Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), PBOC là đơn vị mua vàng lớn nhất thế giới năm 2023, lượng mua ròng là 7,23 triệu ounce. Số lượng mua nhiều nhất của Trung Quốc trong 46 năm qua.
WGC cho biết, tại Trung Quốc, nền kinh tế trầm lắng và lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn, khiến nhiều nhà đầu tư hướng tới tài sản trú ẩn an toàn. Ngoài PBOC mua nhiều vàng nhất, quốc gia này cũng ghi nhận lượng mua vàng lẻ cao nhất.
|
Trung Quốc tăng cường dự trữ vàng. Ảnh: KT. |
Tuy nhiên, trong tháng 5, 6 vừa qua, Trung Quốc lại không giao dịch vàng. Vì vậy, thị trường “đoán già đoán non” về nhu cầu vàng trong tương lai của Trung Quốc.
Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, ở mức 3,22 nghìn tỷ USD vào tháng 6. Nhưng tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ của Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, mặc dù ở mức cao kỷ lục là 4,9% song vẫn thấp đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 16%.
Trung Quốc mất 9 năm để nâng tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ lên 4,9%, từ mức 1,8% vào năm 2015. Trung Quốc đang nắm giữ 72,8 triệu ounce vàng, trị giá khoảng 170 tỷ USD. Nếu nước này nâng tỷ lệ vàng trong dự trữ lên 10% theo giá hiện tại, tổng số tiền mua lên tới 170 tỷ USD.
Nguồn tin nội bộ của WGC cho biết, việc Trung Quốc tạm dừng mua vàng là do "giá cao”. Nhu cầu mua vàng từ Trung Quốc đã hạ nhiệt khi giá vàng liên tiếp lập kỷ lục.
Trước đó, ngày 20/5, giá vàng giao ngay lập kỷ lục 2.450 USD/ounce khi các ngân hàng trung ương gom mua mạnh mẽ. Trong quý I/2024, các ngân hàng trung ương trên thế giới mua vàng đạt mức cao chưa từng thấy và Trung Quốc là nước mua hàng đầu.
Mặc dù ngừng mua vàng nhưng các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục là khách hàng lớn. Nitesh Shah, chiến lược gia hàng hóa tại WisdomTree, cho biết các nước đang phát triển và thị trường mới nổi thường có tỷ lệ vàng trong dự trữ thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn. Ông cho rằng, PBOC sẽ mua vàng với khối lượng lớn hơn trong nhiều thập kỷ.
Nhu cầu từ các nhà đầu tư tại Trung Quốc sẽ duy trì ở mức cao, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và các ngân hàng trung ương mua vàng để dự trữ.
Theo Carsten Menke, nhà phân tích tại Julius Baer, động lực chính của PBOC là ít phụ thuộc hơn vào USD. Trong trường hợp xấu nhất, họ ít bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông cho rằng, Trung Quốc tiếp tục duy trì dự trữ vàng do căng thẳng Mỹ - Trung trong thời gian tới và bầu cử Tổng thống Mỹ.
Thị trường dự báo giá vàng sẽ lập kỷ lục cao mới trong nửa cuối năm nay. Shaokai Fan, Giám đốc toàn cầu WGC dự báo, các ngân hàng trung ương, vốn đã mua vàng ở mức lịch sử trong 2 năm qua, tiếp tục là người mua mạnh vào năm 2024.
Theo Vietnamnet