|
Quyết định 3720 vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành mới đây đã đưa ra phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019 – 2020. |
Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh được nhận định là "chưa từng có trong lịch sử Bộ Công Thương". Từ trước đến nay chưa có cuộc cắt giảm điều kiện kinh doanh với số lượng lớn vậy được thực hiện trong ngành này.
Quyết định 3720 vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành mới đây đã đưa ra phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019 – 2020.
Cắt thêm 202 điều kiện kinh doanh
Theo Phương án trên, Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm: 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 36%). Như vậy, với việc cắt giảm, đơn giản hóa lần 1 tại Nghị định 08/2018/NĐ-CP là 55,5% và cộng với dự kiến cắt giảm lần 2 này thì tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương dự kiến đạt 72,1%.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương Nguyễn Anh Sơn cho biết, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cho giai đoạn 2019-2020 tập trung vào các ngành, nghề: an toàn thực phẩm, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh rượu, điện lực, hóa chất, ôtô, khoáng sản và than.
"Việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế cũng đánh giá rất cao nỗ lực này của ngành"", ông Sơn nói.
Trên cơ sở phương án cắt giảm 202 điều kiện đầu tư kinh doanh mới được đề nghị cắt giảm quy định ở những ngành nghề khác nhau, Bộ Công Thương sẽ xây dựng trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Ông Sơn khẳng định: "Khi hoàn thành kế hoạch thì sẽ cắt giảm trên 72%, tính trên tổng số điều kiện kinh doanh của các bộ ngành khác thì số lượng cắt giảm của Bộ Công Thương chiếm 14,1%. Hi vọng việc đầu tư kinh doanh của tổ chức, cá nhân sẽ thuận lợi hơn".
Bộ Công Thương cũng cho biết trong giai đoạn 2017 - 2018, Bộ đã cắt 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. 675 là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh. Sau khi cắt giảm, số điều kiện còn lại chỉ còn 541.
Như vậy, tổng cộng hai đợt, Bộ Công Thương đã cắt giảm tới 877 điều kiện kinh doanh. Nhận định về sự chủ động của Bộ Công Thương trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói: "Tôi chưa thấy bộ, ngành nào chủ động và tự nguyện cắt giảm điều kiện kinh doanh như Bộ Công Thương. Chúng ta cắt giảm điều kiện để giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có thua lỗ thì cũng mất ít hơn, khả năng hồi phục lại cũng nhanh hơn. Chưa kể đến việc chi phí kinh doanh giảm đi thì giá cả mặt hàng đó cũng giảm xuống. Điều này tác động lan toả tới nền kinh tế và là yêu cầu rất quan trọng mà lâu nay ta ít suy nghĩ đến".
Tinh gọn bộ máy, "trảm" nhiều thủ tục
Ông Nguyễn Anh Sơn cho biết, ngoài việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ Công Thương cũng đã thực hiện và xây dựng Phương án cắt giảm thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy, giảm biên chế. Năm 2017, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc cắt giảm thủ tục hành chính, theo đó cắt giảm 49 thủ tục, đơn giản hóa 134 thủ tục trong tổng số 451 thủ tục (chiếm 40,57%).
"Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thành lập Ban Chỉ đạo về Chính phủ điện tử. Trong đó Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là Trưởng ban, cùng 2 Thứ trưởng Đặng Hoàng An và Thứ trưởng Cao Quốc Hưng. Cùng với việc cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản thủ tục đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp cũng như tổ chức cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương sẽ được hưởng lợi rất nhiều", ông Sơn nói.
Về việc giảm từ 35 đầu mối xuống còn 28 đầu mối, sáp nhập loạt các vụ, cục thuộc Bộ nhưng lại lập một Tổng cục Quản lý thị trường trong bối cảnh ngành đang thực hiện cải cách toàn diện làm dấy lên nguy cơ tăng biên chế. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trước đây, lực lượng Quản lý thị trường có 63 đầu mối địa phương và một đầu mối ở Bộ Công Thương là 64. Tuy nhiên con số này sẽ dần giảm còn 38 đầu mối liên tỉnh.
"Số đầu mối giảm đi nên không có gì mâu thuẫn giữa việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường với việc giảm đầu mối quản lý. Biên chế không những không tăng mà còn giảm", ông Hải nói.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho hay, trước khi thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã giảm nhiều đầu mối và đặt mục tiêu đến hết 2020 sẽ giảm 305 đội. Ngày 12/10/2018, khi Tổng cục chính thức đi vào hoạt động, đã giảm ngay 162 Đội Quản lý thị trường. Bộ Công Thương cũng được giao nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu, có phương án sắp xếp cho giai đoạn sau 2021 để tổ chức bộ máy của lực lượng quản lý thị trường tinh gọn, tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhiều lần khẳng định quyết tâm giảm sự phiền hà cho doanh nghiệp, người dân. "Quan điểm của chúng ta là làm một cách triệt để, khách quan và công tâm nhất. Chúng ta cải cách không phải vì Bộ Công Thương mà là vì doanh nghiệp và tiến tới mục đích xa hơn là vì xã hội, đại bộ phận dân chúng. Một khi doanh nghiệp còn phàn nàn, người dân còn kêu than, tức là nhiệm vụ của chúng ta vẫn chưa hoàn thành", ông nói.
Theo Minh Minh/VnEconomy