Cụ thể, 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ACB đạt 17.079 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng khá như lãi từ dịch vụ tăng 21% lên 2.599 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác gấp 12 lần với 849 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của ACB lại giảm 14% về còn 544 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 87% ở mức 23 tỷ đồng. Đặc biệt, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh báo lỗ gần 278 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 389 tỷ đồng.
ACB được hoàn nhập 180 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng 9 tháng, trong khi cùng kỳ trích lập hơn 2.812 tỷ đồng. Do đó, ACB đạt hơn 13.503 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng, tăng 51% so cùng kỳ và đạt 90% kế hoạch năm. Lãi ròng cũng tăng 51% với 10.817 tỷ đồng.
Tiêng trong quý 3/2022, thu nhập lãi thuần của ACB tăng 33% khi đạt 6.032 tỷ đồng. Kỳ này, ACB trích hơn 90 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, do đó Ngân hàng đạt 4.475 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 71% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/9/2022, tổng tài sản của ACB tăng 6% so với đầu năm, lên mức 561.113 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 77% về còn 7.285 tỷ đồng; tiền gửi tại các TCTD khác lại tăng 37% lên mức 60.017 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 11% với 402.250 tỷ đồng.
Tiền gửi khách hàng tăng 3% so với đầu năm, lên mức 392.023 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng 31% lên 40.052 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu của ACB tăng 45% so với đầu năm lên hơn 4.056 tỷ đồng. Trong đó nợ có khả năng mất vốn gấp 2,3 lần khi chiếm 3.190 tỷ đồng. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,78% đầu năm lên 1,02%.
Minh An