Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho ACB tăng vốn điều lệ tối đa thêm hơn 5.400 tỷ đồng từ mức hiện tại lên 27.019 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Đây là kế hoạch đã được ban lãnh đạo ACB trình và được các cổ đông thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra tháng 4 vừa qua.
Ngân hàng ACB sẽ thực hiện tăng vốn bằng hình thức phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 25%.
|
Kết thúc quý I/2021, ACB ghi nhận 3.104 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ảnh minh họa |
Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, việc tăng vốn điều lệ nhằm mục đích đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của ngân hàng Nhà nước và đáp ứng các nhu cầu vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, kết thúc quý I/2021, ACB ghi nhận 3.104 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ động lực từ mảng tín dụng và dịch vụ. Theo đó, ACB đã hoàn thành 29% kế hoạch lợi nhuận sau 1/4 năm tài chính 2021.
Tính tới 31/3/2021, tổng tài sản của ACB tăng 1,1% lên 449.515 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,1% lên 324.311 tỷ đồng. Quy mô huy động tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 0,3%, hiện ở mức 352.218 tỷ đồng.
Nợ xấu của ngân hàng ở mức 2.954 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cuối năm 2020. Trong đó, nợ nhóm 4 - nợ nghi ngờ tăng mạnh 94% lên 799 tỷ đồng, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng 53% lên 1.858 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ACB tăng từ 0,6% hồi đầu năm lên 0,92% vào cuối tháng 3/2021, nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong ngành.
Trên thị trường chứng khoán, dù vẫn duy trì được xu hướng tăng giá cao hơn thị trường chung nhưng so với hầu hết cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết, đà tăng của cổ phiếu ACB tương đối khiêm tốn.
Hiện mỗi cổ phiếu ACB được giao dịch với giá 36.450 đồng (cuối ngày 14/5), trong khi giá một năm trước đã là trên 28.000 đồng/cổ phiếu.
Hoàng Minh