Hương trao nỗi nhớ, vị quyến luyến tình
Lần đầu tiên một kilogram trà Thái Nguyên được bán với giá 5 triệu đồng mà đó lại là trà La Bằng chứ không phải trà Tân Cương như nhiều người quen tiếng từ xưa đến nay. Đó là sản phẩm đinh tâm trà của hợp tác xã chè La Bằng: trà tôm nõn (chỉ hái một tôm để chế biến), đựng trong hộp tre ép, khắc chữ bằng bút lửa, nhìn trang nhã, thân thiện với môi trường, lại mang cốt cách và tâm hồn Việt Nam.
Sản phẩm tích hợp văn hóa này đã được chọn làm quà tặng của Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại TP. Đà Nẵng từ ngày 6/11 đến ngày 11/11/2017. Kì tích ấy là kết quả của gần 11 năm phấn đấu không mệt mỏi của Hợp tác xã chè La Bằng (xóm Rừng Vần, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).
Nhắc lại chuyện sản phẩm đinh tâm trà của Hợp tác xã chè La Bằng trở thành một trong hai món quà của Thái Nguyên được Chính phủ chọn làm quà tặng của Hội nghị cấp cao APEC 2017, bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc HTX vẫn nghĩ rằng điều đó “Đẹp như một giấc mơ. Cho đến giờ tôi vẫn chưa tin có ngày chè La Bằng được đi xa đến thế”.
|
Cùng với Tân Cương (TP. Thái Nguyên), Trại Cài (huyện Đồng Hỷ), La Bằng (huyện Đại Từ) được đánh giá là vùng đất sản xuất trà ngon đặc biệt của tỉnh Thái Nguyên. Ảnh Đỗ Quang Tuấn Hoàng |
|
Trà La Bằng khi pha không có màu xanh trong như trà Tân Cương, trà Trại Cài mà có màu mật ong vàng óng, uống vào có mùi thơm mát của nếp cốm rất đặc trưng, nuốt ngụm nước, chép miệng, thấy vị ngọt thanh tao, sảng khoái. Ảnh Đỗ Quang Tuấn Hoàng |
Bà Hải chia sẻ, ngay từ khi đọc công văn đề nghị lựa chọn sản phẩm với các tiêu chí: đồ thủ công mỹ nghệ, thân thiện với môi trường và đã gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần của người Việt, bà đã suy nghĩ rất nhiều.
Quà tặng cho các lãnh đạo cấp cao dự APEC phải thể hiện được sự tinh túy của đất trời La Bằng, búp trà phải là loại tươi ngon nhất, đảm bảo an toàn cao nhất, được chế biến trên dây chuyền hiện đại. Trà trồng không bón phân hóa học, không phun thuốc kích thích và chỉ hái những búp trà non vào buổi sớm mai, mang về sao rất cẩn thận. Quy trình sao trà thủ công bằng tay hoàn toàn mang tính chất gia truyền để tạo ra những cánh trà mảnh mai như cánh hạc, màu xanh lục phủ lớp tuyết trắng huyền ảo.
Và tuyệt kỹ hơn là bí quyết lấy hương cho trà. Khi pha trà sẽ thưởng thức được hương cốm non man mác, vị ngọt thanh có chút vị mật ong rừng và màu nước xanh tươi, pha đến nước thứ tư mà vẫn sánh. Đặc biệt vị đắng và chát của trà đã biến mất. Đây là một sự khác biệt với tất cả các loại trà xanh khác.
Điều làm bà đau đầu nhất là hộp đựng sản phẩm. Suy nghĩ mãi, bà nhận ra, cây tre từ bao đời nay đã gắn bó với người Việt Nam, tre hiện diện trong mọi ngõ ngách đời sống của người dân, rừng bương, tre, nứa, vầu,... bạt ngàn bao quanh những đồi trà La Bằng, thế là bà quyết định chọn tre là chất liệu chính. Sau khi đặt hàng làm mẫu, ai cũng hài lòng vì sản phẩm được làm thủ công, bên ngoài rất mộc mạc nhưng cũng không kém phần tinh tế, sang trọng. Cuối cùng, qua nhiều vòng tuyển chọn khắt khe, sản phẩm đinh tâm trà đã mang lại vinh dự cho những người làm trà La Bằng.
|
Theo chuyên gia về trà, trà ngon là nước phải xanh, sánh, hậu ngọt, dư vị lan tỏa; phải đạt được ngũ quý là sắc - khí - hương - vị - thần. |
|
Đinh tâm trà, sản phẩm chất lượng cao của hợp tác xã chè La Bằng được Chính phủ chọn làm quà tặng hội nghị cấp cao APEC 2017. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng |
Sánh vai trà Tân Cương
Xã La Bằng nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 35 km về phía Bắc và cách trung tâm huyện Đại Từ khoảng 4 km. La Bằng mát mắt với những đồi trà bát ngát nằm bao quanh chân núi Tam Đảo. Người dân nơi đây bảo quê hương mình là một vùng đất rộng rãi, thoai thoải, bằng phẳng, không có đồi bát úp, thế nên có tên La Bằng.
La Bằng có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình ở mức 22-23 độ C, khí hậu tiểu vùng miền núi mang sắc thái của khí hậu ôn đới, đất đai màu mỡ, lại có dòng suối Tiên Sa ngày đêm róc rách chảy nên La Bằng rất thích hợp với cây trà. Trên khu đất thuộc đèo Khế, núi Ðiệng của xã hiện còn có bãi trà cổ, nhiều cây có đường kính rộng tới 50 cm. Trà trở thành cây trồng chủ lực của xã từ cuối thế kỷ 19.
Ông Nguyễn Ngọc Thép, Bí thư Đảng ủy xã La Bằng, cho biết: Toàn xã hiện có trên 430 ha trà, được phân bố ở cả mười xóm, trong đó có 55% diện tích trà cành chất lượng cao, góp phần nâng năng suất trà của xã từ 80 lên 120 tạ búp tươi/ha/năm. Năm 2011, La Bằng được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận là làng nghề chè truyền thống với hai hợp tác xã chè, 5 câu lạc bộ chè, 5 tổ hợp tác chè. Năm 2012, sản phẩm chè La Bằng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Những năm gần đây, xã liên tục mở rộng diện tích sản xuất trà theo tiêu chuẩn VietGAP và là địa phương tiên phong trong sản xuất trà hữu cơ. Đến nay, gần 100 ha đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, giá bán các sản phẩm trà La Bằng thường cao hơn nhiều so với một số địa phương. La Bằng tiếp tục khẳng định cây trà là cây mũi nhọn, đồng thời phát triển du lịch truyền thống, trong đó đặc biệt quan tâm đến du lịch làng nghề trà,... nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đưa sản phẩm trà của Việt Nam đến với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
|
Những nương trà xanh mướt của hợp tác xã chè La Bằng được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, thuận tự nhiên để cho chất lượng sạch, ngon. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng |
Theo bà Nguyễn Thị Hải, hợp tác xã hiện có 26 xã viên và 40 hộ liên kết, canh tác 20 hecta trồng những giống trà: trung du, keo am tích, hoa nhật kim... Sản phẩm của hợp tác xã được kiểm soát chặt chẽ từ khâu làm đất, chọn giống, trồng, chăm sóc, chế biến theo quy trình sản xuất trà sạch tiêu chuẩn VietGAP. Họ cũng áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ, thuận tự nhiên: bón phân chuồng ủ hoai, phun thuốc trừ sâu làm từ thảo dược (tỏi, hạt và lá xoan, vôi bột, ớt,... ).
Từ những búp trà xanh non mơn mởn, xã viên thu hái về sản xuất theo công nghệ hiện đại: phơi giàn, vò máy, sao gas,... để làm ra những sản phẩm chất lượng cao như đinh tâm trà, Thanh Hải trà, búp chè vàng, trà sen, trà nhài...
Trà La Bằng có hậu ngọt, hương vị độc đáo, phong phú và đa dạng, có loại nước xanh trong sáng, có loại nước xanh trong viền vàng. Hương nổi bật nhất là mùi hương như hương hoa rừng, vừa thơm mát vừa dịu êm.
Các sản phẩm chè của hợp tác xã chè La Bằng không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong nước mà đã bay đến 21 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khối APEC.
Ngày trước, dân La Bằng phải ăn theo trà Tân Cương để bán được hàng. Ngày nay, tại các hội chợ, triển lãm, bà Nguyễn Thị Hải nhất nhất phải thuê vị trí ở ngay bên cạnh gian trưng bày của trà Tân Cương mà bày trà La Bằng. Bà khẳng định: “Tôi muốn khẳng định chất lượng sản phẩm của chè La Bằng. Chè La Bằng đã tự tin sánh vai cùng chè Tân Cương”.
Nhờ chất lượng thơm ngon nên các sản phẩm của hợp tác xã chè La Bằng ngày càng được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, giá bán từ 150.000 đồng/kg đến 5 triệu đồng/kg.
Michael E. Porter, “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh, trong cuốn sách Lợi thế cạnh tranh quốc gia, đã viết rằng: “Với các doanh nghiệp, thông điệp trung tâm của cuốn sách là nhiều lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp lại nằm ngoài doanh nghiệp và có nguồn gốc từ địa điểm sản xuất và các tổ hợp ngành.” Vì vậy, cùng với việc xây dựng thương hiệu, nâng chất lượng sản phẩm trà, bà Nguyễn Thị Hải còn quyết tâm khai thác du lịch ở vùng trà quê hương.
Theo Đỗ Quang Tuấn Hoàng/Vietnamnet