Địa chỉ ăn ngon cho khách du lịch ở Hà Nội: Độc đáo nguyên bản hương vị ẩm thực miền Tây
Thực khách khi thưởng thức món ăn miền Tây được nghe giới thiệu nguồn gốc, câu chuyện của các món ăn. (Ảnh: H.H)
Nằm trên con phố Phan Đình Phùng có một điểm đến về ẩm thực miền Tây, nơi thực khách có thể thưởng thức những món ăn độc đáo, nghe tên thì lạ tại, khi thưởng thức lại lạ miệng, lần đầu tiên và địa điểm duy nhất có mặt tại Hà Nội.
Nhiều thực khách khi đến đây đã rất bất ngờ bởi lần đầu tiên được thưởng thức những món ăn chỉ nghe tên thôi đã thấy lạ, khi thưởng thức còn bất ngờ hơn nữa.
Chia sẻ về điều này, chị H. Lan Anh ở quận Cầu Giấy cho hay: "Tôi đã đi công tác ở miền Tây rất nhiều, cũng được thưởng thức những món ăn đặc sản ở miền Tây như lẩu mắm, lẩu bông miền Tây với 8 loại hoa khác nhau thế nhưng cũng chưa từng được thưởng thức những món ăn độc đáo ở đây. Món cơm nắm khô cá lóc mắm me, lần đầu tiên tôi được thưởng thức và thấy rất ngon, khi cơm nắm được trộn với chút nước cốt dừa, vài sợi dừa cùng chút lạc, cắn miếng cơm vừa bùi, ngậy, thơm thêm một miếng khô cá lóc mặn chấm với mắm me có vị chua, tất cả hòa quyện. Thực sự rất ngon".
Chị H. Lan Anh cho biết, chị là người đam mê khám phá ẩm thực, đặc biệt ẩm thực các vùng miền. Bởi ẩm thực không chỉ đơn thuần là món ăn, khi thưởng thức không chỉ là ăn ngon, lạ miệng mà bên trong đó là thể hiện một nền văn hóa, một câu chuyện của mỗi dân tộc, vùng miền.
Món ăn tráng miệng có tên gọi chuối sáp ngào cốt dừa. "Ảnh: H.H)
Chị Hằng đến từ quận Thanh Xuân thì cho biết, lần đầu tiên chị biết đến địa điểm ẩm thực miền Tây này và chị khá bất ngờ, ấn tượng nơi đây. Bởi từ không gian đã mang phong cách, nét gần gũi văn hóa miền Tây cho tới các món ăn đậm vị đời sống, sinh hoạt thường ngày của người dân miền Tây.
"Đến đây tôi được nghe giới thiệu về món gỏi bông súng trộn tép đồng chiên giòn, sự đặc biệt của nó, khi chỉ mùa nước nổi mới là ngon nhất. Đây cũng là ẩm thực đặc trưng chỉ có ở miền Tây vào mùa nước nổi", chị Hằng cho hay.
Mắm cá linh, một trong những món mắm đặc sản miền Tây. Đây cũng là món mắm được pha chế trong rất nhiều món ăn, trong đó có lẩu cá mắm. (Ảnh: H.H)
Nói về điều này, chuyên gia ẩm thực, bếp trưởng Nguyễn Minh Triết cho biết, ẩm thực Việt Nam là một phần không thể tách rời của văn hóa, gắn liền với những sinh hoạt hàng ngày. Văn hoá ẩm thực trải dài từ Bắc tới Nam, mỗi vùng miền đều có những nét riêng biệt để tổng hoà tạo nên một nền ẩm thực Việt phong phú.
Nếu như ẩm thực miền Bắc có hương vị thanh đạm, thiên về sự cân bằng trong màu sắc và hương vị thì ẩm thực miền Trung lại ưa chuộng những món ăn đậm đà và được trình bày một cách tinh tế. Trong khi đó, miền Nam mang đến những món ăn đơn giản nhưng phong phú, thường có vị ngọt và béo, sử dụng nhiều nước dừa và cốt dừa, tạo nên hương vị đặc trưng.
Ẩm thực Việt Nam là một hành trình khám phá văn hóa đầy màu sắc tới khắp các vùng miền, từ những món ăn đơn giản trong bữa cơm gia đình đến những món ăn tinh tế trong các dịp lễ hội. Sự đa dạng và tinh tế trong ẩm thực Việt không chỉ làm hài lòng thực khách mà còn là cầu nối đưa những giá trị truyền thống, văn hóa của người Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
"Thời gian gần đây, ẩm thực Việt Nam đã được thế giới biết đến nhiều hơn, rất nhiều món ăn như phở, bánh mì, bún chả Hà Nội, bánh rán Hà Nội… đã được bình chọn trong những Top món ăn ngon nhất của thế giới. Rồi hai năm nay Michelin đã đến Việt Nam, nhiều nhà hàng đã được gắn sao Michelin, đó là tín hiệu tốt, đáng mừng để ẩm thực Việt Nam vươn tầm ra thế giới. T
Tuy nhiên, để có được những điều đó thì một trong những điều căn bản trong ẩm thực Việt là luôn giữ được bản sắc, nguyên gốc hương vị của mỗi món ăn. Bởi chỉ khi giữ được nguyên gốc hương vị thì mới thể hiện trọn vẹn nét văn hóa của người Việt và đây cũng mới là điều được bạn bè quốc tế đánh giá và công nhận", chuyên gia ẩm thực Nguyễn Minh Triết nói.
Món gỏi bông súng trộn tép đồng chiên giòn. (Ảnh: Huy Hoàng)
Địa chỉ ăn ngon cho khách du lịch ở Hà Nội: Hấp dẫn với bánh còng Sóc Trăng, cá heo nướng muối ớt
Điểm đến ẩm thực miền Tây tại nhà hàng MAMMOM với những thực đơn là các món ăn độc đáo mang đậm nét văn hóa, hương vị của người dân miền Tây như gỏi bông súng trộn tép đồng chiên giòn; bánh còng Sóc Trăng; cơm nắm khô cá lóc mắm me; cá heo nướng muối ớt; lầu mắm Nam Bộ và món tráng miệng chuối sáp ngào cốt dừa.
Món cơm nắm khô cá lóc mắm me. (Ảnh: H.H)
Trong đó món cơm nắm khô cá lóc mắm me là một trong món cơm được người dân miền Tây gọi là cơm nắm chạy đồng.
Mỗi mùa vụ đi làm đồng, người dân miền Tây đều làm món cơm nắm khô cá lóc để mang theo, sau mỗi giờ nghỉ trưa họ lại bày ra ăn, sau đó tiếp tục làm đồng chứ không về nhà. Và ngày nay với những người không còn đi làm đồng nhưng vẫn giữ thói quen là ăn cơm nắm khô cá lóc trong bữa ăn ở nhà.
Cá heo nướng muối ớt. (Ảnh: H.H)
Hay như với món cá heo nướng muối ớt cũng là một món ăn rất đặc biệt của người miền Tây. Cá heo nước ngọt là loại cá da trơn khá quý hiếm ở miền Tây, bởi loài cá này chỉ xuất hiện khi mùa nước lớn tràn về. Nếu như cá linh còn đi theo dòng nước nhỏ thì với cá heo nước ngọt này đôi khi nó có thể lội ngược dòng với những dòng nước nhỏ, vì vậy mà cá heo nước ngọt trở nên hiếm và quý hơn cá linh.
Theo người dân Đồng Tháp, tên gọi cá heo nước ngọt xuất phát từ hình dáng ban đầu của loài cá này cũng múp míp, đồng thời khi bắt lên, túm vào đuôi của nó, nó kêu giống với tiếng chú heo con kêu vì vậy người dân đặt tên là cá heo nước ngọt. Thịt cá này rất béo, ngậy và ngọt và thơm ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Lẩu mắm Nam Bộ đặc trưng với hương vị đậm đà từ mắm cá linh, kết hợp cùng các loại hoa, rau tươi. (Ảnh: H.H)
Và điểm nhấn trong thực đơn ẩm thực miền Tây chính là set Lẩu mắm Nam Bộ đặc trưng với hương vị đậm đà từ mắm cá linh, kết hợp cùng các loại rau củ tươi ngon đặc trưng của miền sông nước như kèo nèo, điên điển, bông bí, bông so đũa... Lẩu mắm là món ăn mang đậm nét văn hóa ẩm thực Nam Bộ, với nước lẩu đậm đà, thơm lừng mùi mắm, hòa quyện cùng vị ngọt của các loại rau củ và hải sản tươi sống.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Quốc Hoà - Giám đốc vận hành tại nhà hàng MOM MOM cho hay, khi chúng tôi mở nhà hàng, điều kỳ vọng nhất của chúng tôi là quảng bá ẩm thực Việt và nâng tầm ẩm thực Việt, tiếp tục đưa ẩm thực Việt ra với bản đồ ẩm thực thế giới.
Thông điệp của chúng tôi là giới thiệu tới thực khách Thủ đô Hà Nội và thực khách các tỉnh những món ăn mang đậm nét văn hóa, dân dã, đồng quê của người dân miền Tây. Muốn thực khách được hồi tưởng về tuổi thơ của mình, thời còn bé được bà, mẹ mình nấu cho những bữa ăn vui vẻ, quây quần đầm ấm", ông Nguyễn Quốc Hòa cho hay.
Bánh còng Sóc Trăng, một trong những loại bánh nghe tên rất lạ nhưng khi thưởng thức lại cực kỳ ấn tượng và ngon. (Ảnh: H.H)
Theo ông Nguyễn Quốc Hòa, Ẩm thực miền Tây phóng khoáng về hương vị, bởi nởi đây có sự kết hợp của nhiều dân tộc, nền văn hóa khác nhau. Vì vậy ẩm thực được chia ra nhiều khẩu vị khác nhau.
Miền Tây cũng là vùng có rất nhiều nguyên liệu đề có thể chế biến các món ăn rất gần gũi với đời sống người dân nơi đây. Các bữa ăn của họ rất đơn giản, chỉ cần bước ra vườn, trong vườn có những nguyên vật liệu nào là họ chế biến món ăn đó. Vì vậy đây cũng là cách sáng tạo trong thực đơn, các món ăn gia đình của người miền Tây. Vì vậy tôi tin là khi giới thiệu ẩm thực miền Tây tới thực khách Hà Nội, du khách quốc tế sẽ là một khẩu vị lạ miệng, độc đáo".
Rất nhiều du khách khi đến thưởng thức đã bất ngờ và ấn tượng với các món ăn miền Tây ở đây. (Ảnh: H.H)
Được biết để đảm bảo các món ăn nguyên bản hương vị miền Tây, nhà hàng đã vẫn chuyển toàn bộ nguyên vật liệu như cá, mắm sặc, mắm linh, các loại hoa như hoa so đũa, bông điên điển, hoa súng, cây tai tượng, hoa hẹ, quả bình bát… bằng đường hàng không và đầu bếp nấu các món ăn cũng là người miền Tây.
Sự cầu kỳ trong từng khâu lựa chọn nguyên liệu để giữ độ tươi, ngon được vận chuyển từ miền Tây ra Hà Nội cho tới tôn chỉ giữ nguyên gốc hương vị, cách nấu của người miền Tây sẽ là điểm thu hút nhiều thực khách thủ đô cũng như du khách nước ngoài đến với địa điểm ẩm thực miền Tây này.
Theo Huy Hoàng/Dân Việt