình. Các cơ quan địa phương sẽ tiếp tục lãnh đạm, thờ ơ với tính mạnh của người dân, của thế hệ con cháu đến bao giờ?
Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc trong kỳ sau.
Minh Châu