Anh Quân sinh năm 1987 tại Bến Tre. Anh chia sẻ trong thời gian nghỉ học để đi làm thuê giúp anh biết đến một loại nguyên liệu được dùng nhiều để vận hành lò hơi cho các nhà máy thức ăn gia súc, dệt nhuộm, cao su, thực phẩm,... là củi trấu, trấu viên. Anh đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về loại nguyên liệu này. Theo anh, đây là loại nguyên liệu hoàn toàn có thể thay thế được cho than đá, là loại năng lượng sạch, ít gây ô nhiễm môi trường.
|
Các cơ sở, nhà máy xay xát trên cả nước mỗi năm cung cấp hàng triệu tấn trấu - Ảnh minh họa |
Năm 2012, dù không có nhiều vốn trong tay nhưng anh đã tìm cách kinh doanh củi trấu cho các nhà máy trong vùng bằng việc làm thương mại. Sau một thời gian khi tích lũy được số vốn nhất định anh cùng một số người bạn quyết định đầu tư máy móc để sản xuất củi trấu và trấu viên cung cấp ra thị trường.
Ông bố 35 tuổi cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Hàng năm lượng vỏ trấu từ các nhà máy xay xát thải ra môi trường là rất lớn cho nên đây là một nguồn cung dồi dào và liên tục cho những cơ sở sản xuất nguyên liệu sạch. Bên cạnh đó, so với chi phí đốt lò hơi để vận hành máy móc bằng những nguyên liệu truyền thống khác như than đá, dầu mỏ thì khi đốt bằng củi trấu có thể tiết kiệm được từ 20% đến 30% giá thành sản phẩm do chi phí của củi trấu rất thấp, bên cạnh đó tuổi thọ của lò hơi cũng tăng đáng kể.
Theo anh Quân, trước đây mỗi năm có hàng triệu tấn trấu thải ra môi trường khiến môi trường bị ô nhiễm, đặc biệt là các dòng sông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng nhờ có các nhà máy, cơ sở sản xuất củi trấu đi vào hoạt động thời gian gần đây nên hiện nay lượng trấu thải ra môi trường đã giảm một cách đáng kể và còn đem lại nguồn thu lớn cho người sản xuất.
Củi trấu không chỉ ứng dụng cho các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất lớn mà còn có thể được dùng trong hoạt động kinh doanh của các quán ăn, nhà hàng và hộ gia đình. Đây được xem là nguồn nguyên liệu thay thế cho gas và củi thông thường nhờ giá thành rẻ hơn. Bên cạnh đó, củi trấu sau khi cháy hết để lại phần tro, nếu trộn tro trấu với một số loại phân bón khác có thể giúp cải tạo đất, rất tốt cho cây trồng. Thậm chí tro trấu đang được nhiều quốc gia áp dụng để làm nguyên liệu xây dựng sạch.
|
Tưởng chừng bỏ đi nhưng vỏ trấu đang trở thành một loại nguyên liệu cho nhiều nhà máy, cơ sở kinh doanh và giúp nhiều người làm giàu |
Anh Quân cho biết sau 8 năm khởi nghiệp từ con số không tròn trĩnh, cùng với việc vượt qua nhiều gian khó đến nay anh đã có vài tỷ đồng trong tay. Người đàn ông 35 tuổi cho biết lợi nhuận từ mỗi kg trấu chỉ từ 50đ đến 100đ, nghe tưởng chừng rất nhỏ nhưng với qui mô sản xuất vài nghìn tấn trấu mỗi tháng thì lợi nhuận thu về cũng lên con số hàng trăm triệu đồng/tháng.
Ngoài ép thành củi để làm nguyên liệu vận hành cho lò hơi của các nhà máy, thay thế gas và củi trong hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, hộ gia đình thì vỏ trấu cũng đang dần trở thành một loại nguyên liệu được áp dụng vào rất nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Từ năm 2013, các nhà nghiên cứu tại Đại học Chungnam, Hàn Quốc đã phát hiện ra ôxít silic (SiO) bên trong vỏ trấu có thể được chuyển thành silicon để sử dụng cho pin lithium điện dung cao. Và tập đoàn Torftech của Anh cũng từng công bố thông tin cho biết sau khi đốt mỗi tấn vỏ trấu sẽ tạo ra 180kg tro, có giá trị là 100 USD, có thể sử dụng làm phụ gia cho xi măng và có thể thay thế trực tiếp SiO2 trong xi măng.
Tại Việt Nam, dự án pin từ vỏ trấu đã đạt giải nhất trong cuộc thi Thử thách Sáng tạo Việt Nam 2019. Nghiên cứu đã giảm thiểu quá trình ô nhiễm của pin cho môi trường, không khai thác hóa thạch từ than đá, sử dụng vật liệu an toàn; tăng giá trị của vỏ trấu, giúp cải thiện cuộc sống của người dân. Đồng thời, mở ra cho thị trường Việt Nam một tương lai mới trong dây chuyền sản xuất pin sạc Li-ion, ngoài sản xuất pin cúc áo, sẽ phát triển mô hình pin túi chuyên dụng trong các thiết bị như điện thoại, laptop… hay các thiết bị cần lưu trữ năng lượng.
Theo Dân Việt