"Kho báu" chè Shan tuyết cổ thụ 70 tuổi nơi vùng cao bản Suối Lìn

Google News

Vườn chè Shan tuyết cổ thụ của gia đình ông Triệu Văn Cai, sinh năm 1957, dân tộc Dao Tiền, sinh sống ở bản Suối Lìn (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) là niềm tự hào của bà con dân tộc nơi đây khi những cây chè đã hơn 70 tuổi.

Ông Triệu Văn Cai chia sẻ: Vườn chè shan tuyết cổ thụ được bố mẹ tôi trồng từ nhiều năm trước. Đến nay, những cây chè này cũng được hơn 70 năm tuổi. Thời gian trước vườn chè có hơn 40 cây, nhưng do vườn ở xa nhà, không có thời gian giám sát nên đã bị 1 số hộ chặt phá lấn chiếm để làm nương rẫy, giờ chỉ còn 20 cây. Sau đó, tôi nghĩ phải tìm cách nào đó để gìn giữ giống chè quý này.
"Giống chè Shan tuyết này được bố mẹ tôi mang từ rừng về trồng vừa để làm hàng rào sau nhà vừa để lấy búp đun nước uống. Trước kia, trồng chè chỉ với suy nghĩ để uống, chứ chưa nghĩ đến việc bán để kiếm thêm thu nhập. Năm 2011, gia đình tôi mới bắt đầu hái chè bán cho các tiểu thương trong huyện, nhưng cũng chỉ bán để kiếm chút ít tiền trang trải cuộc sống thường ngày. Tôi sợ hái nhiều quá sẽ làm cây chậm phát triển và héo úa, như vậy xót lắm", ông Cai kể.
Vườn chè của gia đình ông Cai có 20 cây chè shan tuyết đã hơn 70 năm tuổi. 
Hiện tại, cả bản Suối Lìn, xã Vân Hồ chỉ có mỗi gia đình ông Cai còn gìn giữ được cây chè cổ thụ với số lượng lớn nhất. Bởi trước đó, các hộ dân trong bản đều đào gốc bán cho các thương lái ở dưới xuôi đến thu mua làm cây cảnh. Vì họ nghĩ rằng để lại cây chè cũng không đem được lợi lộc gì, bán đi để lấy đất trồng cây hoa màu khác và có tiền tiêu. Nhưng đối với gia đình ông Cai thì nghĩ ngược lại, ông lên rừng chặt tre về rào xung quanh vườn chè, hàng ngày đều lên vườn phát quang bụi rậm để cây phát triển xanh tốt.
Ông Cai luôn ấp ủ trong lòng làm sao để gìn giữ những gốc chè shan tuyết cổ thụ này cho thế hệ con cháu. 
Ông Cai cho biết: Nhiều thương lái ở Hà Nội đến tận nhà tôi trả hơn trăm triệu đồng để mua 20 gốc chè về làm cây cảnh nhưng tôi từ chối. Thấy vậy nhiều anh, em họ hàng và hàng xóm bảo tôi suy nghĩ lẩm cẩm, giữ chè cổ thụ để làm gì, đào gốc chè bán sẽ có 1 khoản tiền lớn trang trải cuộc sống và làm kinh tế. Nhưng tôi bỏ ngoài tai tất cả mọi chuyện, tôi chỉ nghĩ đơn giản vườn chè là do bố mẹ để lại nên cần phải gìn giữ cho con cháu sau này. Nghĩ là làm, hàng ngày tôi cùng vợ xuống vườn phát quang cỏ và bón phân chăm nom vườn chè để cây sinh trưởng cao lớn hơn.
Theo ông Cai, lá chè shan tuyết cổ thủ khi pha uống có vị ngon ngọt, càng pha đặc thì uống càng thích. Bạn bè, anh em họ hàng đến thăm nhà, ông đều dùng những búp chè shan tuyết cổ thụ đã qua chế biến thủ công và ai nấy đều tấm tắc khen ngon.
Không chỉ là người nặng lòng với cây chè, ông Cai còn là người rất am hiểu và có tay nghề chế biến chè rất giỏi.
Cách chế biến chè của ông rất đơn giản không cầu kỳ, ông hái chè về rồi nhóm lửa bỏ những búp chè tươi vào chảo gang xào lên. Khi chè chín, ông đổ vào giỏ tre, rồi tiếp tục hơ lửa thêm 10 phút để tạo mùi thơm cho chè. Sau đó, ông đựng vào hộp để uống dần hoặc làm quà biếu.
Không chỉ nặng lòng, gìn giữ chè shan tuyết, ông Cai còn có tay nghề rất giỏi về chế biến chè. Ông Cai chia sẻ: Chè shan tuyết cổ thụ có vị thơm ngon, càng pha đặc thì uống càng ngon.
 
“Khi tuổi ngày càng cao, tôi luôn đau đáu trong lòng, mong rằng con trai tôi sẽ thay tôi chăm sóc vườn chè Shan tuyết cổ thụ này. Bởi, chè Shan Tuyết là món quà mà thiên nhiên dành tặng cho đồng bào dân tộc Dao chúng tôi, nên cần được thế sau gìn giữ. Hy vọng, trong tương lai không xa, sản phẩm chè Shan Tuyết cổ thụ ở bản Suối Lìn sẽ được khách hàng trong tỉnh và cả nước biết đến – ông Cai bộc bạch.
Theo Hà Hoàng/Dân Việt